Mặc dù có vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước nhưng loại hình chữ viết này lại đang dần trở nên xa lạ với người Việt, đặc biệt là giới trẻ.
Chữ Hán và chữ Nôm đã ghi lại một thời kỳ dài trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có vị trí quan trọng như vậy nhưng loại hình chữ viết này lại đang dần trở nên xa lạ với người Việt, đặc biệt là những người trẻ. Nguy cơ mai một di sản Hán - Nôm của cha ông để lại là không thể tránh khỏi.
Hàng ngàn năm qua, chữ Hán và chữ Nôm đã được sử dụng để ghi lại văn hóa, lịch sử, khoa học cũng như tín ngưỡng của dân tộc ta. Tuy nhiên, phần lớn những tư liệu Hán - Nôm trong dân gian đang bị lãng quên chưa được tiến hành dịch thuật, nghiên cứu và số hóa.
Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Lê Văn Cường cho biết: “Chỉ bằng cách số hóa thì người ta mới biết trong chùa, trong các di tích lịch sử vẫn gìn giữ, vẫn chứa đựng những di sản văn hóa Hán - Nôm lớn lao như thế và có giá trị như thế”.
Chùa Thắng Nghiêm thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội 15km, là ngôi chùa đầu tiên được chọn trong dự án số hóa di sản Hán - Nôm tại dân gian của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm.
Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Lê Văn Cường chia sẻ: “Chúng tôi chọn chùa Thắng Nghiêm là nơi có bộ sưu tập Di văn Hán Nôm bởi trong đó có hoành phi, câu đối, chuông, văn bia. Ngoài ra, chùa Thắng Nghiêm cũng có một bộ sưu tập về thư tịch Hán - Nôm, khoảng 300 cuốn”.
Để bảo tồn di sản Hán - Nôm, ngoài việc nghiên cứu, số hóa thì việc đầu tư vào dạy và học Hán - Nôm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Trần Quang Đức cho biết: “Khi học Hán - Nôm, từ xưa đến nay, lối học truyền thống của các cụ vẫn là phấn và bảng, rất khó cho việc phổ thông đại chúng. Vì vậy tôi mới nghĩ ra rất nhiều phương tiện từ hình ảnh đến nghe nhạc để có nhiều cách tiếp cận với môn này, biến nó từ một thứ khô khan trở nên sống động và đương đại”.
Bất cứ ai muốn nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt sẽ đều phải học chữ Hán và chữ Nôm. Chính vì vậy, bảo tồn di sản Hán - Nôm không chỉ bằng cách nghiên cứu mà còn khơi dậy tình yêu của lớp trẻ với loại hình chữ viết cổ này.