Chữ Hán, Nôm - nói sao cho vừa?


 

Mọi sự thái quá trong đề cao hay “nặng lời” khi tranh luận về chữ Hán, Nôm... không chỉ khó mang lại hiệu quả như mong muốn về học thuật, mà còn khiến vấn đề trở nên phức tạp không đáng có.

Rằng cần, thì thật rất cần
Bài viết này không tranh luận chuyện có 70% tiếng Việt gốc Hán hay ngược lại, hoặc học Hán, Nôm có phải là trở lại cái trì trệ, lạc hậu của thời phong kiến, là biểu hiện của tư tưởng nô dịch lệ thuộc, không phù hợp với xu hướng tiến bộ khoa học kỹ thuật... mà một số ý kiến đang bàn thảo. Nhưng từ thực tế có nhiều văn bản cổ, nhiều liễn đối, hoành phi,... tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng khắp mọi miền đất nước có liên quan đến chữ Hán, Nôm... tự thân cho thấy nhu cầu tăng cường và mở rộng vốn hiểu biết về Hán, Nôm, đặc biệt là chữ Hán và chữ Nôm đối với Việt Nam là rất cần thiết như chiếc cầu nối thông suốt để người hiện đại quan tâm gìn giữ, tiếp nối vốn văn hoá truyền thống cổ xưa của dân tộc.
Nhưng, thực tế cũng cho thấy, sau khi bị gián cách gần 1 thế kỷ, số người Việt hiểu chữ Hán, Nôm không còn nhiều nên dẫn đến thực trạng: Nhiều người vào đình, chùa, nhưng không thể đọc và hiểu ý nghĩa của liễn, đối... Thậm chí ngay cả việc bày, thờ có liên quan đến chữ Hán, Nôm tại một số cơ sở tín ngưỡng cũng mắc lỗi vì thiếu hiểu biết. Đặc biệt, cũng do “có hạn” về Hán, Nôm mà giới nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận, khai thác những vấn đề liên quan đến Hán, Nôm và thụt lùi so với đồng nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Phong (giảng viên khoa Sư phạm - Đại học An Giang, đang làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan) chia sẻ: “Giới nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam đang rất yếu thế so với đồng nghiệp khu vực Đông Á. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam phải tiếp cận tư liệu trong quá khứ dân tộc mình bằng bản dịch chữ quốc ngữ, thì các đồng nghiệp ở các nước xung quanh đã đọc và nghiên cứu về Việt Nam ngay trên văn bản gốc chữ Hán của Việt Nam. Điều này đã khiến cho chất lượng nghiên cứu trên một số lĩnh vực ở Việt Nam khó tránh khỏi hạn chế”. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, việc tăng cường kiến thức và chữ Hán, Nôm là rất cần thiết.
Nhưng có cần bằng mọi giá?
Chữ Hán, Nôm trong các văn bản cổ, trên các hoành phi... tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng... là tử ngữ, tức là một loại chữ viết của quá khứ, không còn được sử dụng trong giao tiếp hiện nay. Đây là loại chữ phồn thể có kết cấu phức tạp, được kết nối bằng ngữ pháp cổ theo lối văn ngôn và khác với tiếng Trung giản thể được kết cấu theo ngữ pháp bạch thoại mà người Trung Hoa đang sử dụng. Thậm chí trong lịch sử phát triển của mình, một số chữ Hán có nhiều hình thức viết khác nhau cùng tồn tại. Vì vậy, ngày nay, nhiều người Trung Hoa hiện đại vẫn không đọc được, cũng như tự hiểu các văn bản cổ. Đây chính là cơ sở để chúng ta cân nhắc trước khi đưa quyết định có nên đưa việc dạy chữ Hán, Nôm vào chương trình phổ thông ở Việt Nam, cũng như định lượng thế nào hợp lý và khoa học.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của vốn hiểu biết về Hán, Nôm, đặc biệt là chữ Hán và chữ Nôm đối với Việt Nam, nhưng liệu có quan trọng đến mức cần đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông, đặc biệt là từ cấp tiểu học hay không? Xin bày tỏ ngay là không nên.
Trước hết, phải nói ngay là nếu làm, chúng ta cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện công việc đã giãn cách hơn 70 năm (miền Bắc) và 40 năm (miền Nam).
Đầu tiên, chúng ta chưa có ngay số lượng (chưa bàn đến chất lượng) giáo viên giảng dạy Hán, Nôm bậc phổ thông. Nếu đào tạo, cần thời gian, tiền và công sức. Nhưng ngay cả khi có đủ thầy, thì liệu trò có đủ sức học với loại hình chữ viết có rất nhiều chữ và mỗi chữ lại có nhiều nét như Hán, Nôm, trong khi chương trình phổ thông hiện được cho là đã quá tải? Nên nhớ rằng, cũng như các ngoại ngữ khác, Hán, Nôm cũng chỉ là phương tiện nền tảng, chứ không phải “chìa khóa vạn năng”, học vào là thông suốt... tất. Và khác với thời xưa, người học chỉ học mỗi chữ Hán, lại có thầy uyên thâm hướng dẫn, ngày nay, học sinh phải học rất nhiều... Đó là chưa đề cập đến khó khăn trong việc xác định chương trình: Dạy Hán, Nôm với tư cách một văn tự trong một hệ thống ngôn ngữ, hay là văn tự chuyển tải một hệ thống tri thức của lĩnh vực nào đó...
Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm dạy Hán, Nôm, tốt nhất là nên thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, tập trung tuyển chọn rồi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà nghiên cứu chuyên trách các lĩnh vực chuyên môn, có tâm huyết, có năng khiếu... Từng bước hình thành đội ngũ chuyên nghiệp để khai thác và chuyển tải vốn giá trị văn hoá tinh thần Hán, Nôm của dân tộc sang chữ quốc ngữ cho mọi người có điều kiện tiếp nhận. “Từ nguồn nhân lực này, có thể thành lập các trung tâm nghiên cứu và truyền bá văn hóa địa phương, trong đó, có Tổ Hán, Nôm nghiên cứu chuyên sâu và góp phần truyền bá văn hóa địa phương. Từ đây, phát hiện và bổ sung đội ngũ kế cận” - ông Phong đề xuất thêm.