Bảo tồn chữ Nôm của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn


 

Chữ Nôm của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là một hệ thống chữ viết mang nét văn hóa riêng, đặc sắc của dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Tuy nhiên những người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày còn rất ít. Vì vậy việc lưu giữ, bảo tồn hệ thống chữ viết này là hết sức cần thiết.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, vùng cao, nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 53% dân số toàn tỉnh. Văn hoá của mỗi tộc người bao hàm nhiều yếu tố và chứa đựng những giá trị rất riêng. Ngoài những nét đặc trưng tiêu biểu về phong tục tập quán, một số tộc người ở Bắc Kạn còn có chữ viết riêng, trong đó có chữ Nôm của dân tộc Tày. Cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn sống rải rác ở khắp các huyện, thị trong toàn tỉnh. Trong đời sống hàng ngày, họ sử dụng tiếng Tày là chủ yếu, còn chữ Nôm rất ít khi sử dụng mà chỉ dùng trong các buổi lễ cúng bái hay trong các truyện thơ, ca dao, tục ngữ.

Theo bà Hoàng Thị Hiền, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chữ Nôm Tày là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức người Tày, được ra đời từ khoảng thế kỷ XV - XVI, phát triển mạnh trong thời kỳ nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng và tồn tại cho đến ngày nay. Cũng như những dân tộc khác hiện đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cư dân Tày Bắc Kạn từ lâu đời đã biết sử dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm tiếng Tày và được các nhà nghiên cứu gọi là chữ Nôm Tày.

Về loại hình, chữ Nôm Tày là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình, kế tục và phát triển từ chữ Hán của dân tộc Hán ở phương Bắc. Là thể chữ tượng hình, chữ khối vuông nên trong cách viết, chữ Nôm Tày cũng phải tuân thủ trình tự, cách thức viết chữ của chữ Hán đó là: Trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; trái trước, phải sau; viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (theo hàng dọc); sử dụng bộ thủ chữ Hán để nhận biết ngữ nghĩa, mặt chữ.

Trang sách trong cuốn “Chải tinh kỷ hoa” bằng chữ Nôm của dân tộc Tày

Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉa sla), khi viết dùng bút lông thấm mực tàu tay đưa đều ngọn bút trên giấy viết tạo thành nét thanh, nét đậm. Muốn viết chữ đẹp phải khổ luyện sao cho tay viết vừa mềm mại, vừa rắn rỏi; nét chữ lúc thanh, lúc đậm, chữ viết vuông vắn, cân xứng, đều đặn. Người Tày quan niệm đây là chữ của “thánh hiền” nên khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn, sách vở để trong rương, trong hòm như những vật quý trong gia đình.

Chữ Nôm Tày có cấu tạo tương tự như chữ Nôm Việt. Trong chữ Nôm Tày có hiện tượng sử dụng những chữ Hán Việt, giữ nguyên nghĩa gốc nhưng đọc theo âm tiếng Tày. Ví dụ như chữ Hoàng đọc theo âm Hán Việt có nghĩa là hoàng đế, đọc theo Nôm Tày là “vuồng”.

Tuy nhiên, chữ Nôm Tày cho đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ thống nhất, có những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác nhau. Điều này là do trong điều kiện trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.

Chữ Nôm Tày được dùng để ghi chép nhiều nhất trong sách cúng của các thầy Tào, ngoài ra còn được dùng để ghi chép các truyện thơ của người Tày, sách hát lượn cọi. Ông Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1930, dân tộc Tày, ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm là người còn lưu giữ được nhiều sách chép bằng chữ Nôm Tày do người xưa để lại. Trong chiếc tủ đựng sách của mình, những quyển sách chữ Nôm Tày được ông để ngay ngắn, cất giữ cẩn thận. Là một thầy Tào nên ông thường sử dụng những quyển sách chữ Nôm Tày để cúng, làm lễ cho nhiều gia đình ở địa phương. Nhiều quyển sách của ông qua bao năm tháng đã ngả màu, nhiều trang không còn được phẳng phiu, nguyên vẹn. Nhưng trong mỗi quyển sách đều hàm chứa một nét văn hóa độc đáo của người Tày, như quyển Sléc Tuổn (sách cúng sử dụng trong lễ đầy tháng của dân tộc Tày); cuốn Sléc Chải, mo (sách cúng sử dụng trong cầu yêu, giải hạn); Sléc Quét lườn (sách cúng vào nhà mới, giải uế, giải hạn); Sléc truyện thơ Tần Chu (sách truyện thơ Tần Chu)…

 Ông Hoàng Văn Phúc, dân tộc Tày ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm đang truyền dạy chữ Nôm Tày cho người con trai

Ngồi bên ấm trà nóng, ông Phúc đọc những câu thơ trích từ sách cúng của mình cho chúng tôi nghe:

…Slấn cỏi cụm hương lân sloong tuyền

Cụm thuổn tằng slị hiến nhình chài

Tu khỏi đẩy vạng lai pây tẻo

Nhờ ơn slấn hiếu liệu slương thâng…

Dịch nghĩa:

…Thần hãy phù trợ cho mọi nhà trong bản được song tuyền

Phù hộ cả nho sĩ, hiền tài, gái trai

Để tôi được đi lại chốn này

Nhờ ơn thần chiếu cố thương cho…

Ông giải thích thêm, chữ Nôm Tày dùng trong các sách cúng về âm đọc gần với âm đọc bằng tiếng Quan Hỏa trong các sách cúng của thầy Tào, nên nếu không phải là thầy Tào thì không thể đọc và giải nghĩa được những văn bản này. Ngược lại, chữ Nôm Tày dùng để ghi chép truyện thơ, hát lượn lại gần gũi với ngôn ngữ thường ngày của tộc người Tày nên người nghe dễ hiểu hơn.

Nhấp một ngụm trà, đôi mắt nhìn xa xăm, ông Phúc buồn rầu cho biết: Ngày nay còn rất ít người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày. Phần lớn những người này đều đã cao tuổi, đặc biệt là những người làm nghề thầy cúng. Nếu không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp thì trong vài năm nữa di sản này sẽ bị thất truyền.

Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương. Như trong hát lượn cọi, một người đọc các câu lượn trước để người hát theo đó ngâm sau, người nhắc lời tiếng Tày này gọi là “slấy cá”, ở trong lượn slương cũng có người nhắc lời như vậy. Thông qua những hình thức như thế này mà nhiều truyện thơ, thơ ca dân gian được lưu truyền cho thế hệ sau. Để lưu giữ và bảo tồn chữ Nôm Tày, ông Phúc cũng đã truyền dạy lại cho người con trai của mình là Hoàng Văn Lý, thi thoảng hai cha con ông vẫn đi cúng cho những người dân trong bản.

Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá trong đó có chữ viết của các dân tộc thiểu số (bao gồm cả chữ Nôm Tày và Nôm Dao). Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy chữ Nôm Tày là một việc làm rất khó. Hiện nay, việc truyền dạy chữ Nôm Tày vẫn chủ yếu bằng phương pháp “nhập tâm truyền khẩu”; người dân tộc thiểu số biết được chữ viết của mình qua một số tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc của những nhà văn, nhà thơ ở địa phương, hay qua những câu lượn, lời cúng của thầy Tào. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy chữ Nôm của người Tày là một việc làm rất cần thiết trong những năm tiếp theo, nhất là khi chữ Nôm Tày vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

Thu Trang