Văn bia chợ là loại văn khắc trên bia đá ghi chép việc mở chợ và những việc liên quan đến chợ ở nước ta thời xưa. Theo số liệu điều tra qua những công trình sưu khảo mới công bố gần đây, đời Lý và đời Trần có hơn 60 văn bia, nhưng chưa có văn bia chợ. Tình hình như thế cũng diễn ra đối với các văn bia thời Lê sơ. Chỉ bắt đầu từ nhà Mạc, mới tìm thấy 6 văn bia nói về việc mở chợ buôn bán ở nông thôn. Từ đời Lê Trung hưng về sau, văn bia chợ phát triển nở rộ. Qua thống kê, khảo sát sơ bộ chúng tôi bước đầu tập hợp được 88 văn bia. Số văn bia này nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn 16 tỉnh, từ miền núi Tuyên Quang đến miền Trung Nghệ An, song tập trung nhiều nhất vẫn là vùng đồng bằng Bắc bộ, những vùng mang nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng.
Văn bia chợ bao gồm hai loại: Một là văn bia chợ (với nhan đề là... 市碑thị bi hoặc 市碑記thị bi ký), thường được dựng ở nơi đất công trong làng, hoặc phố phường (đất chợ) thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa và chợ này do làng hoặc phố phường quản lý. Loại văn bia này có số lượng là 55, trong đó 51 văn bia ở các làng quê, chỉ có 4 văn bia ở phố phường Hà Nội. Hai là văn bia chợ Tam bảo (chợ chùa) thường xuất hiện với nhan đề là… 三寶市碑Tam bảo thị bi hoặc 寺市碑記tự thị bi ký, thường được dựng ở nơi đất của chùa hoặc đất cúng cho chùa làm Tam bảo và chợ này nhà chùa được phép đứng ra quản lý cùng với chính quyền địa phương và được các thế lực phong kiến bảo hộ cho miễn thuế. Loại này chúng tôi tập hợp được 33 văn bia, chiếm tỷ lệ 37,4%.
Cùng với sự phát triển của các thể văn bia khác, văn bia chợ đã góp phần phản ánh cập nhật những vấn đề về hoạt động kinh tế hàng hóa và sinh hoạt văn hóa trong xã hội Việt Nam thời phong kiến.
1. SỰ PHÂN BỐ VĂN BIA CHỢ
1.1. Theo không gian
Số lượng văn bia chợ chúng tôi mới sưu tập được tập trung ở 16 tỉnh, trong đó 12 tỉnh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, 2 tỉnh miền Trung là Thanh
Hóa và Nghệ An, 2 tỉnh miền núi là Hòa Bình và Tuyên Quang. Dựa vào kho thác bản văn bia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì thấy rằng, hầu hết các tỉnh miền núi phía Tây Bắc của đất nước chưa tìm thấy văn bia chợ, từ Quảng Bình trở vào Nam cũng trong tình trạng như vậy. Nhiều nhà nghiên cứu về tình hình văn bia ở Việt Nam cũng có chung nhận xét như A.L.Phêđôrin rằng: "Các tỉnh phía Nam của đất nước, nơi không có văn bia sớm (trước 1802), còn những tấm bia muộn thì cực ít và chúng đặc biệt khác xa với các tấm bia trên miền Bắc ở chỗ văn bia làng xã chiếm tỷ lệ quá thấp"(1).
Tình hình phân bố văn bia chợ trên địa bàn 16 tỉnh như sau (đơn vị tỉnh chúng tôi đã qui đổi theo thời hiện tại):
STT |
Tên tỉnh |
Số lượng |
1 |
Bắc Giang |
6 |
2 |
Bắc Ninh |
5 |
3 |
Hà Nam |
1 |
4 |
Hà Nội |
11 |
5 |
Hà Tây |
15 |
6 |
Hải Dương |
16 |
7 |
Hải Phòng |
7 |
8 |
Hoà Bình |
1 |
9 |
Hưng Yên |
1 |
10 |
Nam Định |
5 |
11 |
Ninh Bình |
7 |
12 |
Nghệ An |
2 |
13 |
Phúc Yên |
2 |
14 |
Thái Bình |
4 |
15 |
Thanh Hóa |
4 |
16 |
Tuyên Quang |
1 |
Tổng cộng |
16 tỉnh |
88 văn bia |
Qua bảng trên có thể nhận thấy, tỉnh Hải Dương có nhiều văn bia chợ nhất với tổng số 16 văn bia, chiếm tỉ lệ » 20% tổng số văn bia chợ. Tiếp đó đến Hà Tây với 13 văn bia, Hà Nội với 11 văn bia, Hải Phòng, Ninh Bình 7 văn bia, Bắc Giang 6 văn bia, Bắc Ninh 5 văn bia. Có nhiều lý do để chứng minh những tỉnh trên nhiều bia, trong đó phụ thuộc vào hai yếu tố: văn hóa và kinh tế. Trong những tỉnh có nhiều văn bia chợ, Hải Dương là vùng đất có vị trí quan trọng, một trong tứ trấn quanh thành Thăng Long xưa. Dân Hải Dương là dân bách nghệ, từ những nghề bình thường như nấu rượu, đan chiếu cho tới những nghề như đúc đồng, đúc bạc, khắc ván in... Số văn bia ở Hải Dương phân bố ở 6 huyện, trong đó riêng ở huyện Kim Thành đã có tới 7 văn bia, cao hơn số bia ở các tỉnh khác. Giống như Hải Dương, Hà Tây có thế mạnh là cửa ngõ đi vào thủ đô, lại có nhiều làng nghề. Sự hưng thịnh của các làng nghề cộng với mạng lưới giao thông thuận tiện đã hình thành ở đây nhiều mạng lưới chợ buôn bán. Ở Hà Nội, văn bia chợ tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành là Đông Anh và Từ Liêm. Ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cũng có 3 văn bia chợ ghi việc những người buôn bán của 6 họ thuộc làng Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương ra Hà thành lập nghiệp.
