Truyện Nôm Quan Âm Thị Kính (QÂTK) là tác phẩm đặc sắc trong nền văn học dân tộc. Từ lâu, QÂTK vốn rất phổ biến và quen thuộc với mọi người Việt Nam, bởi không chỉ tồn tại với tư cách là một tác phẩm văn học, mà QÂTK còn được chuyển tải thành tác phẩm của các loại hình sân khấu đại chúng khác như chèo, tuồng, cải lương, kịch v.v.
Truyện QÂTK lâu nay đã được giới nghiên cứu quan tâm. Nhiều vấn đề thuộc nội dung và hình thức của tác phẩm cũng đã được khai thác kĩ. Song “người Việt đã nghĩ như thế nào về phụ nữ Việt” qua truyện này thì có lẽ vẫn là “mảnh đất” đang còn bỏ trống, chưa ai đề cập. Hôm nay chúng ta thử gõ cửa vấn đề ấy, nhưng trước khi cửa được mở, một điều tưởng chừng khá quan trọng, là chúng ta hãy nắm lại ít nhiều thông tin chung quanh tác phẩm này, để có được một cách nhìn bao quát về vấn đề sẽ được mở.
Trước hết, QÂTK là tác phẩm văn học thuộc thể loại truyện thơ Nôm. Mối quan hệ giữa hai đối tượng này là mối quan hệ giữa yếu tố và hệ thống.
Truyện thơ Nôm là một loại hình văn học đặc trưng, một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc. Nói như nhà văn Võ Phiến” bỏ truyện bằng thơ ra, nền văn học bằng quốc âm của chúng ta trước đây sẽ nghèo đi quá nửa”. Chủ đề chính của thể loại này là: lên án sự bất công của xã hội, đòi hỏi quyền hạnh phúc trong tình yêu và đề cao vai trò người phụ nữ. Trên bình diện văn hóa, ngoài là sản phẩm giải trí lành mạnh, thể loại này còn có vai trò nuôi dưỡng, truyền bá đạo lý, lưu giữ ký ức cộng đồng. Về mặt ngôn ngữ và tư duy, truyện thơ Nôm là sự kết tinh của ngôn ngữ Việt, là bằng chứng chân thực, sinh động về nếp tư duy, cách cảm nhận của người Việt xưa về con người, xã hội và cuộc sống. Chính vì thế sự xuất hiện của thể loại này được xem là sự đáp ứng một khát vọng lớn, một nhu cầu góp phần hóa giải áp lực Hán hóa vốn được đặt ra một cách thường trực của người Việt. Ngày nay truyện thơ Nôm là thể loại văn học thuộc về quá khứ.
Truyện QÂTK từ trước vẫn được lưu hành như một tác phẩm khuyết danh. Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đến nay đã có hai giả thuyết khác nhau về tác giả của nó. Một là Nguyễn Cấp và hai là người cùng thời với ông Đỗ Trọng Dư (1786-1868). Bản in sớm nhất của QÂTK hiện còn là vào năm Tự Đức 21 (1868) kí hiệu AB.46, dài 786 câu, thể lục bát. Vở chèo cổ cùng tên chính là tác phẩm mô phỏng từ truyện Nôm này.
Phần mở đầu - giới thiệu nhân vật - trình bày một cách rõ ràng về quê quán, xuất thân và tuổi tác của Thị Kính, nhân vật trung tâm của tác phẩm. Đặc biệt lai lịch của Thị Kính được giới thiệu bằng nhãn quan tiền kiếp hậu kiếp- một nét cá biệt chỉ có ở tác phẩm truyện Nôm này.
Tiền kiếp của Thị Kính là một đấng nam nhi, đã chín kiếp là đồng chân xuất gia tu hành, vượt qua mọi nghịch cảnh, nhưng vẫn chưa thành Phật. Đức Thích Ca Mâu Ni đã xuống trần thị hiện thân mỹ nữ để lấy “sắc” lửa thử “lòng” vàng. Thì ra vàng ở đây vẫn còn lẫn thau. Chỉ vì một niệm sai lầm: “Có chăng kiếp trước họa là, Kiếp này sợi chỉ trót đà buộc tay”, mà phải bị thác sinh trầm luân thêm một kiếp giữa cõi người.
