HIỆN TƯỢNG NÔM HOÁ CÁC HÌNH THỂ CHỮ HÁN ĐƯỢC MƯỢN VÀO VĂN BẢN TÁC PHẨM NÔM


 

GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng

 

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Tiểu dẫn

            Trong các văn bản (kể cả dạng viết, dạng khắc và dạng in ván) tác phẩm Nôm, chúng ta có thể bắt gặp không ít những chữ mà hình thể của chúng có phần đặc biệt: Đó là những chữ vốn xuất phát từ mượn chữ Hán, nhưng không phải là mượn nguyên dạng chữ Hán, mà có sự gia giảm cải biến ít nhiều. Có thể gọi đó là những chữ Hán được Nôm hóa theo cách gia giảm, cải biến nét bút hoặc thành tố của một chữ Hán có liên quan với nó về âm và/hoặc về nghĩa. Trong những chữ kiêng húy cũng có thể thấy hiện tượng như vậy, song đó là lĩnh vực chuyên biệt, ở đây xin không bàn đến. Chúng ta quan tâm đến những hiện tượng có tác dụng tạo chữ Nôm trong văn bản Nôm, cho nên những chữ Hán được người Việt viết tắt theo kiểu của mình mà không nhằm tạo ra chữ Nôm (như chữ “đức”  德 viết thành...) cũng sẽ nằm ngoài phạm vi của bài này.

            Dưới đây, chúng ta sẽ căn cứ vào những tiêu chí sau đây để xem xét và phân tích các trường hợp Nôm hóa chữ Hán cụ thể:

(a)        Chỉ liên can đến một vài nét bút hay cả một thành tố của chữ Hán.

(b)        Chỉ liên quan đến chữ Hán về âm hoặc nghĩa hay cả âm lẫn nghĩa.

(c)        Chỉ đơn thuần gia giảm hay có cả sự cải biến hình thể chữ Hán.

 

1.  Gia giảm, cải biến nét bút

 

1.1.Thêm nét bút.  Hiện tượng thêm nét bút vào một chữ Hán để đọc theo âm Nôm thường thấy là dùng dấu “nháy” (‹ hoặc”)đặt vào bên phải chữ Hán. Hiện tượng này hầu như không xuất hiện trong các văn bản Nôm thời kỳ đầu (Lý - Trần), mà chủ yếu được dùng trong khi viết và sao chép các văn bản viết tay ở thời kỳ sau (Lê - Nguyễn). Vai trò của dấu “nháy” là chỉ báo cho độc giả phải đọc chữ đó theo âm Nôm chứ không theo âm Hán Việt của chữ Hán. Tuy nhiên, vai trò này của dấu “nháy” chưa bao giờ được phát huy triệt để, ngay cả ở các văn bản viết tay. Chẳng hạn, trong văn bản viết tay Thiên Nam ngữ lục dấu “nháy” đôi khi được dùng để ghi các từ láy âm (như thoảng thoảng được viết là “thảng”  倘 + dấu “nháy” và lặp lại: 倘‹  倘‹, te te được viết là “ti”  卑 + dấu “nháy” và lặp lại: 卑‹ 卑‹, hoặc như thiu thỉu đuợc viết là ,燒‹  少‹ ) các tiếng Nôm thuần Việt (như nhọc viết là “nhục” 辱 + dấu “nháy”:  辱‹) và cả tiếng Nôm gốc Hán (như nghì viết là “nghĩa”  義+ dấu “nháy”:  義‹), như có thể thấy trong các câu: Vỗ cánh liền gáy te te. Chúng tiên ngỡ sáng ruổi về thượng thiên [tr. 11a]. Hào quang sáng khắp tứ vi. Mùi hương thoảng thoảng mây che trùng trùng [tr.11b]. Hồ nghe thiu thỉu phục tình. Cải dữ về lành mộ đạo từ bi [tr.117b]. Thế nhưng ngay trong các câu vừa dẫn thì các tiếng Nôm khác như liền, ngỡ, về, khắp,  đã được viết với một chữ Hán (có hoặc không liên quan với nghĩa Nôm) mà không dùng tới dấu “nháy”: “liên”  連 đọc liền, “ngữ”  語đọc ngỡ, “vệ” 衛 (thành tố “vi”  韋ở  giữa được thay bằng “mễ”  米) đọc về, “khấp”  泣 đọc khắp. “linh”  苓đọc lành. Trong các văn bản Nôm thuộc loại hình văn khắc hoặc khắc in (mộc bản), thì dấu “nháy” càng ít được dùng đến. Thậm chí có những nhà tàng bản như Kế Thiện Đường, Liễu Văn Đường thì mộc bản của họ hầu như không chấp nhận dấu “nháy”. Điều này có thể nhận thấy qua các văn bản Thi kinh giải âm (Vĩnh Thịnh 10, 1714) và Truyền kỳ mạn lục giải âm (Cảnh Hưng 35, 1774), cũng như các văn bản Truyện Kiều thuộc hệ Liễu Văn Đường (như các bản 1866, 1871, v.v.).

 

            Như vậy, việc thêm dấu “nháy” vào một chữ Hán được mượn để ghi âm Nôm cho những ngữ tố Nôm (thuần Việt và cả gốc Hán) là một biện pháp mượn chữ hơn là tạo chữ. Trong chữ Nôm Tày [11] và chữ vuông Choang [12] cũng có dùng dấu “nháy” như vậy. Cách này tuy có lâm thời tạo nên một hình thể chữ vuông không trùng với một chữ Hán nguyên dạng nào đó, song không tạo nên những chữ vuông cố định cho một ngữ tố Nôm nào, mà chỉ tùy nghi sử dụng để chỉ báo cách đọc “chệch” âm Hán Việt khi cần thiết mà thôi. Như chúng tôi đã có lần đề cập đến trong một bài viết khác, rằng dấu “nháy” không chỉ dùng để chuyển mượn chữ Hán sang chữ Nôm, mà đôi khi cũng dùng để chuyển dụng một chữ Nôm đã có cho một tiếng Nôm khác gần âm [5]. Và đây cũng là cách dùng chữ Nôm, hơn là tạo chữ Nôm mới.

 

......