Cuộc tương phùng kỳ lạ: ‘Tiến sĩ’ xưa và nay khác nhau thế nào?


 

Cù Trọng Danh là con trai duy nhất của ông Cù Trọng Lợi, dáng người củ mỉ cù mì, nhưng mới 30 tuổi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Khoa học máy tính.

Vợ chồng ông Lợi vô cùng phấn khởi, cho con trai về từ đường dòng họ để bái lạy gia tiên, còn tổ chức một buổi liên hoan họp mặt gia đình. Trong buổi liên hoan, ông Lợi đứng lên, run run xúc động nói:

“Cụ tổ 22 đời của cháu Trọng Danh xưa kia đỗ tiến sĩ, vinh quy bái tổ. Dòng họ Cù chúng ta hôm nay lại mở mày mở mặt”.

Gia tộc họ Cù từ già đến trẻ đều gật đầu tấm tắc, khen cậu Danh tuổi trẻ tài cao. Vợ ông Lợi tiếp lời:

“May mà hồi xưa vợ chồng chúng tôi quyết tâm cho cháu Danh học khối A, nên mới có ngày hôm nay. Chứ nếu học Văn Sử Địa thì biết bao giờ mới ngẩng đầu lên được”.

Mọi người gật đầu cho là phải. Ông Cù Trọng Lợi mải mê chúc rượu vòng quanh, chuyện trò mãi không dứt. Cù Trọng Danh tự cảm thấy khoan khoái vô cùng, gia phả dòng họ Cù phen này nhất định phải có mấy dòng viết riêng về cậu. Tuy nhiên, hồi lâu sau tiếng cười nói chúc tụng ồn ào khiến cậu cảm thấy đau đầu. Trọng Danh nhân lúc bố và mọi người không để ý, lặng lẽ bước ra khỏi phòng tiệc.

Chiều hè ở làng quê thật yên ả, thanh bình. Vẫn cái nắng chang chang như ở thị thành, nhưng không gian thoáng đãng, thi thoảng có làn gió mát mang hơi nước từ dòng sông thổi qua như cuốn đi mọi ưu phiền mệt nhọc. Chú chim sâu lích rích chuyền cành, vô tình làm cánh hoa khế tim tím khe khẽ theo gió xoay vòng chạm đất. Đâu đây, hương hoa đại thơm ngọt, hương hoa nhài thoang thoảng… Ngước nhìn lên bầu trời xanh vời vợi, Trọng Danh thấy những cánh diều no gió bay cao, cao như cả ước vọng công toại danh thành mà bao đời những người dân quê lam lũ nơi đây hằng ấp ủ… Đôi bàn chân đã đưa Trọng Danh đến trước cửa từ đường tự lúc nào.

Đôi bàn chân đã đưa Trọng Danh đến trước của từ đường tự lúc nào.

Bệ thờ thâm nghiêm, nhang trầm phảng phất. Trọng Danh chợt cảm thấy buồn ngủ quá. Cậu tựa vào cây cột sơn son trong từ đường, rồi thiếp đi lúc nào không hay.

***

“Huynh đệ, tỉnh lại đi!”.

Trọng Danh bất giác mở mắt. Trước mặt cậu là một chàng thanh niên trạc tuổi cậu, khôi ngô tuấn tú, mỗi tội đầu tóc trang phục thật buồn cười. Anh ta mặc một chiếc áo thụng xanh, chân mang hia, đầu đội mũ cánh chuồn nạm bạc, trông cứ như diễn viên tuồng chèo. Trọng Danh miệng há to, kinh ngạc hỏi:

“Anh là ai? Sao lại vào từ đường nhà tôi?”.

Chàng thanh niên kia cũng ngạc nhiên không kém, đôi mày khẽ nhướn lên, nhưng tư thái vẫn điềm tĩnh, ôn tồn hỏi lại:

“Chào hảo huynh đệ. Tôi là Cù Trọng Nghĩa. Đây là từ đường nhà họ Cù chúng tôi. Huynh đệ vừa nói đây là từ đường nhà huynh đệ, có thể giải thích cho tôi được không?”.

Trọng Danh nghe giọng nói chậm rãi, ấm áp chân thành của chàng thanh niên, đối chiếu với trang phục và cách xưng hô kỳ lạ, thì ngờ ngợ, đáp:

“Tôi tên Cù Trọng Danh. Tôi vừa đỗ tiến sĩ, bố mẹ tôi đưa tôi về quê bái lạy gia tiên trong từ đường này. Vừa đến đây thì tôi buồn ngủ quá bèn thiếp đi. Tỉnh dậy thì gặp anh”.