Nhưng điều lạ kỳ là kiếp đọa đày ấy không phải được làm lại thân trai, mà phải bị đọa thân gái. Phải chăng trong cách nghĩ về con người của tiền nhân, người phụ nữ có “ưu điểm” gì đó hơn nam giới, rằng: họ đích thị là nòi khổ trong cuộc đời, có số phận thương tâm nghiệt ngã ?
Thân phận người phụ nữ với dân gian là “mười hai bến nước”, trong con mắt của Hồ Xuân Hương là “ba chìm bảy nổi”, trong cách thấu hiểu của Đặng Trần Côn là “hồng nhan đa truân”. Thảm thiết hơn bằng trái tim đồng cảm sâu sắc của mình, Nguyễn Du đã nhận ra thân phận lẽ mọn, hẩm hiu của họ trước một giới tính khác:
“Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời”.
Và nếu người phụ nữ có vai trò gì đáng gọi là quan trọng thì cũng chỉ có tính chất khiêm tốn mà thôi. Thế nên qua lời Thúy Kiều, Nguyễn Du đã than thở về cái thân phận chung đáng thương tâm của nữ giới:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
Nàng Thị Kính được sinh ra trong cuộc đời, oan và khổ của thân phận ấy cũng tiềm ẩn song sinh với nàng. Cho nên, mặc dầu cũng là một trang tuyệt sắc giai nhân, đầy đủ nết na, đoan trang, trung hiếu, nhưng hoa may mắn của cuộc đời có bao giờ mỉm cười với nàng đâu. Chỉ vì thiện ý muốn cắt sợi râu mọc ngược trên cằm của chồng mà chịu hàm oan là kẻ có ý mưu sát chồng, tư tình bất chính, để rồi phải tủi phấn thẹn hồng, lỡ đường gia thất. Không ai ngoài Thị Kính, là người thấu hiểu sự hẩm hiu đáng buồn trong thân phận chính mình.
“Vẻ chi một đóa hồng nhan
Cành hoa nở muộn, thời tàn mà thôi”.
Như vậy, không riêng gì QÂTK, mà hầu như các tác phẩm văn học cổ điển nước ta đều đồng vọng một tiếng, một cách nhìn về thân phận người phụ nữ Việt: truân chuyên, nổi chìm, hồng nhan mệnh bạc. Nói như Chu Mạnh Trinh thì ra “con tạo vốn yêu thương người tài sắc” là vậy.
Nỗi khổ của người phụ nữ là tiêu biểu cho nỗi khổ của con người, kiếp người. Nếu xem truyện QÂTK là cách diễn đạt nghệ thuật cho một mệnh đề lớn được xác lập ngay từ hai câu mở đầu tác phẩm: “Nhân sinh thành Phật dễ đâu, Tu hành cứu khổ rồi sau mới thành”, thì chính Thị Kính là người đã hân hạnh được dân gian trao gửi sứ mệnh “thậm nan, hy hữu chi sự” ấy. Nữ giới có thân phận nhỏ bé hẩm hiu, nhưng cũng chính họ lại là đối tượng được dân gian “chọn mặt gửi vàng” cho khát vọng cao đẹp của mình. Không ai khác mà chính Nguyễn Du, người hoàn toàn có sự đồng vọng với quan niệm này. Mặc dù Nguyễn Du buồn bã nhận ra vai trò quá phụ thuộc và quá khiêm tốn của phụ nữ, nhưng điều kỳ lạ và hay ho trong tâm tư của Nguyễn Du là ông cũng không có lòng tin tưởng vào vai trò của người đàn ông trong công cuộc san bằng những bất công trong xã hội, lập công lập đức với đời. Trong Truyện Kiều, không có người đàn ông nào đủ nhân cách tài hoa như nàng Kiều. Nam giới thì mỗi người chỉ đạt được một khía cạnh nào đó mà thôi. Từ Hải hiên ngang anh hùng là thế song lại thiếu trí. Hồ Tôn Hiến đa mưu túc kế nhưng lại thiếu đức thiếu tình. Kim Trọng, phong tư tài mạo tót vời thế mà vẫn thiếu đảm lược. Mày râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh thì cũng chỉ là kẻ gian manh, lừa lọc. Là một gã si tình khét tiếng, nhưng Thúc Sinh lại là anh chàng quá ư bạc nhược yếu hèn. Tố Như tiên sinh tin rằng, chính người phụ nữ mới có một khả năng “đầu đội trời, chân đạp đất” - điều mà giới nam nhi thường vơ vào cho riêng họ. Thực ra Nguyễn Du đâu có chọn nam nhi chi, chí mà ông chỉ chọn nàng Kiều nhỏ bé để làm nên điều vĩ đại để đời.