Qua nghiên cứu các văn bản, chúng tôi nhận thấy, ở một số chợ có tới 3 văn bia, như: Chợ Phạm Xá, huyện Kim Thành, Hải Dương; chợ Hoa Lộc ở phường Hàng Đào, Hà Nội; chợ Cam Giá huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã ghi lại các bước phát triển, mở rộng chợ các thời kỳ lịch sử. Ngoài ra ở một số chợ khác có 2 văn bia như: chợ An Tất huyện An Lão, Hải Phòng; chợ Mai Xá, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Trên thực tế, đây là những chợ lớn, khá nổi tiếng từ xưa, đã được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận.
Trong số văn bia sưu tập được, có 1 văn bia là Đông Ngạc xã thị bi niên đại Diên Thành thứ 2 (1579), chép trong sách Đông Ngạc xã chí kí hiệu A.2356 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm)(2), 2 văn bia được chép trong sách Ái châu bi ký kí hiệu VHv.1739, 1 văn bia ở Hòa Bình có niên đại là năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) không có thác bản, được giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm học năm 1996. Số còn lại đều có thác bản, hiện lưu giữ tại kho thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
1.2. Theo thời gian
Văn bia chợ phát triển từ thời nhà Mạc và rộ ở thời kỳ Lê Trung hưng. Tấm bia chợ đầu tiên mang niên hiệu Đại Chính (1531) nhà Mạc. Tấm bia chợ cuối cùng chúng tôi sưu tập được tạo năm Bảo Đại 16 (1941) triều Nguyễn. Nếu tính về thời gian cụ thể thì nó xuất hiện từ năm 1531 cho tới năm 1941, có chiều dài lịch sử 400 năm. Trong số 88 văn bia, có 6 văn bia mang niên đại nhà Mạc (thế kỷ XVI), 13 văn bia mang niên đại triều Nguyễn (thế kỷ XIX, XX), 6 văn bia không ghi niên đại. Số còn lại 63 văn bia tập trung vào thế kỷ XVII, XVIII triều Lê Trung hưng (Lê - Trịnh).
Trong 6 văn bia không ghi niên đại, có 1 văn bia là Tam bảo thị bi ký hiệu N018198, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Giang đã được TS. Phạm Thị Thùy Vinh căn cứ vào thành phần tham gia công đức xác định là bia được tạo vào đời Lê(3). Còn 2 văn bia là Cầu Đơ thị bi ký, ở Hà Tây và văn bia không tên ở Lý Trai, Nghệ An do bia không ghi niên đại, nên chúng tôi chưa thể xác định được niên đại của văn bản. Ba văn bia hiện ở chợ Mía (chợ Cam Giá) xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có chung một đặc điểm là đều bị đục mất niên đại. Tuy nhiên, căn cứ vào các yếu tố như chữ huý, tên địa danh trên văn bia, chúng tôi đoán định cả 3 văn bia đó đều thuộc triều Lê Trung hưng. Như vậy, số văn bia triều Lê lại được tăng lên với con số là 67, chiếm 77% trong tổng số văn bia chợ.
Khảo sát chi tiết các văn bia, chúng tôi nhận thấy, triều nhà Lê, tính từ Lê - Hoằng Định đến hết triều Lê trải 13 đời vua với 21 niên hiệu thì chỉ có 3 đời vua là không có văn bia chợ, đó là: đời vua Lê Chân Tông niên hiệu Phúc Thái, đời vua Lê đế Duy Phường niên hiệu Vạn Khánh (chỉ tồn tại 1 năm ngắn ngủi), đời vua Lê Mẫn Đế niên hiệu Chiêu Thống (chỉ tồn tại 2 năm), còn lại đời vua nào cũng dựng bia chợ. Chỉ tính riêng niên hiệu Chính Hòa triều vua Lê Hy Tông đã có tới 17 văn bia chợ, trong đó Hải Phòng có 5 văn bia, Hải Dương có 4 văn bia mang niên hiệu này. Các tỉnh khác như Bắc Giang, Hà Tây, Thái Bình có 2 văn bia. Thứ đến là niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông với 14 văn bia, trong đó Hà Nội đã có 4, Hải Dương có 3, Bắc Ninh 2 văn bia. Con số này lại một lần nữa khẳng định rằng ở những tỉnh có truyền thống dựng bia, thì ở thời kỳ nào dựng nhiều bia, những tỉnh đó đều có.