Chàng thanh niên không giấu nổi vẻ vui mừng:

“Thật là duyên kỳ ngộ! Tên huynh đệ là Cù Trọng Danh, vậy cũng là người của họ Cù ta rồi. Tôi cũng vừa đỗ tiến sĩ, nhà vua ban áo mũ cho về làng vinh quy bái tổ. Mai tôi phải lên kinh đô nhậm chức, nên chiều nay về lại từ đường, bái biệt tổ tiên đây!”.

Trọng Danh nghe đến đây thì “Ớ” lên một tiếng. Lời cha khi nãy: “Cụ tổ 22 đời của cháu Trọng Danh xưa kia đỗ tiến sĩ, vinh quy bái tổ…” hiện rõ mồn một trong trí nhớ cậu. Có lẽ nào… Trọng Danh chạy ào ra cửa từ đường, tìm kiếm khắp xung quanh. Lạ chưa, cảnh vật xung quanh hoàn toàn khác trước. Không thấy bóng xe ô tô, xe máy của người trong họ đến chúc mừng đâu nữa cả. Chỗ khu vườn ban nãy, bây giờ là một cái ao.

Cảnh vật xung quanh hoàn toàn khác làm Trọng Danh bàng hoàng.

Trọng Danh nửa cười nửa mếu, nhìn chàng thanh niên rồi nói:

“Anh Trọng Nghĩa này, bây giờ tôi mới biết cỗ máy thời gian trong truyện Đô-rê-mon là có thật…!”.

Trọng Nghĩa không hiểu vị tiến sĩ cùng họ từ trên trời rơi xuống này đang nói gì, nhưng cũng không bận tâm lắm vì còn mải mê trong niềm vui tương ngộ. Trọng Nghĩa ân cần:

“Trọng Danh huynh đệ, huynh đệ đây vừa đỗ tiến sĩ, hẳn là ‘Độc thư phá vạn quyển, Hạ bút như hữu thần’, vậy có thể tức cảnh sinh tình, làm một bài Đường phú để kỷ niệm mối nhân duyên kỳ lạ này chăng?”.

Trọng Danh nghe ù ù cạc cạc, hỏi:

“Xin lỗi, anh vừa nói cái gì mà độc thư phá… hoại cơ, tôi chẳng hiểu gì hết. Đường phú là cái gì, tôi đâu có biết!”.

Trọng Nghĩa ngạc nhiên đáp:

“‘Độc thư phá vạn quyển, Hạ bút như hữu thần’ là hai câu thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ, nghĩa là ‘Sách đọc rách vạn cuốn, Bút viết như có thần’. Còn Đường phú là một thể văn chương được đặt ra từ thời nhà Đường, có vần có đối. Huynh đệ đã đỗ tiến sĩ, thì những thứ này phải làu thông chứ?”

Trọng Danh phân trần:

“Anh Trọng Nghĩa à, tiến sĩ của tôi đâu có phải làm thơ chứ. Sau khi học xong cấp 3, à, ý tôi là tú tài ấy, thì đi học đại học 4 – 5 năm. Sau đó, học thạc sĩ 2 năm, và cuối cùng là làm nghiên cứu sinh trong khoảng 3 – 5 năm, chừng nào bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng thì chính thức là tiến sĩ. Tiến sĩ cũng có nhiều ngành lắm, từ tài chính – ngân hàng cho đến sinh học, hoá học, địa chất; từ mỹ thuật cho đến khoa học máy tính của tôi đây. Ví như tôi, hỏi về những thứ liên quan đến máy tính thì tôi rành, mà cũng lại chỉ là một phần nhỏ xíu của khoa học máy tính thôi ấy, chứ còn hỏi về văn thơ với lịch sử thì tôi chịu!”.

Lần này thì đến lượt chàng Trọng Nghĩa mũ cánh chuồn trở nên ù ù cạc cạc. Trọng Nghĩa cảm thán:

“Phép lấy đỗ tiến sĩ của huynh đệ thật kỳ lạ. ‘Tiến sĩ’ chỗ tôi đây vốn có nghĩa là được tiến cử làm quan (), xưa kia quan lại là do các đại phu trong triều tiến cử, sau này đặt chế độ thi cử song song để tìm người hiền.

Tôi từ nhỏ được phụ mẫu cho đi học với thầy đồ trong làng, ban đầu học “Nhất thiên tự”, “Ấu học ngũ ngôn thi”, “Tam tự kinh”… để nhận mặt chữ và biết đạo lý làm người. Sau đó, học hết Tứ Thư và Ngũ Kinh [1] để thấm nhuần đạo tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Ngoài ra, còn đọc thêm sách của Bách gia chư tử, Phật và Đạo. Học đến độ làu thông, xuất khẩu thành chương thì đi thi được.

Đức vua Lê Thái Tông định 3 năm một khoa thi, phép thi bốn trường khác nhau. Bước thi nhất thi một bài ám tả [2] để loại bớt người kém. Trường nhất thi Tứ Thư và kinh nghĩa [3]. Trường nhì thi chiếu chế biểu, dùng tứ lục cổ thể [4]. Trường ba thi thơ, dùng Đường luật, phú, dùng cổ thể, về thể ly tao hoặc văn tuyển đều trên 300 chữ. Trường tư thi văn sách, đề ra về kinh sử, thời vụ, 1000 chữ trở lên.

Ở hội thi các cử nhân, đức vua Lê Thánh Tông ngự ra cửa điện Kính Thiên, ra văn sách hỏi về phép trị thiên hạ của đế vương, lấy đỗ tiến sĩ và đồng tiến sĩ theo thứ bậc khác nhau. Sau đó xướng danh các tiến sĩ, ban ân mệnh. Lễ bộ mang bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa và cho các tiến sĩ vinh quy”.

Anh tiến sĩ Trọng Nghĩa kể về quá trình học tập cho Trọng Danh nghe.

Chàng “tiến sĩ” thời hiện đại nãy giờ nghe kể mà mắt chữ A, miệng chữ O, ai ngờ tiến sĩ ngày xưa lại lắm công phu đến thế. Cứ cái đà này thì đúng là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” thật, đâu như mình chỉ học giỏi các môn tự nhiên, còn Văn Sử Địa thì mù tịt. Lại càng chẳng biết “phép trị thiên hạ” là gì. Trọng Danh thoáng chút thẹn thùng, khẽ hỏi:

“Thế mỗi khoa thi như thế có bao nhiêu tiến sĩ?”.

Trọng Nghĩa hồn nhiên đáp:

“Khoảng vài chục người thôi” [5].

Trọng Danh thốt lên:

“Sao mà ít vậy? Thời của tôi, mỗi năm tiến sĩ mới có hàng nghìn! À, ý tôi là ‘tiến sĩ’ giống như tôi ấy!” [6]

“Thật vậy ư?” – Trọng Nghĩa kinh ngạc.

“Thật. Mà lắm tiến sĩ quá, tiến sĩ dỏm cũng nhiều. Cá biệt, nghe nói có người còn bỏ tiền ra mua bằng tiến sĩ, chứ chữ nghĩa thật sự là chẳng bao nhiêu. Thành ra, cái danh tiến sĩ của Trọng Danh tôi trở nên bớt danh giá đi đấy” – Trọng Danh thở dài.

“Lại có chuyện ấy nữa ư? Than ôi! Chỗ tôi đây, chưa nói đến đỗ đạt, mà để được đi thi cũng phải có tiêu chuẩn nghiêm khắc lắm. Cho quan địa phương bảo kết, người nào thực có đức hạnh mới được khai vào sổ ứng thí. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương, cũng không được vào thi”.

Trọng Danh nghe nói vậy thì đăm chiêu lắm. Cậu nhớ lại cách đây vài hôm, cậu lớn tiếng quát lại mẹ mình khi bà giục cậu thành gia lập thất, đây chẳng phải là bất hiếu sao. Hơn một lần, cậu lo lót phong bì cho giáo sư hướng dẫn để được duyệt đề cương, được bố trí lịch bảo vệ sớm, đây chẳng phải là gian dối, điêu toa sao. Thế mà cậu còn tự cảm thấy mình trong sạch hơn khối người ngoài xã hội, còn dương dương tự đắc về cái danh ‘ông tiến sĩ’ của mình. Trọng Danh ơi là Trọng Danh!

Nghe kể về các tiến sỹ thời xưa Trọng Danh thấy thật hổ thẹn.

Trọng Danh thấy mắt mình cay cay. Cậu cụp mắt xuống, tránh ánh nhìn của vị tiến sĩ đường đường chính chính trước mặt mình. Cố gắng lắm cậu mới thốt ra được vài lời:

“Cảm ơn anh đã cho tôi biết tiến sĩ đích thực là như thế nào, Trọng Nghĩa ạ. Tôi xin lỗi vì đã nói nhầm: tôi không phải là tiến sĩ theo đúng nghĩa của nó đâu. Tôi chỉ là một kẻ có hiểu biết chuyên sâu về một lĩnh vực, được đào tạo qua nghiên cứu để đi giảng dạy và làm nghiên cứu – tiếng Tây gọi là “đốc-tơ”, chứ không phải một vị trí thức thông kim bác cổ, học rộng hiểu nhiều, kinh bang tế thế. Ngoài ra, đức hạnh tôi kém cỏi, thật không xứng đứng cùng hàng với anh….! Tôi đã phụ lòng tiên tổ rồi, tôi không làm rạng danh cho dòng tộc được như anh rồi…!”

Trọng Nghĩa thấy Trọng Danh nghẹn ngào như vậy thì liền an ủi:

“Hảo huynh đệ à! Đức Khổng Tử nói: ‘Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình’. Tôi dùi mài kinh sử vốn không phải để nổi danh cho mình hay gia tộc, mà chỉ để trở thành bậc chính nhân quân tử, dưới thì hiếu kính phụ mẫu, trên thì báo đền nợ nước ơn vua. Huynh đệ không cần phải đỗ tiến sĩ cũng có thể tự mình tu dưỡng đức hạnh, trở thành bậc chính nhân quân tử như thế. Dòng họ chúng ta nhất định vì đức sáng của huynh đệ mà nức tiếng thơm…”

Trọng Danh nghe như trong lòng mình có gì vỡ tan ra. Mắt cậu nhoà lệ. Một luồng ánh sáng rực rỡ tinh khôi chiếu vào tâm hồn cậu, cậu chợt hiểu ra từ nay trở đi mình phải làm người như thế nào. Mùi nhang trầm vẫn thơm thoang thoảng, những làn khói trắng như quyện vào đôi mắt chàng trai trẻ…

***

“Trọng Danh, sao lại ngủ ở từ đường hả con?!”

Trọng Danh mở mắt, trước mắt cậu là cha mẹ, hẳn họ đã lo lắng vì không biết cậu đã đi đâu. Cậu mỉm cười. Cuộc sống như là một giấc mơ, trong đó có những giấc mơ vô cùng chân thật.

Thanh Ngọc

Chú thích:

[1] “Tứ Thư” là: Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung dung, “Ngũ Kinh” gồm có: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

[2] “Ám tả” ngày nay gọi là “chính tả”.

[3] “Kinh nghĩa”: Một thể văn khoa cử xưa, trong đó thí sinh phải giải nghĩa một đầu đề lấy trong sách cũ.

[4] “Tứ lục”: Một thể văn Trung Hoa thời xưa, có đối không vần.

“Cổ thể”, hay cổ phong, cổ thi, cổ thể thi (chữ Hán: 古体诗) là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà không theo luật, gồm ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn cổ thi, tam ngôn thi, tứ ngôn thi, lục ngôn thi…, không theo niêm luật, không hạn chế số câu, chữ như thơ Đường luật.

[5] Lê Quý Đôn nói: “Tính từ năm 1442 đến năm 1526 gồm 26 khoa, lấy 989 người đỗ tiến sĩ, mà có 63 người dự vào tam khôi, thế là thịnh đạt lắm” (Theo “Kiến văn tiểu lục”). Đó là thời nhà Lê.

Sang thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, nền giáo dục khoa cử rất chặt chẽ và quy mô. Triều đình quy định 3 năm mở một khoa thi, năm trước thi Hương ở các địa phương để chọn cử nhân, tú tài; năm sau thi Hội ở kinh đô Huế để chọn tiến sĩ, phó bảng.

Thi Hương, thí sinh hàng nghìn, nhưng đỗ cử nhân chỉ hàng chục. Ví dụ: Khoa thi Hương tổ chức tại trường Nghệ (chung cho Nghệ An, Hà Tĩnh) năm Tân Mão (1891), có 1.600 thí sinh dự thi, nhưng triều đình chỉ quy định lấy đỗ 20 cử nhân và 60 tú tài (nhất cử tam tú – một cử nhân thì ba tú tài). Trung bình ở các khoa thi, từ 80 đến 100 thí sinh dự thi thì có một người đỗ cử nhân. Vì vậy, ngày trước, muốn đỗ cử nhân phải học thật sự giỏi. Năng lực, tư chất bẩm sinh cử nhân thời trước tương đương học sinh giỏi nhất, nhì hàng tỉnh hiện nay.

Thi Hội, có hàng trăm cử nhân dự thi, nhưng số người đỗ tiến sĩ chỉ hàng chục (tính luôn cả phó bảng là những tiến sĩ lấy thêm). Ví dụ: Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1871) là khoa Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hội và thi Đình, có gần 200 cử nhân dự thi, nhưng chỉ đỗ 3 tiến sĩ và 5 phó bảng. Đỗ thi Hội, sau đó vào thi Đình để sắp xếp thứ bậc tiến sĩ, do nhà vua trực tiếp ra đề.  Những người thi đỗ tiến sĩ, phó bảng phải có học lực xuất sắc. Năng lực, tư chất bẩm sinh của tiến sĩ, phó bảng thời trước tương đương học sinh giỏi nhất, nhì quốc gia hiện nay.