“Tay đàn bà mà lại có cơ quyền.
Người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa”.
(Chu Mạnh Trinh - Tổng vịnh Truyện Kiều)
Và cũng chính Nguyễn Du đã chọn vãi Giác Duyên (chứ không phải là những bậc đại cao tăng) như là đại biểu của bậc chân tu trong cuộc đời.
Khi chọn nàng Thị Kính làm nhân vật trung tâm của tác phẩm - đứa con tinh thần - và xung quanh là những bóng hời của Thiện sĩ, anh chàng Thượng, có lẽ dân gian đã nhận ra sự cao quý và vĩ đại ấy của người phụ nữ.
“Tu là cội phúc tình là dây oan”.
Cát ái từ thân, thoát ra khỏi cái khổ của thân phận làm dâu, làm vợ, tưởng đâu oan trái từ nay đã dừng bước trước cửa Không. Thế mà khi đã được vào sống trong chốn cội phúc ấy, oan và khổ như gánh nặng, như kẻ vô hình, vẫn còn chạy theo mãi. Thị Kính - Kính Tâm đã bước từ nỗi oan này (làm kẻ có ý giết chồng) đến nỗi oan khác (làm người tu hành phạm sắc giới), đau khổ và tủi nhục vô cùng, nhưng điều kỳ diệu là con người này vẫn đủ sức, âm thầm vượt qua tất cả.
Ở Thị Kính, cũng như ở nàng Kiều, chúng ta có lẽ chưa ai được một lần diện kiến vẻ đẹp sắc nước hương trời của họ để rồi đem lòng nhiễm ái với họ. Song điều mà bất cứ người nào cũng nhận thấy, là chúng ta đều trân trọng và mến phục trước nhân cách và nghị lực của họ. Tư duy của người Việt trong tác phẩm cũng như trong cuộc đời, phụ nữ được mọi người mến phục không phải vì họ là phái yếu hay vì họ đẹp đến độ nghiêng nước đổ thành (vì cái nết đánh chết cái đẹp); phụ nữ được quý trọng cũng không phải bởi bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh hay bởi họ tuân phục đạo “tam tòng”. Họ được mến phục bởi vì họ sắc sảo, thông minh, cương trực, và cao đẹp hơn là họ có tấm lòng bao dung và đức hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng quá lớn trước nghịch cảnh của cuộc đời.
Thị Kính - Kính Tâm là đại diện tiêu biểu cho nhân cách tuyệt vời về lòng bao dung, đức từ bi và hạnh nhẫn nhục rộng lớn của người phụ nữ.
Nỗi oan Thị Kính đã trở thành một thành ngữ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt. Sự nhẫn nhục chịu oan của Thị Kính có thể được xem là thái độ phản kháng thụ động, tiêu cực. Thậm chí việc Thị Kính vì quá đau khổ trong đường tình, chán đời oan khổ nên vào chùa tu đã tạo nên sự hiểu nhầm về động cơ và lý tưởng xuất gia của giới tu sĩ Phật giáo. Không, tất cả không phải như thế! Người xưa xây dựng tác phẩm này đã có cách tô son riêng để tôn vinh những vẻ đẹp trong nhân cách nhân vật. Giá trị của hình tượng Thị Kính có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn thế.
