Trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi vẫn được coi là “xưa nhất và hay vào bậc nhất”(1), xứng đáng là “tác phẩm mở đầu của nền thơ cổ điển Việt Nam”(2). Kể từ công trình phiên âm, chú giải lần đầu tiên của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm: Quốc âm thi tập trong Ức Trai di tập (Nxb. Văn Sử Địa, H. 1956); đến nay, tập thơ đã luôn luôn thu hút được sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Bên cạnh các bài nghiên cứu, tìm hiểu giá trị văn chương hoặc góp phần giải mã về âm và nghĩa của tác phẩm đã lần lượt xuất hiện những công trình phiên khảo khác như: Quốc âm thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập của Đào Duy Anh (Nxb. KHXH, H. 1969), Thơ quốc âm Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên (Nxb. Giáo dục, H. 1994), Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập của Vũ Văn Kính (Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1995), Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi của Nguyễn Thạch Giang (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000). Ngoài ra, còn có bản dịch Quốc âm thi tập sang tiếng Pháp của học giả Paul Schneider (PS.): Nguyễn Trãi et son recueil de poèmes en langue nationale. Paris - 1987 (Nguyễn Trãi và tập thơ quốc âm của ông. P- 1987). Bản in Quốc âm thi tập mới nhất hiện nay là ở tập III Nguyễn Trãi toàn tập - Tân biên(3) (gọi tắt là bản Tân biên). Từ khi ra đời, Tân biên đã được độc giả trong nước hồ hởi đón nhận và các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao: “Ở bản này, nguyên bản Nôm mới được in ấn minh bạch đến từng bài thơ, việc khảo dị văn bản, giải mã chữ nghĩa cũng được tiến hành nghiêm túc, khá phong phú về cứ liệu, rất chú mục tính hệ thống, nên vừa tiếp thu được nhiều thành tựu của người đi trước, vừa có thêm được một số phát hiện mới đáng ghi nhận”(4)… So với các bản phiên khảo trước đây, Tân biên quả có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, thể theo ý kiến của các nhà biên soạn: “Khi dùng bản phiên âm này, nếu quý vị thấy còn nhiều chỗ chưa vừa ý, thấy cần bàn bạc lại thì chúng tôi cho là đương nhiên và rất lấy làm thú vị khi được trao đổi thêm”(5), chúng tôi cũng xin mạnh dạn nêu lên một số trường hợp có tính chất cá biệt mà chủ quan chúng tôi cho rằng cần phiên âm hoặc chú thích lại cho chính xác hơn.
1. Những chữ Nôm ghi từ thông dụng
+ Chữ 罢+由 (bãi + do) phiên là “hỏi” trong câu:
Động tĩnh nào ai chẳng hỏi thầy.
(Mạn thuật 3, tr.690)
Ở đây nên phiên là “bởi” như bản phiên âm của Vũ Văn Kính thì hợp lý hơn. Còn nếu phiên là “hỏi” thì chữ Nôm thường ghi là ????(khẩu + hải). Ví dụ:
Sự thế dữ lành ai hỏi đến.
(Ngôn chí 5, tr.647).
+ Chữ 丹 (âm HV: đan) phiên là “son” trong những câu:
Dãi lòng son nhật nguyệt thâu.
(Trần tình 4, tr.727).
Lòng một tấc son còn nhớ chúa.
(Trần tình 7, tr.736).
Nhớ chúa lòng còn son một tấc.
(Bảo kính cảnh giới 38, tr.1015).
Chữ Nôm viết “đan” có nghĩa là “son”. Các bản phiên âm của Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, PS., Bùi Văn Nguyên đều phiên là “đan” chúng tôi cho là hợp lý, bởi đây là hình thức vay mượn từ Hán Việt. Còn nếu phiên là “son” thì chữ Nôm lại ghi bằng ????(chu + luân) như:
Cương thường khôn biến tấc son.
(Tự thán 17, tr.836).
Đen gần mực, đỏ gần son.
(Bảo kính cảnh giới, tr.981).
Trong hai cách ghi như trên thì “đan” có trước, “son” có sau, đúng như các tác giả đã nhận xét: “đan” là hình thức viết cổ của “son”. Sở dĩ có hai cách ghi như trên là bởi Quốc âm thi tập tuy xuất hiện vào thời Lê nhưng văn bản lại được sưu tầm và in ấn vào thời Nguyễn, nên bên cạnh chữ Nôm thời Lê còn có cả những chữ Nôm thời Nguyễn.
+ Chữ 細(âm HV: tế) phiên là “đến” trong câu:
Lều tiện Nhan Uyên tìm đến đỗ.
(Thuật hứng 12, tr.733).
Các bản phiên âm của Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính phiên là “tới” đúng hơn, bởi nếu phiên là “đến” thì chữ Nôm lại viết 典 (âm HV: điển) hoặc 旦(âm HV: đán). Ví dụ:
Thị phi nào đến cõi yên hà.
(Ngôn chí 3, tr 643).
Giơ tay áo đến tùng lâm
(Ngôn chí 4, tr 645)
+ Hai chữ艹/了囂 phiên là “đìu hiu” trong câu:
Đìu hiu ta hãy một đìu hiu.
(Thuật hứng 22, tr.796).
Theo chúng tôi nên phiên là “liu hiu” (hoang vắng, cô quạnh) bởi chữ 艹/了bao gồm (bộ thảo + liễu biểu âm). Cách ghi và phiên âm như vậy đã từng thấy ở Thiên Nam ngữ lục (TNNL)(6):
Liu hiu ngoài cảnh thiền thiên,
Thuở trưa tước khóc, thuở đêm quyên sầu.
(câu 1369 - 1370).
Người ta cám cảnh muôn nghìn,
Liu hiu mọn mọn ở bên nẻo đường.
(câu 1373 - 1374).
Còn nếu phiên âm là “đìu hiu” thì chữ Nôm lại viết 條 囂(âm HV: điều hiêu):
Đìu hiu ta hãy một đìu hiu.
(Bạch Vân quốc ngữ thi, bài 73).
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
(Chinh phụ ngâm).
+ Chữ 究 (âm HV: đam vt) phiên là “bông” trong câu:
Bích đào đã mấy phát bông hoa.
(Tự thuật 7, tr.911).
Soạn giả chú thích: “… cả câu phải hiểu là bích đào đã phát (nảy) mấy bông hoa?”. Theo chúng tôi, ở đây nên phiên là “đâm”, hoặc “đơm” như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, PS., Bùi Văn Nguyên, Vũ Văn Kính. Chính tác giả Tân biên cũng đã công nhận cách phiên âm với cách ghi như vậy ở trong câu:
Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm,
Có mấy bầu sương nhụy mới đâm.
(Cúc, tr.1166).
Còn nếu phiên là “bông” thì chữ Nôm thường viết là 芃(thảo + phong).
+ Chữ 強 phiên là “cưỡng” trong câu:
Thế gian đường hiểm há chăng hay,
Cưỡng còn đi ấy thác vay.
(Tự thuật 1, tr.897).
Soạn giả chú thích: “cưỡng còn đi là cứ cố mà đi…” Theo chúng tôi, chữ này có âm Hán Việt là “cường, cưỡng” nên phiên là “gượng” với nghĩa là “gượng gạo, làm việc gì trái với ý muốn”(7). Ví dụ:
Ngàn dặm xem mây nhớ quê,
Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về.
(Bảo kính cảnh giới, tr.944).
Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.
(Truyện Kiều, câu 1863-1864).
Trong khi tạo chữ Nôm, người ta thường dùng những chữ Hán có âm đầu / k / để biểu thị âm đầu /g/ tiếng Việt, như dùng “các” ghi “gác”, dùng “cải” ghi “gửi”… là do hệ thống ngữ âm Hán Việt không có âm đầu /g/ và nguyên nhân chủ yếu của /k/ chuyển thành /g/ là do qui luật hữu thanh hóa của tiếng Việt.
+ Chữ 濫 (âm HV: lạm) phiên là “thành” trong câu:
Ghê thay biến bạc thành đen.
(Tức sự 2, tr.928)
Ở đây nên phiên là “làm” (mượn âm chữ “lạm”). Cách ghi này cũng thường gặp trong Tân biên. Ví dụ trong bài Bảo kính cảnh giới 22:
Chớ lấy hại người làm tri kỷ (câu 5).
Tay ai thì lại làm nuôi miệng (câu 7).
Làm biếng ngồi ăn lở núi non (câu 8).
+ Chữ 閑 (âm HV: nhàn) phiên là “hèn” trong câu:
Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa,
Tạc tỉnh canh điền tự tại hèn.
(Tức sự 13, tr.961)
Trường hợp này, theo chúng tôi nên phiên là “nhàn” và hiểu với nghĩa là “nhàn hạ” như các bản phiên âm của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh, PS. và Vũ Văn Kính thì hợp lý hơn.
- Chữ 炪(hỏa + xuất) phiên là “chuốt” trong câu:
Chuốt lòng đan chăng bén tục.
(Bảo kính cảnh giới 5, câu 946).
Theo chúng tôi nên phiên là“đốt”, ví dụ:
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
(Truyện Kiều, câu 742).
Còn nếu phiên là “chuốt” thì chữ Nôm lại ghi là 捽hoặc Ví dụ:
Mụ càng tô lục chuốt hồng.
(Truyện Kiều, câu 1305).
Mọc răng đã chí là đời chuốt trao.
(TNNL, câu 508).
- Chữ 間 (âm HV: gian) phiên là “gian” trong câu:
Ba gian nhà cỏ đất Nam Dương.
(Bảo kính cảnh giới 30, tr.999)
Có ý kiến cho rằng âm “gian” chỉ hình thành ở thế kỷ XVII, còn ở thời Nguyễn Trãi, chữ “gian” còn đọc là [kjan] hợp với âm “căn” sau này(8). Vậy theo chúng tôi nên phiên là “căn” như ở trong câu:
Góc thành nam lều một căn.
(Thủ vĩ ngâm, tr 632).
- Chữ (thị + diêm) phiên là “lẽ” trong câu:
Cùng đạt lẽ hay này có mệnh.
(Bảo kính cảnh giới 36, tr.1011).
Soạn giả chú thích: “Biết cùng và đạt là do số mệnh, vậy cứ mặc cho máy tạo hoá xoay vần theo lẽ tự nhiên”. Trường hợp này, theo chúng tôi nên phiên là “dòm”. Cách ghi và phiên âm như vậy có thể tìm thấy ở nhiều ví dụ khác:
Bạng duật đôi co thể ngại dòm.
(Hồng Đức quốc âm thi tập. Vịnh ngư)
Dòm hậu Hùng nghiệp trễ tràng.
(TNNL, câu 515).
Dòm xem trong nước Nam ta.
(TNNL, câu 2001).
Rày dòm nhà bắc, mai rình nhà nam.
(TNNL, câu 7358).
Ngồi trong cầm ống dòm trời.
(TNNL, câu 7949).
Còn nếu phiên là “lẽ” thì chữ Nôm lại ghi là 礼里(lễ + lý), ví dụ:
Lẽ nào mà chẳng nở hoa,
Lẽ nào mà chẳng rườm rà trước sau.
(TNNL câu 839 - 840).
- Chữ ???? (nhục + mã) phiên là “mặt” trong câu:
Hễ kẻ danh thơm hay được phúc,
Mấy người mặt đỏ phải nhiều lần.
(Bảo kính cảnh giới 48, tr.1035)
Theo chúng tôi nên phiên là “má”, bởi nếu phiên là “mặt” thì chữ Nôm thường viết là ????(mạt + diện) như những câu:
Quyển thi thư những màng quen mặt (Tự thán 14, tr.830).
Chim đậu tổ nhìn còn biết mặt.
(Tức sự 1, tr.924).
- Chữ 腰 (âm HV: yêu) phiên là “ưa” trong câu:
Thế sự trai ưa thiếp mọn,
Nhân tình gái nhớ chồng xưa.
(Bảo kính cảnh giới 52, tr.1043).
Hai câu này là do tục ngữ: “Trai yêu vợ bé, gái nhớ chồng xưa”, theo chúng tôi nên phiên là “yêu” như trong câu:
Yêu trọng người dưng là của cải.
(Bảo kính cảnh giới 18, tr.975).
Còn nếu phiên là “ưa” thì chữ Nôm thường viết 於 (âm HV: ư). Ví dụ:
Quê cũ ưa làm chủ cúc thông.
(Thuật hứng 5, tr.754).
Ưa mày vì tiết sạch hơn người.
(Mai thi, tr.1136).
- Chữ (khẩu + ma + lệ) phiên là “rày” trong câu:
Này rày nhắn bảo khách bàng quan.
(Bảo kính cảnh giới 58, tr.1055)
Theo chúng tôi nên phiên là “lời”, bởi nếu phiên là “rày” thì chữ Nôm lại ghi là (nhật + lệ) như trong câu:
Rày liễu đã rủ tơ mềm.
(Tích cảnh thi, tr.1085).
Hoặc trong TNNL:
Bi hùng điềm ấy sinh trăm trứng rày.
(câu 142).
Đã kiêm phúc thọ lại rày đa nam.
(câu 148)
+ Chữ 劫phiên là “kiếp” (kiếp người, đời người) trong câu:
Kiếp thiếu niên đi, thương đến tuổi,
Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân.
(Vãn xuân, tr.1075).
Chữ Nôm ở đây có âm Hán Việt là “kiếp”, nên phiên lại là “cướp” như trong Lời dẫn (tr.604-605) cho phù hợp với nghĩa: “thương tiếc tuổi xuân qua mau như là cướp cái tuổi thiếu niên đi… Vì thế muốn gọi cái khí dương xuân lại, ngõ hầu mà dừng chân lâu lâu tại đó để hưởng khí xuân”.
+ Chữ 許(âm HV: hứa) phiên là “ở” trong câu:
Phương Sóc lân la đã ở cơ.
(Đào hoa thi 6, tr.1151).
Theo chúng tôi nên phiên là “hở”, bởi nếu phiên là “ở” thì chữ Nôm thường viết 於(âm HV: ư) như trong những câu:
Tôi Đường Ngu ở đất Đường Ngu.
(Trần tình 7, tr.736).
Ở đài các giữ lòng Bao Chửng.
(Bảo kính cảnh giới 61, tr.1061).
+ Chữ 所phiên âm là “thửa” trong câu:
Dài hàm nhọn mũi cứng lông,
Được dưỡng vì chưng có thửa dùng.
(Trư, tr.1192).
Đây là chữ Nôm giả tá, mượn âm Hán Việt, nên phiên là “chước” (mưu kế) như ở trong câu:
Quốc phú binh cường chăng có chước,
Bằng tôi nào thửa ích chưng dân.
(Trần tình 1, tr.719).
Còn nếu phiên là “thửa” thì chữ Nôm lại ghi bằng 所 (âm HV: sở). Ví dụ:
Ai thấy Di Tề có thửa tranh.
(Tự thuật 2, tr 899).
Lều tiện qua ngày yên thửa phận.
(Tự thuật 8, tr 914).
+ Chữ lê????(chích + lễ), phiên là “rẽ” và chú thích là “riêng rẽ, một cành mọc riêng rẽ, rẽ ngang ra” trong câu:
Lại có một cành ngoài ấy rẽ,
Bóng thưa ánh nước động người vay.
(Mai thi 2, tr.1138).
Theo chúng tôi nên phiên là “lẻ” (lẻ loi), còn nếu phiên là “rẽ” thì chữ Nôm lại viết ????(lễ + phân) như trong TNNL:
Nàng đâm hoàng việt binh hòa rẽ đôi.
(câu 1700).
Mái chèo rẽ nước, cờ che ngất trời .
(câu 4900).
Tóc mây bên rẽ, da ngà phấn tô.
(câu 6924).
2.Những chữ Nôm ghi từ cổ
- Chữ 瀉 (âm HV: tả) phiên là “dã” hoặc “tả” như:
Dã lòng phiền thơ bốn câu.
(Thuật hứng 13, tr.775).
Tả lòng sầu chén tử hà.
(Tự thuật 3, tr.901).
Theo chúng tôi nên phiên thống nhất là “tả” như Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Bùi Văn Nguyên, Vũ Văn Kính thì hợp lý hơn. Vương Lộc giải thích: “tả: làm giảm, làm cho mất đi nỗi buồn phiền”(9). Ví dụ:
Tả lòng phiền thơ tám câu.
(Bạch Vân quốc ngữ thi, bài 113).
Thấy con cho tả thửa lòng nhớ em.
(TNNL, câu 898).
+ Chữ 所(âm HV: sở” phiên là “thuở” trong câu:
Thiên công nào có thuở tư che.
(Tự thán 3, tr.808).
Ở đây nên phiên là “thửa” với nghĩa “từ cổ dùng để chỉ cái gì”, hoặc để thay cho người, sự vật đã nói ở trên”(10). Cách ghi và phiên âm như vậy còn có thể tìm thấy ở khá nhiều ví dụ khác:
Thửa nơi xuất xử đâu là phải.
(Bạch Vân, bài 7).
Đã nên thửa nghĩa tao khang.
(Thiên Nam ngữ lục, câu 849).
Bốn xin vẹn vẹn thửa công lênh này.
(Thiên Nam ngữ lục, câu 1638).
Thửa công đức ấy ai bằng.
(Truyện Kiều, câu 2687).
Còn phiên là “thuở” (từ dùng để chỉ thời gian: khi, lúc) thì chữ Nôm lại viết 課(âm HV: khóa), ví dụ:
Một phút thanh nhàn trong thuở ấy.
(Ngôn chí 15, tr.671).
Vầng nguyệt lên thuở nước cường
(Trần tình 6, tr.733).
+ Chữ 盎(âm HV: áng) phiên là “đám” trong câu:
Đám cúc thông quen vầy bầu bạn.
(Tự thán 5, tr.812).
Chúng tôi nghĩ nên phiên là “áng” (đám) như các bản phiên âm của Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, PS. và Vũ Văn Kính. Ví dụ:
Áng cúc lan xen vãi đậu kê.
(Thuật hứng 3, tr.748).
Áng phồn hoa họp mấy trăm đời.
(Tự thán 15, tr.832).
Áng công danh xem trễ nải.
(Bạch Vân quốc ngữ thi, b18).
Chúa tôi một áng vầy đoàn.
(TNNL, câu 6549).
Thờ ơ áng lợi nền danh.
(Nhị độ mai, câu 623).
Lòng còn gửi áng mây vàng.
(Truyện Kiều, câu 1319).
- Chữ 某(âm HV: mỗ) phiên là “mấy” trong câu:
Thoi nhật nguyệt đưa qua mấy phút.
(Tự thán 15, tr.832)
Chúng tôi nghĩ nên phiên là “mỗ” (từ chỉ số lượng ít, mảy, chút)(11) như các bản phiên âm của Trần Văn Giáp, PS. và Vũ Văn Kính. Ví dụ trong TNNL:
Lớn sao chẳng lớn mỗ phân (câu 253)
Tóc tơ chút chẳng đa mang mỗ phần
(câu 6028)
Khách Sở nàng Tần chẳng khỏi mỗ ly
(câu 5056)
Còn phiên là “mấy” thì chữ Nôm lại ghi là (chữ nhân trên chữ thủy) (12). Ví dụ:
Mấy người ngày nọ thi đỗ.
(Ngôn chí 2, tr 641).
Mấy đứa ngư tiều bầu bạn thân.
(Tự thán 32, tr 872).
+ Chữ 午(âm HV: ngọ) phiên âm là “ngộ” và chú thích: “thông minh, thường vẫn nói là thông minh dĩnh ngộ” trong câu:
Tài tuy chẳng ngộ chí chẳng cao.
(Tự thán 19, tr 840).
Theo chúng tôi nên phiên là “ngõ” (từ cổ có nghĩa là: khôn, giỏi, thông minh)(13) như trong những câu:
Dâu lành rể ngõ.
(Truyền kỳ mạn lục - Truyện Trà đồng giáng sinh).
Khen thì nên ngõ, chê nên dại.
(Bạch Vân quốc ngữ thi, bài 6).
Khoe khoang trí ngõ hơn người.
(TNNL, câu 3111).
Tục ngữ có câu: “Có tài có ngõ, hãy đọ cùng nhau”. Từ điển Việt - La tinh của Pierre Pigneaux de Behaine cũng chú thích “Đua ngõ: thi nhau về khôn khéo và khôn ngoan”.
- Chữ 辰(âm HV: thìn) phiên là “gìn” hoặc “thìn” trong những câu:
Hết kính hết gìn bề tiến thoái.
(Tự giới, tr.396).
Hòa người gìn được thói cha ông.
(Bảo kính cảnh giới 3, tr.942).
Sự nghiệp tua thìn phải đạo trung.
(Bảo kính cảnh giới 5, tr.946).
Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn.
(Tích cảnh 3, tr.1086).
Theo chúng tôi nên phiên thống nhất là “thìn” (giữ gìn) như các bản phiên âm của Trần Văn Giáp, Vũ Văn Kính. Chữ này cũng thường gặp trong các văn bản Nôm cổ:
Đường thế tua thìn nỗi gió mưa.
(Hồng Đức, Nhân đạo, b.28).
Chữ tín tua thìn chẳng chút sai.
(Bạch Vân, b.151).
Thìn lòng tích đức tu nhân.
(TNNL, câu 2247).
+ Chữ 渚(âm HV: chử) phiên là “giữ” trong những câu:
Giữ được khô khao có thuở dào.
(Thuật hứng 21, tr.794).
Làm người thì giữ đạo trung dung.
(Tự giới, tr.936).
Nhân nghĩa trung cần giữ tích ninh.
(Bảo kính cảnh giới 3, tr.944).
Theo chúng tôi nên phiên là “chử” (Tày, Nùng: ghi nhớ)(14). Ví dụ:
Một lời mà chử muôn đời.
(TNNL, câu 427).
Khuyên người chử dạ cho bền thảo ngay.
(Lục Vân Tiên, câu 1686).
Khiến ta chử dạ chưa quên.
(Dương Từ Hà Mậu, câu 1359).
Riêng câu thứ ba soạn giả chú thích: “Tích ninh: từ Hán, có nghĩa là sự bình yên lâu dài. Cả câu hiểu là: nếu nhân nghĩa trung cần thì giữ được sự bình yên lâu dài”. Thực ra, “tích ninh” là một từ cổ, có nghĩa “cẩn thận, kỹ càng(15), ví dụ: Trước sau dặn hết tích ninh (TNNL, câu 5455). Vì vậy, theo chúng tôi cả câu nên hiểu là: “Điều nhân nghĩa trung cần phải ghi nhớ cẩn thận, kỹ càng”.
+ Chữ 詠 phiên là “vịnh” trong câu:
No nao biết được lòng tri kỷ,
Vịnh non tây nguyệt một vầng.
(Bảo kính cảnh giới, tr.1007).
Trường hợp này có âm Hán Việt “vịnh”, chúng tôi nghĩ nên phiên là “vạnh” (vành vạnh) như bản phiên âm của Vũ Văn Kính. Ví dụ: “Mặt son vạnh tựa Hằng Nga (TNNL, câu 6923). Như vậy, cả hai câu có nghĩa: “Đến khi nào mới có người biết được lòng tri kỷ (của ông)? Duy chỉ có vừng trăng tròn vành vạnh ở núi phía tây mà thôi”.
Phiên âm, chú thích một tác phẩm lớn viết bằng chữ Nôm cách đây trên năm thế kỷ như Quốc âm thi tập quả là một công việc hết sức khó khăn phức tạp, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải không ngừng tìm tòi, khám phá mới có thể “giữ nguyên được về hình thức và nội dung, ý đồ sáng tác của người xưa cũng như màu sắc lịch sử của bản thân tác phẩm”(16). Nhờ có sự cố gắng không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu hàng đầu mà khá nhiều vấn đề văn bản học của tác phẩm đã được giải quyết. Đọc Quốc âm thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, chúng ta vui mừng nhận thấy các chuyên gia Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê đã cung cấp cho độc giả yêu thích thơ Nôm Nguyễn Trãi một công trình phiên khảo quý giá “hơn hẳn các ấn phẩm cùng loại trước đây cả về diện mạo, tính chất”(17). Những ví dụ mà chúng tôi vừa nêu trên đây chỉ là những hạt sạn nhỏ trong một công trình lớn, rất mong được đóng góp một chút tư liệu ngõ hầu có thể giúp ích cho lần tái bản sau.
TS. NGUYỄN THỊ LÂM - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Chú thích:
(1) (4): Bùi Duy Tân: Khảo và luận một số thể loại tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, T2, Nxb. Đại học quốc gia, H. 2001, tr.214 và 216.
(2). Xuân Diệu: Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu của nền thơ cổ điển Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1980.
(3) Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. Mai Quốc Liên chủ biên, Nxb. Văn học & Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2000.
(5) Lời dẫn về việc phiên âm chú thích Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, sđd, tr.631).
(6) Thiên Nam ngữ lục. Nguyễn Lương Ngọc - Đinh Gia Khánh phiên âm chú thích và giới thiệu, Nxb. Văn hóa, 1968.
(7) Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1967, tr 462.
(8), (16) Nguyễn Ngọc San: Để khắc phục tình hình phiên âm chưa chính xác các tác phẩm Nôm. Thông báo Hán Nôm học 1998, tr.370.
(9), (10), (15): Vương Lộc: Từ điển từ cổ. Nxb. Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học, 2001, tr.148 và 157.
(11) Vương Lộc: Từ điển từ cổ, sđd, tr.108.
(12) Về chữ “mấy”, Vũ Văn Kính xếp vào loại chữ có cách viết đặc biệt (Đại tự điển chữ Nôm. Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh & Trung tâm nghiên cứu quốc học 1999). Đào Duy Anh thì cho là chữ Nôm hội ý, có lẽ ban đầu “gồm ba chữ nhân là người, một chữ nhân lớn và hai chữ nhân nhỏ để gợi ý nhiều người, mấy người. Về sau người ta quên đây là chữ hội ý, tiện tay biến hai chữ nhân nhỏ làm chữ thủy…” (Chữ Nôm: Nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến. Nxb. KHXH, H. 1975, tr.65).
(13) Vương Lộc: Từ điển từ cổ, sđd, tr.117.
(14) Vương Lộc: Từ điển từ cổ, sđd, tr.35.
(17) Bùi Duy Tân: Khảo và luận một số thể loại tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Sđd, tr.228./.