Người số hóa kho di sản... chữ Nôm


 

Công trình nghiên cứu “Khái luận văn tự học chữ Nôm” giúp chỉ rõ sự khác biệt giữa chữ Nôm và chữ Hán của GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng là 1 trong 7 công trình được xét tặng giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt V.

GS Nguyễn Quang Hồng đã dành 12 năm để nghiên cứu chữ Nôm và 6 năm để hoàn thành công trình nghiên cứu. Theo đánh giá của Hội đồng, đây là công trình nghiên cứu có hệ thống và toàn diện khi tìm hiểu chữ viết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, mà trọng tâm là chữ Nôm của người Việt.

Đây là lần đầu tiên có một chuyên luận nghiên cứu văn tự học một cách toàn diện, có hệ thống và đủ sâu sắc về chữ Nôm. Cho dù chữ Nôm và các văn tự theo hình mẫu chữ Hán khác ở Việt Nam đã được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu từ lâu.  Điểm đặc biệt của công trình nghiên cứu chính là việc GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng giữa chữ Nôm Việt và chữ Hán. GS Hồng cho biết: “Trong chữ Hán không hề có một chữ “hội âm”, trong văn tự học chữ Hán cũng chưa hề có khái niệm “hội âm”, trong khi chữ Nôm có. Như vậy chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán mà có những nét sáng tạo riêng của nó. Phát hiện mới này khi được công bố đã khiến các học giả quốc tế rất ngạc nhiên”.

Đặc biệt, GS Hồng và các cộng sự đã xác lập mã Unicode cho chữ Nôm. Đây là tiền đề để đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, giúp khai thông giao lưu quốc tế trong vấn đề nghiên cứu chữ Nôm và đưa chữ Nôm tới gần hơn với thế hệ trẻ. GS Hồng xúc động: “Việc đưa thành công chữ Nôm lên bàn phím máy tính đã cho nó một vị trí xứng đáng trong lịch sử. Nếu như trước đây người dùng chữ Nôm phải viết bằng tay, vừa tốn thời gian lại dễ xảy ra sai sót thì hiện bộ mã Unicode đã khắc phục được. Những người nghiên cứu, tìm hiểu về chữ Nôm có thể dùng máy tính để gõ văn bản chữ Nôm như gõ chữ Hán hay chữ Hàn”.