Trong số 88 văn bia chợ, có 33 văn bia chợ Tam bảo. Đặc trưng của loại hình này là chỉ thấy xuất hiện và phát triển nở rộ vào thời Lê - Trịnh, tức là hai thế kỷ XVII và XVIII. Như vậy, nó đã chiếm tới một nửa số văn bia thời Lê. Triều Tây Sơn hiện chưa phát hiện ra văn bia chợ nào. Còn triều nhà Nguyễn, hiện chỉ tìm được 13 văn bia chợ, con số này còn quá khiêm tốn so với triều Lê.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ THỜI PHONG KIẾN ĐƯỢC PHẢN ÁNH QUA VĂN BIA CHỢ
Vấn đề chợ làng và những hoạt động của nó hiện vẫn đang là đề tài thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa làng xã. Cho đến nay, việc dựng lại lịch sử hình thành phát triển chợ của một vùng mới chỉ tiến hành được ở những bước khởi đầu, nguồn tư liệu cụ thể ghi chép về mạng lưới chợ từ đầu thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XX còn rất hiếm hoi. Năm 2002, Trường Viễn đông Bác cổ phối hợp với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia đã cho ra mắt cuốn sách Làng ở vùng châu thổ Sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, trong đó có giới thiệu khá tỉ mỉ về lịch sử hình thành và phát triển của ba chợ làng ở đồng bằng sông Hồng. Đó là các chợ Đông Sàng (Sơn Tây), chợ Tả Thanh Oai (Hà Tây), chợ Mộ Trạch (Hải Dương). Con số đó còn quá ít ỏi so với mạng lưới chợ dày đặc ở nông thôn nước ta từ xưa tới nay. Đi sâu vào khai thác các loại hình chợ, hàng loạt vấn đề đặt ra cho những người nghiên cứu là: mạng lưới phân bố chợ trong từng vùng; qui mô chợ, cách tổ chức xây dựng chợ và những qui định cho việc hoạt động. Trong bài viết này, dựa trên số lượng văn bia ít ỏi, chúng tôi chưa thể đáp ứng đầy đủ mọi vấn đề, chỉ mong có thể khái quát phần nào diện mạo bức tranh chợ quê thời phong kiến nước ta.
2.1. Văn bia chợ phản ánh những hoạt động kinh tế hàng hóa thời phong kiến
Qua một số tư liệu sử để lại, từ xa xưa ở nước ta đã có những chợ buôn bán và giao thương với nước ngoài. Trong sách An Nam tức sự của Trần Phu, một sứ giả phương Bắc đã thấy rõ, ngay từ đời Trần ở thôn quê đâu đâu cũng có chợ: "Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách năm dặm thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn mặt đặt chõng để làm nơi họp chợ"(5). Tư liệu nói về việc mở chợ từ đời Lý - Trần đến Lê sơ thật hiếm hoi, khiến cho việc tìm hiểu về quá trình hình thành mạng lưới chợ nước ta từ khi giành được tự chủ gặp phải không ít khó khăn. Đến thế kỷ XV, lệ lập chợ thời Hồng Đức đã nêu rõ qui định cho mở chợ: "Trong dân gian, hễ có dân thì có chợ để lưu thông hàng hóa của thiên hạ, mở đường giao dịch cho dân"(6). Tuy nhiên, việc mở chợ cũng phải tuân theo những qui tắc nhất định về địa điểm mở chợ, qui mô chợ và những qui định về hàng hóa, thuế má...
a. Diện mạo ngôi chợ:
- Địa điểm mở chợ: có sự tương quan với nhiều yếu tố tự nhiên mang tính khách quan. Cụ thể là, mối tương quan giữa chợ với cầu, sông nước, với đường giao thông, với khu vực một xã, với khu vực một huyện, với chùa... Tìm hiểu số văn bia chợ có niên đại được coi là sớm, chúng tôi thấy rằng, trong số 6 văn bia mang niên hiệu nhà Mạc thì có đến 5 văn bia nói đến việc họp chợ trên cầu, tức là họp chợ một cách tự phát. Tuy nhiên, ở những văn bia có niên đại muộn hơn, địa điểm mở chợ đã mang tính qui hoạch để phù hợp với điều kiện sinh hoạt; vì thế nó được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay, như: chợ Bằng ở huyện Thường Tín, Hà Đông ngày nay vẫn là một chợ lớn trong khu vực; chợ Tó ở huyện Đông Anh nằm ở vị trí tiện lợi con đường huyết mạch đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; chợ Phù Ninh, nay là chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng khắp vùng; chợ Vẽ làng Đông Ngạc nằm gần bờ sông Hồng thuận tiện đường thủy; chợ Cầu Đơ ở Hà Đông, chợ Mía ở Sơn Tây, chợ Cam Giá ở Ninh Bình...
Ở hai tỉnh miền núi là Hòa Bình và Tuyên Quang, việc mở chợ lại diễn ra ở chốn sân đình, nơi có sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cả hai chợ này đều được tổ chức và quản lý một cách chặt chẽ, vì đây vừa là nơi họp chợ, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa dân tộc.
- Qui mô chợ: cũng có sự thay đổi và khởi sắc theo thời gian. Tính đến thời điểm dựng bia, các chợ hầu hết đã dựng được quán bán hàng. Tuy rằng chỉ 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái quán ngói, nhưng nó đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của chợ làng Việt Nam, xóa bỏ dần bức tranh chợ làng với những quán rạ liêu xiêu dột nát. Thậm chí ở nhiều nơi, qui mô chợ được mở rộng thêm để phong phú thêm mặt hàng mua bán. Trường hợp chợ Bằng, nhờ có lệnh chỉ của trên nên được phép mở thêm chợ trâu bò, tiền thuế thu được dùng để sắm biện lễ vật tế lễ ở đền, chùa và tu sửa chùa của thôn. Chợ Cầu Đơ từ trước đã có chợ nhưng muốn mở thêm chợ trâu bò để thuận lòng dân, cũng phải xin với quan trên cho phép. Chợ Bình Đô ở lỵ sở huyện Lập Thạch phải xin với quan huyện cho mở thêm chợ trâu bò, mỗi tháng chỉ được phép họp thêm vào ngày 5 ngày 10.
Việc qui mô chợ làng ngày càng được mở rộng và qui củ đã thể hiện được sự tăng trưởng về kinh tế và nhận thức của người nông dân Việt Nam xưa. Tuy nhiên sự thay đổi này cũng chỉ ì ạch như cỗ xe thồ leo dốc.
b. Hoạt động có tính chất khởi đầu cho nền kinh tế hàng hóa
Nền kinh tế phong kiến vốn chịu sự quản thúc chặt chẽ của các đế chế phong kiến. Từ những việc sưu cao thuế nặng, đến việc ngăn sông cấm chợ, bế quan toả cảng... đã kìm hãm sự phát triển nền kinh tế nước nhà. Việc mạng lưới chợ làng ra đời ở các vùng quê đánh dấu được sự phát triển vượt bậc trong nền kinh tế tiểu nông, đó cũng là bước khởi đầu để người nông dân làm quen với nền kinh tế thị trường. Điểm mang tính khởi đầu chuyên nghiệp chúng tôi muốn nói tới ở đây là những qui định trong hoạt động mở chợ: như qui định phiên chợ, qui định hàng hóa, qui định thuế má và việc buôn bán thành phường hội.
- Qui định chợ phiên: số phiên chợ họp trong một tháng và những ngày qui định cho chợ họp có một ý nghĩa quan trọng trong hoạt động buôn bán của từng vùng nông thôn. Việc họp chợ theo phiên trong một tháng không đơn thuần là theo ý muốn chủ quan của đơn vị lập chợ mà phải tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức chung của mạng lưới chợ trong một vùng, một khu vực, mặc dù ban đầu cơ cấu này chỉ hình thành một cách tự phát. Có rất nhiều văn bia chợ ghi chợ họp theo phiên, trong đó còn ghi ngày phiên cụ thể, như:
+ Chợ Đông Ngạc (chợ Vẽ) mỗi tháng 6 phiên vào ngày 2 ngày 7.
+ Chợ Đông Sàng (chợ Mía) mỗi tháng 6 phiên.
+ Chợ Tó mỗi tháng 6 phiên vào ngày 4 ngày 9.
+ Chợ Hoa Lâm mỗi tháng 6 phiên.
+ Chợ Hậu Trữ thuộc tỉnh Thái Bình mỗi tháng họp 12 phiên vào ngày 1, 4, 6 và ngày 9.
+ Chợ xã Mi Sơn thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng mỗi tháng 6 phiên vào ngày 3 ngày 8.
+ Chợ Phù Ninh (nay là chợ Ninh Hiệp thuộc Gia Lâm, Hà Nội) mỗi tháng 6 phiên vào ngày 3 ngày 8...
Ngoài ra, còn có rất nhiều văn bia chỉ ghi chợ họp theo phiên, nhưng không ghi cụ thể. Sự qui định và điều chỉnh các phiên chợ của hệ thống các chợ lớn trong một vùng rõ ràng tuân theo một qui luật: làm thế nào để các chợ trong một vùng không trùng phiên nhau để trong chu kỳ 10 ngày, ngày nào cũng có phiên chợ họp. Trường hợp chợ Phù Lưu ở Bắc Ninh, vào các ngày phiên chợ làng có dáng dấp như một thị trấn sầm uất. Việc lập nên hệ thống phiên chợ đã thể hiện rõ tính trật tự trong thiết chế làng xã, góp phần điều tiết và bình ổn đời sống nhân dân. Mặt khác, đã thúc đẩy tính năng động trong hoạt động giao thương của người nông dân, giúp họ nhanh chóng tìm cho mình cách ứng xử với thị trường, cho dù chỉ là trong môi trường làng xã.
- Qui định hàng hóa: phạm vi khảo sát trên tư liệu văn bia chợ chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng Bắc bộ, cho nên hàng hóa phản ảnh trên đó cũng mang nét đặc trưng vùng miền. Hàng hóa ở chợ làng là sự thể hiện một cách phong phú những sản phẩm của nông thôn, như: lúa gạo, trầu cau, dầu, muối... với những phường buôn như phường đồ tể, phường hàng dầu, phường hàng nón, hàng gạo. Văn bia Khai thị lập bi tạo năm 1704 tại huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang ghi rõ: ở chợ huyện xã Trung Trật, hễ các mặt hàng lúa, gạo, lợn gà, cau chỉ được bán ở phía nam, phía bắc của chợ, không được bán ở bên trong chợ. Nếu người xã nào coi thường, huyện sẽ luận tra xã đó, bắt phạt cổ tiền 1 quan. Ngoài ra qua thông tin ghi chép trên văn bia, chúng tôi còn được biết có một số chợ buôn bán mặt hàng trâu bò nổi tiếng như, chợ Phượng Hoàng ở Thanh Hóa; chợ Phù Ninh ở Bắc Ninh (nay là chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội); chợ Lý Trai ở Nghệ An; chợ Bình Vọng (chợ Bằng), chợ Cầu Đơ (chợ Đơ) ở Hà Tây; chợ Bình Đô ở Vĩnh Phúc... Văn bia không tên tạo năm 1881 ở Cù Sơn Thượng, Sơn Tây còn ghi chép rất cụ thể những mặt hàng bán ở chợ, như: quán bán nước, bán cơm, quán cho trọ, bán dầu...
Chợ là nơi bán mọi thứ, sự trao đổi diễn ra hết sức tự phát để đáp ứng những nhu cầu cần thiết lúc bấy giờ. Văn bia Hoa Lộc thị bi ký tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) ghi, ở phố Hàng Đào có phường nhuộm ở làng Đan Loan, Hải Dương lên kinh thành lập nghiệp và lưu lại ở đó, thành lập lên phường nhuộm, chuyên bán những mặt hàng về nghề nhuộm. Chợ Yên Thái ở phường Yên Thái, huyện Thọ Xương Hà Nội (nay là phường Bưởi) xưa kia là một chợ lớn chuyên bán giấy. Ở Phố Hiến có rất nhiều chợ và buôn bán nhiều mặt hàng của người Việt Nam cũng như người Hoa, như các chợ: Chợ Hàng Nón, Hàng Cá, Hàng Nồi, Hàng Chén... Sự phong phú dần các mặt hàng ở chợ cũng đồng nghĩa với sự mở rộng sản xuất nông nghiệp. Người ta bán những gì người ta làm ra, sự trao đổi cũng tăng dần lên do mặt hàng phong phú, nhu cầu sinh hoạt nhờ đó được nâng cao, khiến cho đời sống của người nông dân đỡ đi phần cực nhọc.
- Qui định về việc quản lý và thu thuế chợ: ngay từ thời Lê sơ, nhà nước đã có những qui định cho việc mở chợ, tuy không ngặt nghèo chặt chẽ, nhưng cũng phải khám xét xem địa thế và cư dân. Việc làm đó đã góp phần củng cố hệ thống quản lý địa phương, hạn chế sự tự phát của các phường hội cá nhân tự mở chợ và hạch sách lạm thuế. Đối với một số chợ nhỏ ở địa phương làng xã, lệ qui định: “Chợ nhỏ mới họp ở huyện xã thuộc các xứ và bến đò ngang chỉ là nhân dân một xã qua lại, nếu không có lệ ngạch thu thuế thì các người cai quản không được thu thuế”(6).
Tất cả các chợ được phép hoạt động đều phải đóng thuế theo qui định. Tuy nhiên, những qui định về thuế má ở mỗi chợ lại có sự khác nhau. Chợ Phù Ninh trên văn bia Tập thị bi ký tạo năm 1748, ghi việc xã định ra điều lệ: hễ trong tổng ai mua bán trâu bò, người bán phải trình mỗi con 10 văn tiền cổ. Chợ Lý Trai thu 25 quan ở chợ trâu bò dùng vào việc tế tự. Mỗi kỳ tế tự phải nộp 1 con trâu giá 7 quan, 1 con bò giá 3 quan. Còn chợ Bình Vọng, người bán trâu bò phải nộp 15 văn tiền cổ, người mua phải nộp 6 văn; Chợ Cầu Đơ người bán nộp 30 quan, người mua nộp 20 quan... Chợ Bình Vọng và chợ Cầu Đơ thuế đánh cả vào người bán và người mua. Điều này có lẽ nằm trong lệnh cấm giết thịt trâu bò để bảo vệ gia súc mà nhà nước đã ban hành. Chợ Phạm Lâm ở Hải Dương, nguồn thuế thu được lại dùng vào việc cấp dưỡng cho các lãnh binh... Ngoài ra, ở các chợ làng khác, mặc dù trên đã ra lệnh không phải nộp ngạch thuế, song ở các địa phương, các tuần phiên vẫn thu thuế để chi dùng vào những việc công của xã.
Có một vấn đề chúng tôi muốn đề cập trong phần này là chợ Tam bảo (gọi chung là chợ chùa). Như đã trình bày ở phần trên, văn bia chợ Tam bảo phát triển nở rộ vào 2 thế kỷ XVII và XVIII (triều Lê - Trịnh). Ở thời kỳ này, chợ chùa thường được các thế lực tối cao trong xã hội phong kiến đứng ra bảo đảm cho hoạt động và không bị các nha môn hạch sách. Quyền sở hữu của chợ chùa thuộc về nhà chùa, song vẫn phải chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương. Đó là trường hợp chợ Tam bảo chùa Phúc Nham ở Bắc Giang trên văn bia Phúc Nham tự Tam bảo thị bi tạo năm Thịnh Đức thứ 4 (1656). Chợ này trước đây bị các quan lại nha môn cậy mình quyền thế, lạm thu thuế, bắt chẹt người buôn bán. Nhưng về sau, nhờ có các vị Quận công hảo tâm tâu lên trên, nên đã được Đại nguyên soái Thống quốc chính Thanh Vương (Trịnh Sâm) ban cho lệnh chỉ, cho phép ông Cơ giám thu thuế để cung cấp cho việc xây dựng chợ Tam bảo, tu sửa chùa chiền. Từ đó chợ không bị quấy nhiễu thu thuế.
Việc được một thế lực tối cao trong xã hội phong kiến đứng ra bảo đảm cho chợ chùa hoạt động và không bị các nha môn hạch sách có thể thấy rằng thời kì này chợ chùa được ưu đãi đặc biệt. Có thể thấy được điều đó qua một số hiện tượng như sau:
Bà vợ của chúa Trịnh Tráng, Nguyên soái Thống quốc chính Thanh Đô vương quận phu nhân Hồ Thị Ngọc Huynh và Chánh Thái phó Cao quận công nguyên Trấn thủ quan là những người có công đức trong việc xây dựng chợ Tam bảo xã Nghĩa Trang (Thanh Hóa - văn bia Cổ tích thị thí Tam bảo bi). Văn bia Sùng Nghiêm tự thị bi kí tạo năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) ở Sơn Tây ghi chợ Mía họp 6 phiên mỗi tháng và do nhà chùa quản lý để chi phí vào tế lễ hương đèn trong chùa. Về sau, vào năm 1630 nhờ tiền cúng dàng của một cung phi mà người trong vùng quen gọi là bà chúa Mía, rất được chúa Trịnh Tráng sủng ái. Bà cung phi này đã giúp tiền trùng tu chùa Mía mà chợ lại nằm trước cổng chùa, do vậy chợ cũng được các nha môn địa phương vị nể(7). Văn bia Tam bảo thị bi ở Hải Dương, tạo năm 1636 cho biết: Vương thi hành chính lệnh, thực thi nhân nghĩa, chợ chùa không thu thuế, không xét nét thuế má khiến cho hàng hóa có chỗ trao đổi, người buôn có nơi mua bán. Lại đều đưa ra chính sách cho xây dựng chợ búa để nhân dân cùng được hưởng ân huệ...
Ngoài ra, có rất nhiều các quan lại được cấp đất quan lộc đã cúng cho làng làm chợ Tam bảo và bảo lãnh cho chợ chùa hoạt động mà không phải nộp thuế khóa, như trường hợp trên văn bia Cúng Tam bảo thị bi, tạo năm 1663 ở Hà Tây.
Hiện tượng “cắt đất cho chùa làm Tam bảo”, hay “cúng cho chùa làm Tam bảo” để được miễn thuế là một hiện tượng phổ biến trong 2 thế kỷ XVII và XVIII. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vào thời kỳ này, các hoạt động của chúa Trịnh xoay quanh việc tạo lập tu bổ chùa chiền và thường nhằm vào những nơi danh lam thắng cảnh cốt để nhàn du tiêu khiển. Nhưng sau này, người ta thấy rằng đó cũng xuất phát từ chỗ hâm mộ và tôn sùng đạo Phật(8). Do vậy đây là một lợi thế để chợ chùa hoạt động được thuận tiện mà không bị các quan lại địa phương hách dịch hay quấy phá.
- Hình thức buôn bán thành phường hội: phường là hình thức hợp tác của những người sản xuất nhỏ, là đơn vị kinh tế xã hội dựa trên lợi ích nghề nghiệp có tính chất tự nguyện và bình đẳng. Những phường buôn bán này có những qui định cụ thể gọi là phường lệ để ràng buộc những người cùng nghề. Sự xuất hiện của phường buôn bán trên văn bia đã góp phần ghi nhận sự phát triển trong nền kinh tế hàng hóa của nước ta. Ở Bắc Giang có chợ Ngâm Điền trên văn bia Ngâm Điền thị bi tạo năm 1691 ghi tên các Hội chủ phường đồ tể (đồ tể phường) hưng công xây dựng chợ. Trên văn bia tạo năm 1881 ở Quốc Oai, Sơn Tây có ghi rõ các phường buôn như phường Hàng Bông, phường bán chiếu, bán cau, bán rượu, bán thuốc v.v. Chợ Phạm Lâm ở Hải Dương trên văn bia Phạm Lâm thị bi ký tạo năm 1881, ghi các phường buôn bán như phường Nón, phường Thợ Nhuộm, phường Nan, phường Dầu, phường Vải...
Với cơ cấu tổ chức nhỏ bé của chợ thì việc ra đời của các phường buôn như thế đã bước đầu thấy được sự phân công lao động và hình thành tính buôn bán chuyên nghiệp trong xã hội nước ta thời phong kiến.
Ở Phố Hiến, có một số văn bia không phải là bia chợ nhưng có nói sơ qua về các phường buôn bán ở đây, như bia Công đức bi ký, ký hiệu N026890-26891 tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) ở chùa Chuông, có ghi đóng góp công đức của các phường Hàng Bè, Hàng Sũ, Hàng Thịt, Cầu Gỗ...; Ở chùa Thiên Ứng (chùa Hiến) cũng có văn bia ghi công đức đóng góp đúc chuông, tô tượng thờ, nhưng lại có vài chi tiết đáng chú ý là bia không ghi phường như bia ở chùa Chuông, mà lại ghi là thị, như: Cựu Đê thị, Ngoại Đê thị, Hậu Bi thị, Hàng Giường thị, Nồi Đất thị, Hàng Chén thị, Nón Hoa thị, Hà Khẩu thị... Những tấm bia này đã lưu lại tên gọi của một số phường buôn bán ở Phố Hiến hồi đầu thế kỷ XVIII. Dù sao, đây cũng là những tư liệu quý ghi lại sự hưng thịnh phồn hoa của một đô thị cổ buôn bán sấm uất "thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì Phố Hiến" của nước ta vào thế kỷ XVII - XVIII.
2.2. Phản ánh những sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác
- Sự tranh giành, kiện cáo và giải quyết các mâu thuẫn:
Thời kỳ nào cũng vậy, sự tranh giành kiện cáo, rồi mâu thuẫn phát sinh chung quy đều xuất phát từ chữ lợi. Giải quyết được vấn đề này tức là phải mang lại lợi ích cho một phía nào đó mà phía kia phải nể phục và chấp hành. Một số văn bia chợ đã phản ánh tình hình này rất cụ thể, chẳng hạn văn bia Đông Ngạc xã thị bi tạo năm Sùng Khang đời nhà Mạc phản ánh vấn đề này như sau: Xã Đông Ngạc và xã Thụy Hương vốn liền ngay nhau, mà Đông Ngạc đã có ngạch cũ về họp chợ, còn Thụy Hương chỉ dựa vào bằng cớ xa xôi, cũng họp chợ cạnh tranh với Đông Ngạc, chẳng những trái lệ mà còn gây sự tranh giành. Về sau các quan lại nha môn phải đến khám xét và quyết định cho xã Đông Ngạc trở lại họp chợ như thường để dân chợ được tiện mua bán, xã Thụy Hương không có ngạch chợ thì phải dừng họp chợ.
Về sau, nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra và đều phải nhờ quan trên phán xử, giải quyết và trao lại quyền sở hữu họp chợ cho các xã đã có ngạch chợ cũ, như trường hợp hai xã Cổ Loa và Dục Tú tranh chấp khu đất chợ Cầu Sa trên văn bia Tạo lập thạch bi N02589-2592 tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708) ở huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay là Đông Anh, Hà Nội).
Hiện tượng như vậy cũng diễn ra ở xã Lực Hành trên văn bia Văn từ bi ký N010997, tạo năm Gia Long thứ 12 (1813) ở huyện An Hải, Hải Phòng.
Từ những sự việc trên, chúng ta nhận thấy: chợ đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm chợ cũng nảy sinh từ nhu cầu và quyền lợi đó. Chính vì vậy mà ngay từ khi mới lập chợ, nhiều nơi đã định ra những điều lệ, những khoán ước rõ ràng để khỏi tranh chấp về sau, như trường hợp chợ ở hai tỉnh miền núi Hòa Bình và Tuyên Quang, chợ Cầu Qui ở Phúc Yên...
- Nét sinh hoạt văn hóa làng quê thông qua việc mở chợ:
Trong xã hội nông thôn Việt Nam thời phong kiến, mỗi làng xã, mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế mang tính tự cung tự cấp, tự đáp ứng và tự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt của từng thành viên. Cho nên có thể thấy rằng, nơi liên hệ kinh tế, văn hóa, xã hội thường xuyên giữa các làng chính là chợ. Ngoài chức năng chính là trao đổi hàng hóa, mua bán sản phẩm, chợ còn là nơi giao lưu thông tin kinh tế, xã hội, thậm chí cả chính trị của cả vùng. Với môi trường như vậy, chợ làng đã góp phần củng cố mối liên hệ cộng đồng rất lớn, là sợi dây cố kết tập thể cư dân của nhiều xã trong một vùng, bước qua những rào cản phong kiến của lệ làng hà khắc.
Trên văn bia Môn nha thị soạn năm 1709 ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã ghi: tứ phương buôn bán thông hành, tài vật tụ hội la liệt. Người người kéo đến, dần dần như mây họp sao đàn; vật vật đổi trao, nườm nượp của trao tiền trả.
Việc mở chợ kéo theo đó là việc đặt ra lệ chợ, lệ làng với tính qui mô, tổ chức được hình thành. Văn bia Khai thị lập bi N09017-9018 ở xã Trung Trật, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã ghi cụ thể việc bầu Trùm trưởng trông coi chợ và định ra 7 điều lệ qui định để giữ gìn trật tự và thuần phong làng xã. Chẳng hạn có điều qui định: chợ huyện nằm tại địa phận trung tâm, đến phiên xã nào trông coi nếu có ai say rượu phá phách sẽ bắt giải nộp lên huyện.
Văn bia Nhị xã cộng luận hội thị bi ký ghi 6 điều lệ qui định cho hai xã có chợ chung phải chấp hành, trong đó có điều: hai xã có chợ mới lập, nếu người nào đến chợ mà nói năng bậy bạ, chửi bới ầm ĩ với người ngoài làng vào chợ, hoặc có ai nhổ bã trầu bừa bãi, sẽ báo với người coi chợ, hai xã sẽ điều tra thực trạng. Nếu bắt được sẽ bắt phạt, không nể tình. Lệ đặt ra nhắc nhở quan viên 2 xã phải thường xuyên răn đe mọi người. Nếu người nào vào chợ uống rượu say, nói năng bừa bãi, đánh nhau, hoặc có người nào cậy mình quyền quý phạm pháp, làm điều sai trái, 2 xã sẽ cùng điều tra thực trạng và bắt phải chịu phạt. Ngoài ra có rất nhiều văn bia chợ khác cũng phản ánh cụ thể vấn đề này.
Ngoài việc trao đổi buôn bán, việc mở chợ còn tạo ra sự thuận hòa giữa các vùng. Hai xã Côi Trì và Yên Mô nguyên có hiềm khích, tranh giành ranh giới. Nhờ có ông Ninh Hy Tăng(9) đứng ra giải quyết tranh chấp, biến vùng đất giáp giới thành vùng tương nhượng và lập chợ ở đó. Thấy được sự tiện lợi, dân 2 xã đã hòa hợp trở lại, còn quyên góp đất đai để mở rộng thêm chợ khiến cho việc buôn bán tấp nập hơn. Việc giải quyết tranh chấp và mở chợ ở đây được coi là “biến oán thành đức, hợp dị thành đồng”.
Những điều lệ qui định ở chợ nằm trong lệ làng, tạo thành sợi dây liên kết những mối quan hệ, nhằm làm đẹp thuần phong mĩ tục ở làng quê, tạo nên cái gọi là văn hóa chợ. Việc định ra những điều lệ ở chợ đã nói lên phần nào tính qui củ, trật tự của ngôi chợ làng, góp phần làm lành mạnh xã hội, hướng nhân dân đến chỗ chân, thiện, mĩ.
Với những tỉnh miền núi, chợ còn là điểm giao hòa về tín ngưỡng tôn giáo, về tình cảm cộng đồng. Ở miền núi phía bắc hiện vẫn còn chợ tình Sa Pa (Lào Cai), chợ tình Khau Vai (Hà Giang). Hàng năm có một ngày chợ phiên để người ta gặp nhau, trao đổi tình cảm, hàng hóa, nét đẹp này có lẽ không bao giờ mất.
Tóm lại, chúng tôi đã trình bày những nét chính về văn bia chợ ở Việt Nam và những nội dung phản ánh liên quan đến việc mở chợ, liên quan đến sự phát triển bước đầu của nền kinh tế hàng hóa Việt Nam thời phong kiến. Thiết nghĩ, mảng tư liệu của văn bia chợ sẽ có giá trị đích thực, bổ sung cho công tác nghiên cứu của các nhà chuyên môn.
Th.S. ĐỖ THỊ BÍCH TUYỂN - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Chú thích:
(1) Phêđôrin: Hệ phương pháp và một vài thống kê tư liệu văn bia Việt Nam khi
nghiên cứu lịch sử xã hội, bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1992.
(2) Trần Kim Anh: Bia chợ xã Đông Ngạc, thêm một bài văn bia thời Mạc, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2001.
(3) Phạm Thùy Vinh: Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã, Nxb. KHXH, H.2002.
(4) Một bức ký họa về xã hội nước ta thời Trần, bài “An Nam tức sự”, Trần Nghĩa dịch, Tạp chí Văn học, số 1/1972.
(5) (6) Hồng Đức thiện chính, bản dịch đánh máy, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(7) Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, H. 2002.
(8) Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, Nxb. KHXH, H. 1988.
(9) Ông Ninh Hy Tăng là ông nội của tác gia Hán Nôm Ninh Tốn.