Giới thuyết về chữ Hán Nôm trong tác phẩm văn Nôm


 

GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tiểu dẫn

            Trong giới nghiên cứu Hán Nôm, khi đề cập tới chữ viết trong các văn bản tác phẩm Nôm vẫn thường nói đến "chữ Nôm vay mượn Hán", "chữ Nôm tự tạo", "chữ Nôm thuần Việt", "chữ thuần Nôm" v.v. Song nội dung của các thuật ngữ ấy hầu như chưa được xác định một cách minh bạch, và cách hiểu cũng vì vậy mà chưa thực sự thống nhất. Bên cạnh đó, cũng có thể còn có những cách phân tích lớp lang khác nhau đối với các chữ vuông có mặt trong văn bản các tác phẩm Nôm. Và cho đến nay, dường như vẫn chưa ai cung cấp một quang cảnh chung về phân lượng của các lớp chữ như thế trong văn bản tác phẩm Nôm.

            Tình trạng vừa nêu một cách sơ lược như trên đây đòi hỏi phi có một sự minh định, giới thuyết rõ hơn về các lớp chữ Hán chữ Nôm trong  văn bản các tác phẩm Nôm. Bài này cố gắng tiếp cận vấn đề đặt ra dựa trên cơ sở những cứ liệu cụ thể có được qua phân tích và thống kê các chữ Hán và chữ Nôm trong một số văn bản tác phẩm Nôm Việt.

 

1. Chữ Nôm tự tạo và chữ Hán mượn dùng

 

            1.1. Trước hết, tên gọi "tác phẩm Nôm" hay "tác phẩm chữ Nôm", "tác phẩm văn Nôm" được dùng khá phổ biến mà nội hàm của  nó đã được mặc định theo hai sự phân biệt như sau:

 

            Một là, tên gọi này dùng để trỏ những tác phẩm ngôn từ tiếng Việt được thể hiện bằng lối chữ ô vuông truyền thống, phân biệt trước hết với các tác phẩm  khác của người Việt, nhưng viết bằng Hán văn, thường là văn ngôn tiếng Hán, cả hai loại tác phẩm này làm thành một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa thành văn nước ta - di sản Hán Nôm. Khi một tác phẩm Hán văn được dịch sang chữ Nôm, thì theo cách gọi truyền thống, ta có các bản "giải âm" hoặc "diễn âm" tác phẩm Hán văn ấy (Vd: bản "giải âm" sang văn Nôm tác phẩm Hán văn Truyên kỳ mạn lục  của Nguyễn Dữ, tương truyền do Nguyễn Thế Nghi thực hiện).

 

            Hai là, tên gọi này còn có thể dùng để phân biệt với các tác phẩm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ, ra đời muộn hơn các tác phẩm bằng chữ Nôm, nhưng song hành với các tác phẩm Nôm từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX. Khi một tác phẩm chữ Nôm được phiên âm sang chữ Quốc ngữ, thì ta có "văn bản chữ Quốc ngữ"  bên cạnh "văn bản chữ Nôm" của cùng một tác phẩm ấy (Vd: các văn bản chữ Nôm và các văn bản chữ quốc ngữ của Truyện Kiều, tác phẩm thơ Nôm của Nguyễn Du).

 

            1.2. Khi ta gọi một tác phẩm tiếng Việt được viết bằng thứ chữ vuông biểu âm biểu ý theo kiểu Hán tự là "tác phẩm Nôm" hoặc "tác phẩm chữ Nôm", thì mặc nhiên ta thừa nhận rằng toàn bộ những chữ vuông ấy là chữ Nôm, văn tự cổ truyền của người Việt, trong sự phân biệt với chữ Hán (của tiếng Hán) và chữ Quốc ngữ (của tiếng Việt). Tuy nhiên, khác với văn bản chữ Quốc ngữ, trong đó không hề có mặt những chữ Hán được mượn dùng như trong văn bản chữ Nôm, như trên kia đã nói đến. Bởi vậy, có sự cần thiết phải xem xét kỹ các lớp chữ vuông khác nhau trong một văn bản tác phẩm Nôm.

Một người thông thạo Hán ngữ và chữ Hán mà không biết Việt ngữ và không đọc được tác phẩm văn Nôm (chẳng hạn là một học giả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là học giả phương Tây) khi nhìn kỹ vào một văn bản tác phẩm Nôm, hoàn toàn có thể nhận ra những chữ nào là chữ Hán quen thuộc với họ, và những chữ nào là chữ "lạ mắt", mà họ chưa từng được biết. Trong trường hợp này, người ta có thể tạm hiểu rằng những chữ "lạ mắt" ấy chính là "chữ Nôm tự tạo", phân biệt với những chữ còn lại là "chữ Nôm mượn Hán".

 

Thí dụ, hai dòng đầu tiên của Truyện Kiều trong văn bản Nôm hoàn chỉnh, khắc in sớm nhất hiện có (Liễu Văn Đường, 1866) nguyên văn là: