Khái lược Về Văn học Chữ Nôm Ở Việt Nam


 

Ngay từ đầu Công nguyên cho đến suốt 1000 năm Bắc thuộc sau đó, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã sống trong quá trình cộng cư với nhau và cả với người Hán từ phương Bắc đến. Trải qua quá trình cộng cư này cùng với sự tiếp xúc với chữ Hán và văn hóa Hán, các dân tộc Việt Nam đã dần dần chủ động sử dụng chữ Hán trước hết là trong hành chính và trong giáo dục, rồi cả trong sáng tác văn học, hình thành một nền văn học chữ Hán của chính dân tộc mình. Và từ khi thoát li khỏi sự đô hộ trực tiếp của phong kiến phương Bắc, thì bên cạnh chữ Hán vẫn tiếp tục được coi trọng, người dân bản địa Việt Nam còn sáng tạo ra chữ viết cho bản ngữ của mình. Đó là các hệ thống chữ viết ô vuông theo hình mẫu chữ Hán, được gọi là chữ Nôm: Người Kinh (tộc người Việt) có chữ Nôm Việt, người Tày có chữ Nôm Tày, v.v.

Với chữ Nôm Việt, ở Việt Nam đã hình thành nên một nền văn chương chữ Nôm (bên cạnh văn chương chữ Hán). Và chính trong lĩnh vực sáng tạo văn học, chữ Nôm gắn liền với ngôn ngữ dân tộc đã tạo nên những tác phẩm có giá trị, chiếm những vị trí cao nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Xin trình bày đôi nét khái quát về những chặng đường hình thành các thể thức và thể loại cùng với những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của nền văn học chữ Nôm tiếng Việt.

1. THỜI KỲ SƠ KHAI

Theo quốc sử Việt Nam thì từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần, ở Đại Việt đã có nhiều người làm thơ phú bằng chữ Nôm, đặc biệt có Nguyễn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố, song tác phẩm của họ đều đã thất truyền từ lâu.

Nguyễn Thuyên  阮 詮 không rõ năm sinh năm mất. Đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1247, thời Trần Nhân Tông  陳仁宗 (1279-1293). Thượng thư bộ Hình. Năm 1282, có cá sấu vào sông Phú Lương. Vâng mệnh triều đình, ông lập đàn tế và làm bài văn tế bằng chữ Nôm ném xuống sông, cá sấu liền bỏ đi. “Vua cho rằng việc làm này giống như Hàn Dũ  翰愈, nên cho Nguyễn Thuyên đổi thành họ Hàn” (Đại Việt sử kí toàn thư). Theo sử sách và gia phả họ Nguyễn ở Cao Bằng, thì Nguyễn Thuyên là người đầu tiên dùng chữ Nôm để chép gia phả họ Nguyễn, viết quốc sử và làm thơ phú quốc âm. Tác phẩm Phi sa tập ( 披沙集 ) của ông gồm nhiều bài thơ phú chữ Hán và cả chữ Nôm. Nhưng tất cả đều thất truyền. Tương truyền thơ chữ Nôm của Hàn Thuyên mở đầu cho việc kết hợp thơ ca dân gian người Việt với thể thức thơ Đường (có biến đổi về số chữ và niêm luật) để có một thể thơ mà người đời sau gọi là  thể thơ “Hàn luật”.

Gần như cùng thời với Nguyễn Thuyên, có Nguyễn sĩ Cố  阮 士 故  (? – 1312). Ông lãnh chức Nội thị Học sĩ, tức thầy dạy hoàng tử mà sau này là vua Trần Nhân Tông. Ông nổi tiếng đương thời về tài làm thơ Nôm,  nhưng tác phẩm cũng đều thất truyền. Tương truyền thơ ông có ý vị trào lộng, gần giống với Đông Phương Sóc 東 方 朔  đời Hán.

Trần Khâm  陳欽 (1258 – 1308) tức Trần Nhân Tông, vua thứ ba nhà Trần. Cùng vua cha thực hiện đại đoàn kết hoàng tộc và dân chúng, đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông (1285, 1287-88). Từ sau 1299 ông rời Kinh đô, làng mạc, lên ở hẳn núi Yên Tử, dựng chùa tu Phật, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mà ông là tổ thứ nhất. Trần Nhân Tông viết nhiều tác phẩm thiền học và thơ Thiền bằng Hán văn. Tác phẩm viết bằng chữ Nôm còn lại đến nay có một bài phú và một bài ca. Đó là bài Cư trần lạc đạo phú ( 居 陳 樂 道 賦 ) và bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca  ( 得 趣 林 泉 成 道 歌 ). Cả hai bài này đều do người đời sau cho vào tập Thiền tông bản hạnh ( 禪 宗 本 行 ), khắc ván in lần đầu vào năm Cảnh Hưng 6 (1745). Đó là những bài ca ngợi cảnh thiền và lòng thiền, trong đó con người an nhiên tự tại, sống giữa đời trần mà cũng hòa vui trong đạo.

Lý Đạo Tái  李道載 (1254 – 1334) tức là sư Huyền Quang, tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, cùng thời với Trần Nhân Tông. Ông cũng là người viết nhiều tác phẩm về thiền học, và cả thơ chữ Hán. Trong tập Thiền tông bản hạnh nói trên có bài Vịnh Hoa Yên tự phú ( 詠 華 煙 寺 賦 ) viết bằng chữ Nôm, là do ông sáng tác.

Mạc Đĩnh Chi  莫 挺 芝 (1272 – 1346). Ông quê ở Hải Dương, năm 1304 đỗ Trạng nguyên, làm quan dưới triều Trần Anh Tông và Trần Hiển Tông. Sau khi về hưu, mở trường dạy học. Nhà nghèo, nhưng sống thanh liêm, có khí tiết. Ông từng đi sứ phương Bắc, có tài ứng đối và biện luận. Mạc Đĩnh Chi sáng tác nhiều bằng Hán văn, nhưng chỉ còn lại bài phú Ngọc tỉnh liên phú ( 玉 井 蓮 賦 ) và bốn bài thơ chữ Hán. Riêng về văn thơ chữ Nôm, ông được coi là tác giả bài Giáo tử phú ( 教 子 賦 ) gồm 204 câu, mối câu 4 chữ, được khắc ván in cùng với tác phẩm của vua Trần Nhân Tông và sư Huyền Quang trong tập Thiền tông bản hạnh đã nói ở trên.

Chu Văn An  朱 文 安 (? – 1370) đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng không làm quan, mở trường dạy học. Những năm 1314 – 1329 được mời về Thăng Long giữ chức Tư nghiệp trường Quốc tử giám. Ông nổi tiếng với Thất trảm sớ  七 斬 疏 (chữ Hán) đòi chém bảy tên gian thần. Riêng về thơ chữ Nôm ông có Tiều ẩn quốc ngữ thi tập ( 樵 隱 國 語 詩 集), nhưng nay đã thất truyền.

Hồ Quý Ly  胡季 釐 (1336 – 1407?) là vua đầu tiên triều nhà Hồ, một triều đại ngắn ngủi ở Việt Nam. Ông lên ngôi từ ngai vua nhà Trần năm 1400. Năm 1406, không chống cự nổi quân nhà Minh, cả ba cha con ông bị giặc bắt đưa về Trung Hoa, rồi sau mất ở đó. Hồ Quý Ly là ông vua có tinh thần cải cách táo bạo, cả về quân sự, kinh tế và văn hóa tư tưởng. Nhưng ông vấp phải sự chống đối của phái bảo thủ, không thu phục được nhân tâm, nên dễ thất bại. Riêng về mặt ngôn ngữ văn tự, Hồ Quý Ly là ông vua đầu tiên nêu chủ trương dùng chữ Nôm tiếng Việt thay chữ Hán trong công văn, chiếu chỉ, và cho dịch kinh sách chữ Hán sang chữ Nôm. Chủ trương này về sau, vào cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung  光 中 (Nguyễn Huệ  阮 惠, 1753 – 1792) cũng lại đề ra, song đều chưa kịp thực hiện. Bản thân Hồ Quý Ly cũng trước thuật bằng chữ Hán và sáng tác thơ văn chữ Nôm. Nhưng tất cả đều bị nhà Minh tiêu hủy. Sau này, khi thoát khỏi ách thống trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi đã thu thập lại được 30 bài thơ chữ Nôm của ông, nhưng rồi đến lượt Nguyễn Trãi bị nạn, tất cả đều đã thất lạc.

Như vậy, trong suốt hai thế kỷ XIII và XIV, là thời kỳ mở đầu cho nền văn học chữ Nôm, đến nay chỉ còn lại 4 tác phẩm: 1 bài ca và 1 bài phú của Trần Nhân Tông, 1 bài phú của Huyền Quang và 1 bài phú của Mạc Đĩnh Chi. 

2. THƠ NÔM “HÀN LUẬT”

Thơ Nôm “Hàn luật” (cải biến từ hai thể “thất ngôn tứ tuyệt” và “thất ngôn bát cú” của thể thức thơ Đường) đã xuất hiện từ thời sơ khai, có thể bắt đầu từ Hàn Thuyên. Song ngày nay chỉ có thể nhận diện thể thơ này qua các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và hội thơ Tao Đàn, và sau đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Trãi  阮 廌 (1380 – 1442)hiệu là Ức Trai ( 抑齋 ) thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) năm 1400 ngay sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, và được giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Khi giặc Minh xâm chiếm, ông bị quản thúc ở Thăng Long, sau thoát ra, lẩn tránh nhiều nơi, cuối cùng đến với Lê Lợi ( 黎 利), vạch chiến lược chống quân Minh trên chiến trường cũng như trong giao dịch thư từ. Sau thắng lợi, ông thay minh chủ viết bài Bình Ngô đại cáo ( 平 吳 大 告 ) bằng Hán văn, một bản “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam. Dưới triều Lê Thái Tổ  黎 太 祖 (Lê Lợi), Nguyễn Trãi được trọng dụng. Nhưng sau khi Lê Lợi mất, triều đình lục đục, gây bè kéo cánh, khiến Nguyễn Trãi khó bề được yên thân. Ông bèn xin về hưu trí ở Côn Sơn. Cuối năm 1442, vua trẻ Thái Tông ghé thăm trại Lệ Chi Viên của ông, đột nhiên bị cảm chết, ông cùng cả gia tộc liền bị khép tội và chịu án “tru di tam tộc”. Mãi 20 năm sau, mới được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu rửa oan cho ông.

Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Ông có một sự nghiệp trước tác đồ sộ, về nhiều lãnh vực. Ông làm nhiều thơ, bằng Hán văn và cả bằng chữ Nôm. Sau khi ông bị hại, tác phẩm của ông bị thất tán nhiều nơi. Đến năm 1467, vua Lê Thánh Tông cử người (Trần Khắc Kiệm  陳 克 儉) sưu tầm di cảo của ông, nhờ đó mới giữ một phần những tác phẩm quý giá của ông. Dựa vào kết quả sưu tầm của Trần Khắc Kiệm ở thế kỷ XV, Dương Bá Cung (  楊 伯 恭)  ở thế kỷ XIX đã bỏ ra hàng chục năm tiếp tục sưu tầm, chỉnh lý để đến năm 1868 cho khắc in bộ Ức Trai di tập ( 抑 齋 遺 集) trong đó có  Quốc âm thi tập ( 國 音 詩 集) gồm 254 bài thơ Nôm. Có thể tập thơ này vẫn chưa phải là toàn bộ những tác phẩm viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, nhưng đây chính là tập thơ chữ Nôm đầu tiên còn lại đến ngày nay, và nó chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học sử Việt Nam.

Thơ Nôm Nguyễn Trãi thể hiện tình yêu tha thiết của ông dành cho nước cho dân với tinh thần nhân nghĩa sâu sắc, đồng thời cũng có cả nỗi thao thức dằn vặt từ cảnh ngộ riêng tư, một cái tôi trữ tình mang màu sắc của cả Nho, Phật và Lão. Tiếng Việt trong thơ giàu hình tượng, ngữ liệu dân gian được sử dụng thích đáng. Hình thức thơ tuy phỏng theo cách luật thơ Đường, nhưng có nhiều biến cải: Trong một bài tứ tuyệt hay bát cú, nhiều khi dùng xen những câu 6 tiếng, ở những vị trí không cố định. Nhịp thơ Đường thường ngắt theo kiểu 4-3, còn ở đây có cả cách ngắt nhịp 3-4, 3-3, một lối ngắt nhịp phổ biến của thi ca dân gian người Việt. Đây phải chăng chính là lối thơ “Hàn luật” mà Nguyễn Thuyên là người khởi xướng. Để minh họa cho thể thơ này, xin trích lục một bài thơ tứ tuyệt của Nguyễn Trãi:

 

Liên hoa (Hoa sen)

 淋 洳 拯 变 /卒 和 清  

 Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh              

君 子 困 堪/ 所名

Quân tử khôn kham được thửa danh    

/   

Gió đưa hương, đêm nguyệt tạnh          

/

Riêng làm của, có ai tranh     

Hồng Đức quốc âm thi tập ( 洪德國音詩集). Đây là một tuyển tập thơ Nôm đầu tiên ở Việt Nam, gồm sáng tác của nhà vua đương thời là Lê Thánh Tông  黎 聖 宗 (Lê Tư Thành  黎 思 成 , 1442 – 1497) và một số triều thần (được gọi là “Hội Tao Đàn”), là kết quả của phong trào sáng tác thơ Nôm ở cung đình do nhà vua khởi xướng. Tập thơ sao chép nhiều lần, theo bản hiện còn (AB.292) gồm 283 bài, không ghi rõ tác giả từng bài, trong đó có lẫn một số bài của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Toàn tập thơ viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, nhưng cũng có bài pha “lục ngôn” theo kiểu “Hàn luật” của Việt Nam. Nội dung nặng về những đề tài “cao quý”, vịnh người vịnh cảnh, thấm đậm tư tưởng Nho gia. Tuy nhiên, đây là thời thái bình thịnh trị, nên tập thơ cũng toát lên niềm lạc quan, tự hào dân tộc và thiện chí trau giồi ngôn ngữ dân tộc của vua tôi nhà Lê.

Nguyễn Bỉnh Khiêm  阮 秉 謙 (1491 – 1585) sống chủ yếu vào thế kỷ XVI. Ông thi đỗ Trạng nguyên năm 1535 và làm quan với nhà Mạc. Ông chán ghét bọn gian thần, dâng sớ xin chém lộng thần, nhưng vua không nghe. Ông thác bệnh về quê. Nhưng sau vì hoàn cảnh bó buộc, ông lại ra làm quan cho đến năm 70 tuổi mới thực sự từ quan. Ông dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, ngồi dạy học trò. Ông là người được cả ba thế lực Mạc, Trịnh, Nguyễn thời bấy giờ tôn trọng, thường đến hỏi về những việc hệ trọng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có làm thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Về thơ Nôm, ông còn để lại tập Bạch Vân quốc ngữ thi (  白 雲 國 語 詩). Tuy nhiên, nguyên cảo thất lạc, các bản sao không thống nhất, lại lẫn lộn một số bài của Nguyễn Trãi, trong đó có khoảng 170 bài là thực sự của ông. Thơ quốc âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chủ yếu theo thể cách Đường luật, đôi khi pha những câu “lục ngôn”. Đây có thể là những bài thơ Nôm Đường luật cuối cùng có xen lẫn câu thơ lục ngôn với lối ngắt nhịp 3-4. Về sau này có rất nhiều nhà thơ viết theo thể Đường luật đã không tiếp tục sử dụng các câu lục ngôn như thế nữa, trừ một số bài tương truyền là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương [xem dưới]. Tập thơ viết khi tác giả ở ẩn nên bao trùm không khí an nhàn ẩn dật, yêu quý thiên nhiên, xa lánh bụi đời, tuy không dứt lòng thương nước lo đời, quan tâm thế sự.

3. DIỄN CA LỊCH SỬ

Diễn ca lịch sử” là những tác phẩm thơ Nôm trường thiên, mà phần lớn nội dung đều dựa vào quốc sử cùng với truyền thuyết dân gian. Diễn ca lịch sử sử dụng hai thể thơ dân tộc: Một là thể “lục bát” (mỗi khổ hai câu: 6 – 8 tiếng) với những tác phẩm tiêu biểu như: Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam quốc sử diễn ca. Hai là thể “song thất lục bát” (mỗi khổ bốn câu: 7 – 7 – 6 – 8  tiếng, các câu “thất ngôn” đều ngắt nhịp 3 – 4), với tác phẩm tiêu biểu là Thiên Nam minh giám.

Việt sử diễn âm ( 越 史 演 音). Tác phẩm gồm 2.332 câu (dòng), trong đó có 2.278 câu theo thể “lục bát”, còn lại là những câu thất ngôn xen vào ở phần cuối. Chưa rõ tác giả là ai, nhưng lời thơ cho thấy tác giả đã sống và viết tác phẩm này vào khoảng giữa thế kỷ XVI, dưới thời nhà Mạc. Nội dung tác phẩm là kể lại lịch sử Việt Nam qua các triều đại từ thời sơ thủy đến thời nhà Mạc, qua đó thể hiện cảm xúc của mình đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.  Điều đáng lưu ý là với tác phẩm này, lần đầu tiên xuất hiện thể loại diễn ca lịch sử, một thể loại cực kỳ quan trọng trong văn học chữ Nôm, được phát triển mạnh mẽ vào những thế kỷ sau đó. Đây có thể cũng là lần đầu tiên có một tác phẩm chữ Nôm dài hơi viết theo thể “lục bát”, một thể thơ thuần túy của dân tộc Việt Nam.

Thiên Nam minh giám ( 天 南 明 監). Hiện chưa rõ tác giả là ai, có thể là do một nhà Nho trong tôn thất chúa Trịnh vâng mệnh phủ chúa mà viết. Tác phẩm hoàn thành vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Cũng là một tác phẩm diễn ca lịch sử Việt Nam, nhưng viết theo thể thơ Việt “song thất lục bát”, dài hơn 938 câu. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm chữ Nôm dài hơi viết bằng thể “song thất lục bát”.Với thể loại diễn ca lịch sử thì tác phẩm này dường như là duy nhất hiện có được viết theo thể thơ này. Nội dung tác phẩm chú yếu nêu gương anh hùng nghĩa sĩ nước Nam, thiên về phẩm bình nhân vật lịch sử.

Thiên Nam ngữ lục ( 天 南 語 錄). Chưa rõ tác giả là ai, có thể là một nhà Nho, nhiều lần thi hỏng, sống ngao du ẩn dật. Về già mới viết sách này theo yêu cầu của chúa Trịnh, nhưng sau rồi cũng không dâng lên chúa, giữ lại làm của báu gia đình. Tác phẩm hoàn thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Hiện có 6 dị bản, trong đó bản chép tay đầu thế kỷ XVIII mang ký hiệu AB.478 là cổ nhất và đầy đủ hơn cả. Cũng như Việt sử diễn âm thời nhà Mạc trước đây vào thế kỷ XVI hoặc Đại Nam quốc sử diễn ca ( 大 南 國 史 演 歌) sau này ở thế kỷ XIX (1870), Thiên Nam ngữ lục thuộc loại diễn ca lịch sử, viết theo thể “lục bát”. Nhưng đây là tác phẩm thành công nhất về nhiều phương diện, đặc biệt là ngôn ngữ văn học tiếp cận với lời nói dân gian, giàu hình tượng và cảm xúc với khối lượng phong phú các thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt. Điều quan trọng cần đặc biệt lưu ý là Thiên Nam ngữ lục tác phẩm lục bát  (văn vần nói chung) có độ dài lớn nhất trong văn học Việt Nam. Tác phẩm gồm 8.136 câu thơ “lục bát”, kèm theo 2 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú và 31 bài vừa thơ vừa sấm ngữ bằng chữ Hán. Có thể nói đây là lần đầu tiên thể thơ “lục bát” được thử thách trong một tác phẩm thi ca trường thiên, chứng minh cho khả năng biểu đạt vô tận của thể thơ, chuẩn bị cho nó tiến tới hoàn thiện thêm trong hàng loạt truyện thơ Nôm trường thiên ở những thế kỷ sau.

Đại Nam quốc sử diễn ca ( 大 南 國 史 演 歌 ) hiện được biết đến là một tác phẩm diễn ca lịch sử viết theo thể lục bát, mà tiền thân của nó có thể là tập Sử ký quốc ngữ ca ( 史 記 國 語 歌 ) của một tác giả khuyết danh, được nộp vào Viện Tập hiền của nhà Nguyễn. Tập sử ca này đã được Lê Ngô Cát  吳 黎 吉 (quê Hà Tây, không rõ năm sinh năm mất, đỗ Cử nhân năm 1848 thời Tự Đức, làm quan ở Quốc sử quán) sửa chữa, bổ sung, làm thành tác phẩm mới dài 3.774 câu lục bát. Đến khi Phạm Đình Toái  範 廷 碎 (quê Nghệ An, không rõ năm sinh năm mất, đỗ Cử nhân năm 1843 thời Thiệu Trị, làm quan đến Hồng Lô tự khanh) đọc lại, cắt bỏ nhiều đoạn rườm rà, bổ sung những chỗ thiếu sót và sắp xếp lại, làm thành bản mới, gọn hơn, gồm 2.054 câu lục bát, đặt tên là Đại Nam quốc sử diễn ca, được khắc ván năm 1870. Tác phẩm này được soạn theo lệnh của vua Tự Đức, nên trong đó có không ít thiên kiến của nhà Nguyễn đối đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử trước mình, nhất là với triều Tây Sơn . Tuy nhiên, những trang viết về thời Hồng Bàng, thời Hai Bà Trưng, về các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, quân Minh đã gây được không khí hào hùng, mang đậm tinh thần tự hào dân tộc.

4. NGÂM KHÚC (THỂ NGÂM)

“Ngâm khúc” là một thể loại thơ Nôm trường thiên. Đó là những tác phẩm trữ tình dài hơi, chuyên sử dụng thể thơ “song thất lục bát” để phô diễn tình cảnh và tâm tư của nhân vật trữ tình. Có 2 tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này là Chinh phụ ngâm khúcCung oán ngâm khúc. Ngoài ra còn có:  Ai tư vãn ( 哀思 輓), gồm 164 câu song thất lục bát, là tiếng khóc và lời thở than của công chúa Lê Ngọc Hân  黎 玉 昕 (1770 – 1799), vợ vua Quang Trung, sau cái chết đột ngột của nhà vua; Tự tình khúc  ( 敘 情 曲) của Cao Bá Nhạ  高 伯 迓 (thế kỷ XIX) gồm  608 câu song thất lục bát, là lời kêu than của tác giả  trong thời gian bị cầm tù vì liên quan với vụ án của chú mình là Cao Bá Quát   高 伯 适 (1808 – 1885).

Chinh phụ ngâm khúc ( 征 妇 吟 曲). Nguyên tác Hán văn của nhà thơ Việt Nam Đặng Trần Côn ( 鄧 陳 琨, thế kỷ XVIII), dài 438 câu theo thể “trường đoản cú”, xuất hiện năm 1741. Liền ngay sau đó lần lượt có 4 bản dịch sang thơ Nôm. Bản dịch thành công nhất được lưu hành rộng rãi, theo ván khắc năm 1902, gồm 412 câu thơ, thể “song thất lục bát”. Bản này tương truyền là do bà Đoàn Thị Điểm ( 段 氏 點 , 1705 – 1748) chuyển dịch. Song gần đây có nhiều người nghiêng về phía khẳng định Phan Huy Ích ( 潘 輝 益, 1750 – 1822) mới là dịch giả của bản hiện đang lưu hành.

Chinh phụ ngâm là một lời độc thoại nội tâm mà nhân vật trữ tình duy nhất trong tác phẩm là một người vợ có chồng gặp thời loạn phải ra đi chinh chiến. Lý tưởng lập công danh không ngăn được nỗi niềm cô quạnh và ước mong được sống hạnh phúc cùng chồng nơi quê nhà.  Đây có thể là tác phẩm ngâm khúc đầu tiên mà thành công của nó chứng minh cho khả năng của thể “song thất lục bát” trong việc phô diễn những cảnh tượng bi tráng và tâm trạng sầu muộn triền miên của nhân vật trữ tình. Để minh họa cho thể thơ này, xin  trích một khổ thơ mở đầu tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc (theo bản khắc AB.26, năm 1902):

糓 俼 坦 常 欺 陿 桙  

Nhẽ  trời đất thường khi gió bụi

客 牤 紅 蜫 餒 迍 邅  

Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên

籑 箕 深 瀋 層 珕  

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

為 埃 蔐 孕 朱 戼 餒 尼  

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

(Nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn:

天 地 風 塵  .紅 顏 多 迍   

Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân

悠 悠 彼 蒼 兮 誰 造 因

Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân)

Cung oán ngâm khúc (  宮 怨 吟 曲). Tác giả khúc ngâm là Nguyễn Gia Thiều  阮嘉韶 (1741 – 1798), sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, là cháu ngoại chúa Trịnh Cương ( 鄭 綱, ? – 1729). Ông học rộng, am hiểu nhiều môn nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí. Cung oán ngâm khúc theo bản in khắc ván năm 1902 dài 356 câu thơ “song thất lục bát”.

Khúc ngâm trường thiên này là lời tự bạch nỗi niềm cô đơn chán chường của người cung nữ bị bỏ rơi, đồng thời cũng là lời gửi gắm những suy tư của tác giả về nhân sinh và thế giới. Tác phẩm rất giàu sức biểu cảm: có tiếng nói trữ tình từ cảnh ngộ cá nhân của nhân vật trữ tình, vừa có tiếng nói triết lý về kiếp nhân sinh từ những suy tư của tác giả. Với tác phẩm này, thể “song thất lục bát” đã đi đến chỗ hoàn thiện ở mức đỉnh điểm: cách luật hoàn toàn chặt chẽ, chuẩn mực, không chấp nhận những ngoại lệ như ở các tác phẩm khác. Ngôn ngữ văn học ở đây được gọt giũa kỹ càng, biện pháp điệp từ sử dụng rất khéo léo, tạo được cảm xúc.

5. TRUYỆN NÔM (THỂ TRUYỆN)

Đây là một thể loại văn học viết theo văn vần, có cốt truyện (tức là một loại tiểu thuyết văn vần), rất phát triển ở Việt Nam (mà ở Trung Hoa hầu như không có), đặc biệt thịnh hành từ cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Có tới hàng trăm tác phẩm thuộc loại này, mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Nôm sử dụng thể thơ “lục bát” là chủ yếu, song cũng có một số ít tác phẩm dùng thể Đường luật.

“Truyện Nôm Đường luật” thường dựa theo một cốt truyện đơn giản để viết thành một loạt các bài thơ “thất ngôn bát cú” ( 七 言 八 句 ) liên hoàn. Loại này xuất hiện khá sớm, ngay từ thế kỷ XVI, nhưng tác phẩm không nhiều, giá trị văn học không cao. Nay chỉ còn lại 3 tác phẩm là:  truyện Tô Công phụng sứ  ( 蘇 公 奉 使 傳 ), xuất hiện vào thế kỷ XVI,  lấy tích Tô Vũ đi sứ nước Hồ, toàn văn gồm 24 bài thơ bát cú luật Đường. Cũng ở thế kỷ XVI có Truyện Vương Tường ( 王 嬙 傳) [xem dưới], sang thế kỷ XVII có truyện Lâm tuyền kỳ ngộ ( 林 泉 奇 遇 傳 )còn gọi là truyện Bạch Viên Tôn Các( 白 猿 孫 恪 傳 ) gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú và 1 bài tứ tuyệt. Có thể lấy Truyện Vương Tường làm đại diện:  

Truyện Vương Tường ( 王 祥傳 ). Cốt truyện mượn từ tích đời Hán, viết về cuộc đời của Vương Tường (tức Vương Chiêu Quân  王 昭 君) được tuyển làm cung nữ dưới thời Hán Nguyên Đế  漢 元 帝, vì không đút lót nên thợ vẽ Mao Diên Thọ  毛 延 壽 vẽ xấu đi, khiến nhà vua không để ý đến. Nhân có vua nuớc Hồ cầu thân, vua Hán liền đem Chiêu Quân gả cho vua Hồ. Đến lúc ấy vua Hán mới biết nàng đẹp, lấy làm tiếc. Sang đến cung vua nước Hồ, nàng tự vẫn. Đây là một truyện tiêu biểu cho loại “Truyện Nôm Đường luật”. Không rõ tác giả là ai. Giới nghiên cứu ước đoán tác phẩm này ra đời khá sớm, vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Truyện gồm 49 bài thơ “thất ngôn bát cú”, trong đó có 38 bài chính truyện, 10 bài là lời than tiếc của người đời và 1 bài kết luận. Câu thơ trau chuốt, bút pháp thơ Đường vững vàng. Song có thể là do hạn chế của khuôn khổ thơ cách luật “thất ngôn bát cú”, khó diễn tả liền mạch cốt chuyện, nên kết cấu có phần rời rạc. Đây là nhược điểm chung của loại “Truyện Nôm Đường luật”  khiến nó không phát triển và tỏ ra “lép vế” hẳn so với loại “Truyện Nôm lục bát”.    

“Truyện Nôm lục bát” chỉ dùng thể “lục bát”, đôi khi có thể xen kẽ vài bài thơ Đường luật, hoặc một số câu thất ngôn. Cốt truyện có thể lấy từ lịch sử và văn học Trung Hoa, hoặc lấy từ lịch sử và sự tích dân gian Việt Nam. Số lượng truyện Nôm lục bát rất phong phú, hiện còn hàng trăm tác phẩm, nhiều truyện đạt tới giá trị nghệ thuật cao. Trong số các truyện Nôm lục bát hơn phân nửa tác phẩm không mang tên tác giả (thường được gọi là “Truyện Nôm khuyết danh”). Có thể phân các “truyện Nôm lục bát” thành 2 loại như sau:

Một loại là những truyện mang đậm màu sắc dân gian, kể chuyện bình dị, lời thơ gần với khẩu ngữ , tác giả  không rõ là ai, thường được gọi là “Truyện Nôm khuyết danh” hoặc “Truyện Nôm bình dân”. Những truyện loại này hiện còn hơn 100 tác phẩm. Tiêu biểu cho loại này là những tác phẩm như: Phạm Tải Ngọc Hoa ( 範 載 玉 花 ), thế kỷ XVIII, gồm 872 câu lục bát; Tống Trân Cúc Hoa ( 宋 珍 菊 花 )  [xem dưới]; Phạm Công Cúc Hoa    ( 範 公 菊 花 )  [xem dưới]; Phương Hoa ( 芳 花 ), thế kỷ XVIII-XIX, theo truyện kể dân gian, gồm 1152 câu lục bát, Thạch Sanh ( 石 生 ), thế kỷ XVIII, theo truyện cổ tích Việt Nam, gồm 1812 câu lục bát, v.v. Có thể lấy truyện Tống Trân Cúc Hoa Phạm Công Cúc Hoa làm đại diện:

Tống Trân Cúc Hoa ( 宋 珍 菊 花 ) là câu chuyện thuần túy Việt Nam, không lấy tích từ Trung Hoa. Tác phẩm kể chuyện đôi trái gái nhà nghèo Tống Trân và Cúc Hoa, vượt qua mọi gian nan thử thách từ phía các thế lực quan lại và quý tộc, bằng tất cả lòng kiên trinh và tài năng của mình, để bảo vệ tình yêu. Trong truyện còn kể chuyến đi sứ của Tống Trân, thể hiện tài năng và lòng tự tôn dân tộc của chàng trong việc bang giao. Mặc dù bị chàng chối từ, nhưng công chúa nước Tàu vì quá yêu chàng, đã vượt bể sang nước Việt tìm chàng. Và Cúc Hoa đã vui lòng để cho chàng cưới thêm công chúa Trung Hoa. Truyện gồm 1690 câu thơ lục bát, xuất hiện vào khoảng từ giữa thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX. Ngôn ngữ văn học trong tác phẩm rất gần với lời ăn tiếng nói của dân gian. Hầu như không dùng điển cố và rất ít từ Hán Việt. Trong truyện nhiều khi mang đậm nét truyện kể truyền miệng, do đó có phần thiếu trau chuốt.

Phạm Công Cúc Hoa( 範 公 菊 花 ) kể chuyện ở nước Trịnh nào đó, nhưng tên làng tên đất cùng quang cảnh non nước, cung cách sinh họat đều là thực tế ở Việt Nam. Đây là một truyện Nôm có dung lượng lớn, gồm 3.934 câu lục bát (theo bản in ván khắc năm 1889), có thể là tác phẩm dài hơi nhất trong số các truyện Nôm hiện còn. Phạm Công là trẻ mồ côi, dắt mẹ đi ăn xin, rồi may mắn được con gái quan phủ là Cúc Hoa đem lòng yêu, và được kết duyên vợ chồng. Song vì tài vì mệnh, vì lòng kiên trinh, họ phải chịu lắm nỗi gian nguy, vợ chồng con cái sinh ly tử biệt. Truyện phản ánh những quan hệ vợ chồng, anh em, mẹ ghẻ con chồng v.v. rất sâu sắc và cảm động. Đây hầu như là truyện Nôm duy nhất mô tả cảnh âm phủ với những tình tiết cụ thể sinh động theo trí tưởng tượng dân gian trong mối liên tưởng với thực trạng xã hội ở trên dương thế.

Một loại khác là những tác phẩm do các văn nhân sáng tác, văn liệu tiếp thu từ văn hiến Trung Hoa, ngữ liệu tận dụng vốn thành ngữ, tục ngữ và ca dao dân gian. Bởi vậy, so với loại “bình dân” ở trên, thì ở loại này ngôn ngữ văn học được trau chuốt hơn, có sức diễn đạt phong phú, đạt tới giá trị nghệ thuật cao hơn. Tiêu biểu cho loại này là Truyện Kiều của Nguyễn Du [xem dưới] . Ngoài ra có thể kể một loạt tác phẩm như: Song Tinh Bất Dạ ( 雙 星 不 夜 ) của Nguyễn Hữu Hào  阮 有 豪 (? – 1713), lấy cốt truyện từ tiểu thuyết Định tình nhân ( 定 情 人) ở Trung Hoa, gồm 2.396 câu; Hoa tiên ( 花 箋 ) của Nguyễn Huy Tự  阮 輝 嗣 (1743 – 1790), lấy cốt truyện từ Hoa tiên ký (  花 箋 記 ) ở Trung Hoa, gồm 1.532 câu; Sơ kính tân trang ( 梳 鏡 新 妝 ) của Phạm Thái  範 彩 (1777 – 1813), là tự truyện về tình duyên trắc trở của tác giả, gồm 1.482 câu lục bát và một số bài thơ Đường luật;  Phan Trần (  潘 陳 ) lấy cốt truyện từ truyện ký Trung Hoa, chưa rõ danh tính tác giả, xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX, gồm 938 câu lục bát; Lý Văn Phức  李 文 馥 (1785 – 1849) là tác giả của một số truyện nổi tiếng: Tây sương ( 西 廂 ) gồm 1.744 câu lục bát, truyện dựa theo hí khúc Tây sương ký ( 西 廂 記 ) của Vương Thực Phủ  王 實 甫thời nhà Nguyên; Nhị độ mai ( 二 度 梅 ) gồm 2.826 câu lục bát, dựa theo tiểu thuyết Trung Hoa Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ( 忠 孝 節 義 二 度 梅 ); Ngọc Kiều Lê ( 玉 翹 黎 ), gồm 2.926 câu lục bát, cũng có thể lấy cốt truyện từ một tiểu thuyết ở Trung Hoa; Nguyễn Đình Chiểu  阮 廷 炤 (1822 – 1888) là tác giả của hai truyện Nôm nổi tiếng khác: Lục Vân Tiên ( 陸雲仙)  [xem dưới] và Dương Từ Hà Mậu ( 楊 慈 何 茂 ), gồm 3.456 câu lục bát – một độ dài lớn nhất trong số các truyện Nôm hiện còn. Cả hai truyện đều là sáng tác của nhà thơ, không lấy cốt truyện từ Trung Hoa.

Truyện Kiều ( 翹 傳) là tác phầm chủ yếu của Nguyễn Du  阮 攸 (1765 – 1820), nhà đại thi hào dân tộc Việt Nam. Sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc (cha làm quan đến Tể tướng, anh làm quan đến Tham tụng), nhưng gặp nhiều trắc trở. Năm 1783 thi Hương đậu Tam trường, sau không thi tiếp nữa. Thuở nhỏ ở Thăng Long, lớn lên gặp thời tao loạn (từ khởi nghĩa Tây Sơn đến Nguyễn Ánh khôi phục lại Nhà Nguyễn) phải nay đây mai đó, cuối cùng về quê ở Nghệ An, sống gần với dân gian. Có ra làm quan với nhà Nguyễn một thời gian, từng được cử đi sứ nhà Thanh. Nguyễn Du có một sự nghiệp sáng tác văn học đồ sộ, cả bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm. Riêng về văn chương chữ Nôm, ngoài Truyện Kiều, ông còn để lại một vài tác phẩm ngắn, mà tiêu biểu là bài Văn tế thập loại chúng sinh (十 類 眾 生 祭 文 ), một bài văn chiêu hồn đối với mọi kiếp người đã chết trong bất cứ cảnh ngộ nào, thể hiện lòng thương người bao la của nhà thơ.

Truyện Kiều là cách gọi tắt của người đời sau, nguyên tên do tác giả đặt là Đoạn trường tân thanh ( 斷 腸 新 聲 ). Cốt truyện dựa theo tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện  ( 金 雲 翹 傳 ) của Thanh Tâm Tài Nhân  青 心 才 人 ở Trung Hoa. Nhưng nếu như tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân không gây được chú ý ở Trung Quốc, thì Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là tác phẩm văn học kiệt xuất, ngay từ khi vừa ra đời (khoảng 1804 – 1809) đến nay đã được mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam yêu thích, và được thế giới nhiệt liệt đón nhận, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Nguyễn Du là người Việt Nam thứ hai (thế hệ sau Nguyễn Trãi) được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Truyện Kiều kể chuyện 15 năm lưu lạc của nhân vật chính là nàng Thúy Kiều  翠 翹 . Thúy Kiều là một tiểu thư xinh đẹp, tài hoa, có tình yêu tự do và trong sáng với chàng thư sinh Kim Trọng  金 重 . Chế độ phong kiến suy tàn với đầy rẫy những thế lực (đặc biệt là quan lại liên kết với thương gia) đã xô đẩy nàng vào cảnh đời ca kỹ, tôi đòi. Toàn bộ câu chuyện với mọi diễn biến về tình tiết và tâm lý nhân vật làm thành bản cáo trạng đối với những bất công, tàn bạo trong xã hội, là tiếng kêu xé lòng đối với tình yêu và thân phận những con người bị chà đạp, là ước vọng vươn tới giành lại quyền sống cho họ. Tác phẩm thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc, với bút pháp hiện thực giàu chất trữ tình.

Bản in cũ nhất và còn lại trọn vẹn cho đến nay là bản Liễu Văn Đường 1871 và bản Duy Minh Thị 1872. Truyện Kiều là tác phẩm truyện Nôm có độ dài lớn, gồm 3.254 câu thơ, theo thể “lục bát”. Đây là tác phẩm thành công và tiêu biểu về nhiều phương diện, là đỉnh cao của văn học Việt Nam thời Trung đại. Riêng về mặt ngôn ngữ thơ, tác giả đã rất nhuần nhuyễn trong việc sử dụng văn liệu Trung Hoa kết hợp với ngữ liệu dân gian Việt Nam. Tiếng Việt trong Truyện Kiều đánh dấu cho trình độ tinh luyện, chuẩn mực và giàu sức biểu hiện. Đây là tác phẩm truyện thơ Nôm trường thiên mà trong đó thể thơ “lục bát” đạt tới mức điển phạm, chuẩn mực, không chấp nhận bất cứ những gì thô sơ, vụng về, phá cách như trong các truyện Nôm khác. Để minh họa, xin trích hai khổ đầu (4 câu) từ văn bản Truyện Kiều khắc in năm 1871:

炧 璏 瑉 憥 圡 些  

Trăm năm trong cõi người ta

   岲 才 岲 命 窖 卥 唙饒

 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

惐 戈 沒 局 帀 盙     

Trải qua một cuộc bể dâu

仍 調 饢 獕 乑 僘 妿 峼   

 Những điều trông thấy đã đau đớn lòng

Lục Vân Tiên ( 陸雲 仙) là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu  阮 廷 炤 (1822 – 1888). Ông nguyên quán tỉnh Thừa Thiên, sinh tại Gia Định (nay thuộc Tp Hồ Chí Minh), mất tại Bến Tre. Đỗ Tú tài (1843) tại trường thi Gia Định, sau ra Huế chờ kỳ thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa thi thì được tin mẹ mất, ông vội về Gia Định chịu tang, trên đường vì thương khóc nhiều, ông bị mù cả hai mắt. Truyện Lục Vân Tiên ra đời sau đó ít lâu, và mau chóng được độc giả yêu thích, nhất là trong dân chúng Nam Bộ. Tác phẩm này có rất nhiều bản viết tay và bản in khác nhau. Riêng bằng chữ Nôm hiện có tất cả 7 bản, trong đó bản Lục Vân Tiên truyện ( 蓼 雲 仙 傳 ) do Duy Minh Thị cho khắc ván in tại Gia Định năm Giáp Tuất (1874) là bản xưa nhất còn lại. Theo bản này thì toàn văn gồm có 2176 câu lục bát và 1 bài  “thất ngôn bát cú” chữ Hán.

Lục Vân Tiên, nhân vật chính trong truyện là một chàng trai trí dũng song toàn, đề cao trung hiếu tiết nghĩa. Trải qua bao gian nan thử thách, chàng đã được hưởng hạnh phúc cùng người yêu chung thủy là Kiều Nguyệt Nga. Hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện trong truyện luôn luôn đối kháng rạch ròi, và cuối cùng những người chính nhân quân tử giúp dân cứu nước phải hoàn toàn chiến thắng, trường trị kẻ gian manh độc ác, lừa thầy phản bạn. Có thể coi Lục Vân Tiên là một bản trường ca đề cao chính nghĩa và những đạo đức đáng quý đáng trọng trong đời sống người dân Việt Nam. Mặc dù là một nhà Nho, nhưng ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Đình Chiểu đậm màu sắc dân gian, lời thơ gần với giọng điệu nói và kể, rất bình dị và chất phác.

6. PHÚ NÔM  và VĂN TẾ NÔM

Trong văn học Việt Nam (cũng như ở Trung Hoa), phú ( 賦 ) là một thể văn có từ rất rất sớm, có phú chữ Hán và phú chữ Nôm. Phú chữ Nôm có thể bắt đầu từ thời Trần (thế kỷ XIII), như hai bài phú đã nhắc đến ở trên của vua Trần Nhân Tông và sư Huyền Quang. Nội dung của phú Nôm thường ca ngợi cảnh sắc non sông, xưng tụng công tích anh hùng, hoặc phê phán trào lộng, nghị luận sự tích, nhân vật. Những tác phẩm và tác gia nổi tiếng về phú Nôm có thể kể: Phụng thành xuân sắc phú ( 鳳 城 春 色 賦 ) của Nguyễn Giản Thanh  阮 簡 青 (1482 – ?), Tịch cư ninh thể phú ( 僻 居 寧 體 賦 ) và Đại Đồng phong cảnh phú (大 同 風 景 賦 ) của Nguyễn Hàng  阮 杭  (thế kỷ XVI), Ngã Ba Hạc phú ( 我 巴 鶴 賦 ) của Nguyễn Bá Lân  阮 伯 燐 (1701 – 1785), Trương Lưu hầu phú ( 張 留 侯 賦 ), Quách Tử Nghi phú ( 郭 子 儀 賦 ) của Nguyễn Hữu Chỉnh  阮 有 整 (? – 1787), Tụng Tây Hồ phú ( 訟 西 湖 賦 ) của Nguyễn Huy Lượng  阮 輝 涼 (? – 1808), Chiến tụng Tây Hồ phú ( 戰 訟 西 湖 賦 ) của Phạm Thái  範 彩 (1777 – 1813), Hàn nho phong vị phú ( 寒 儒 風 味 賦 ) của Nguyễn Công Trứ  阮 公 著  (1778 – 1858), Tài tử đa cùng phú ( 才 子 多 窮 賦 ) của Cao Bá Quát  高 伯 适 (1808 – 1885), v.v.

Văn tế ( 祭 文) chữ Nôm với tư cách là những tác phẩm văn học còn lại với thời gian thường không chỉ mang chức năng nghi lễ tín ngưỡng, mà đó là những tác phẩm chứa chan tình cảm với những người đã khuất, những người thân thiết của tác giả hoặc những anh hùng liệt sĩ, những người có số phận bất hạnh trong xã hội. Văn tế được viết bằng nhiều thể thức khác nhau, có thể là văn biền ngẫu, có thể là song thất lục bát. Song phần lớn là những bài văn tế viết theo thể phú. Có nhiều bài văn tế Nôm nổi tiếng của các tác giả như: Văn tế chị ( 祭 姊文) của Nguyễn Hữu Chỉnh (? – 1787), Văn tế thập loại chúng sinh (十 類 眾 生 祭 文) của Nguyễn Du (1765 – 1820), Văn tế Trương Quỳnh Như ( 祭 張 瓊 茹 文) của Phạm Thái (1777 – 1813), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ( 芹 勺 義 士 祭 文) của Nguyễn Đình Chiểu  阮 廷 炤  (1822 – 1888) v.v.

7. THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT

Văn nhân người Việt làm quen với cách luật thơ Đường từ rất sớm. Bước đầu thử mô phong thể thơ này để làm thơ tiếng Việt, các nhà thơ đã không theo sát thể thức Đường luật như khi làm thơ chữ Hán, mà có cải biến ít nhiều, tạo thành lối thơ Việt hóa “Hàn luật”. Lối thơ Đường luật Việt hóa này đã không được các thế hệ thi nhân đời sau kế thừa và phát huy. Từ thế kỷ XVII trở đi văn đàn Việt Nam hầu như vắng bóng các bài thơ Nôm “phá cách” như vậy (trừ một số bài tương truyền là của Hồ Xuân Hương, mang sắc thái trào phúng theo lối dân gian), thay vào đó là những bài thơ chữ Nôm tuân thủ nghiêm chỉnh cách luật thơ Đường.

Có thể nói rằng các nhà thơ Việt Nam thời trung đại ai cũng từng làm thơ Đường luật, chữ Hán và cả chữ Nôm. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng thực sự thành công. Các nhà thơ để lại ấn tượng rõ nét nhất về thơ Nôm Đường luật  là Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương [xem dưới]. Ngoài ra còn phải kể đến: Bà Huyện Thanh Quan  婆 縣 清 觀  (tên thực là Nguyễn Thị Hinh  阮 氏 馨 , đầu thế kỷ XIX) với chùm bài thơ mang nặng tâm trạng hoài cổ; Mạc Thiên Tích  莫天 錫 (1706 – 1780) với tập Hà Tiên quốc âm thập vịnh ( 河 仙 國 音 十 詠 ); Phan Văn Trị  潘 文 治 (1830 – 1910) với nhiều bài thơ vịnh vật vịnh cảnh và 10 bài thơ họa chế giễu bọn văn nhân cam tâm theo giặc.

Hồ Xuân Hương  胡 春 香 (cuối XVIII đầu XIX). Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác năm sinh năm mất cùng thời gian sáng tác của bà, cũng như chưa xác định được rõ toàn bộ tác phẩm của bà. Bà nổi tiếng là “bà chúa thơ Nôm”, với khoảng hơn 50 bài thơ Nôm luật Đường, được sưu tập và chép lại vào năm 1893. Trong số đó có lẫn một số bài của người khác. Gần đây phát hiện tập Lưu hương ký ( 留 香 記 ), trong đó có 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm, ngờ rằng đó là thơ của Hồ Xuân Hương, song cũng chưa thật chắc chắn.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói về những cảnh ngộ riêng tư của người phụ nữ, những nỗi khổ và bất công mà họ phải hứng chịu: làm vợ lẽ, chửa hoang, góa chồng. Nhưng thái độ của bà là không kêu than, không bi lụy, mà với đầy đủ ý thức về giới tính, bà khuyên chị em hãy ngẩng cao đầu làm người, đòi lại quyền bình đ?