Với nỗi oan thứ nhất là bị vu cáo có tư tình bất chính riêng nên mưu toan giết chồng. Dẫu thực lòng không phải thế và Thị Kính đã ra sức bày tỏ, biện minh cho sự trong sạch thảo ngay của mình thì cũng vô hiệu trước “ý chí sắt đá” của cha mẹ chồng. Đơn giản vì sự thanh minh ấy không đủ bằng chứng thuyết phục. Nhưng với nỗi oan thứ hai - làm người xuất gia vốn gái giả trai lại bị vu là phạm sắc giới với Thị Màu - thì lại hoàn toàn khác hẳn. Thật ra nỗi oan này có tính chất nặng hơn nỗi oan trước và muốn thanh minh thì bằng chứng cũng cực kỳ dễ dàng và rõ ràng như nhật nguyệt. Nhưng điều kỳ lạ là Kính Tâm chỉ lặng lẽ nhẫn nhục chịu oan mà không hề có một lời minh oan. Chúng ta thường hiểu việc giả trai để xuất gia của Thị Kính chỉ vì thời ấy chưa có một ngôi chùa dành riêng cho người xuất gia nữ. Chúng ta cũng thường biện minh cho phản ứng nhẫn nhục chịu oan của Kính Tâm là vì cô muốn được đi tiếp con đường xuất gia mà cô đã chọn. Song hiểu như thế thì quá đơn giản. Nhưng dụng ý thâm sâu trong nghệ thuật và tư tưởng của người xưa vẫn chưa được giải mã. Và ý nghĩa của chữ Nhẫn vẫn chưa được đánh giá hết ý nghĩa của nó.
Việc giả trai để được xuất gia thật ra còn là một sự khẳng định bản lĩnh của nữ giới trước sự phủ nhận vai trò của họ từ phía định kiến sai lầm của xã hội. Ngày xưa, người ta không cho phụ nữ đi thi, đi tu vì người ta nghĩ đó là đại sự vượt ngoài khả năng của phụ nữ. Nhưng thực tế thì không như thế. Đã có hiện tượng gái giả trai để đi thi, đi tu và họ đã làm tốt đại sự ấy. Như vậy “mô típ” giả trai mà chúng ta thường thấy trong văn học xưa còn có ý nghĩa khẳng định khả năng, nghị lực của người phụ nữ. Là người xuất gia nhưng Kính Tâm là gái giả trai thì trong bản chất, Kính Tâm cũng là một người phụ nữ. Và chính vì là người phụ nữ mà hơn ai hết Kính Tâm hiểu được những hạn chế, những ích kỷ nhỏ hẹp trong tâm hồn của những người đồng giới tính với mình. Trước kia là mẹ chồng: “Sông sâu còn có kẻ dò, Lòng người ai dễ mà đo cho cùng” và bây giờ là Thị Mầu. Cuộc sống và tình cảm của Thị Mầu có những uẩn khúc riêng. Việc “không chồng mà chửa” của Thị Mầu (của người phụ nữ) đối với đạo đức nghiệt ngã của xã hội thuở ấy là một tội trạng quá cỡ. Hình phạt có thể là gọt tóc bôi vôi rồi thả bè trôi sông. Vì vậy chúng ta có thể hiểu thêm, việc Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm, không đơn thuần chỉ là một hành động vu oan giá họa cho kẻ tu hành, mà đó thật ra còn là sự kêu cứu lòng từ cứu khổ nơi cửa Phật. Và đây là điều cao cả chỉ có ở Kính Tâm: là một người xuất gia, lại vốn là nữ giới, sự kết tinh của từ bi, trí tuệ và tư chất hai con người ấy là lý do để Kính Tâm sẵn sàng chịu oan để Thị Mầu bớt khổ. Như thế “nhẫn vô sanh nhẫn” ở đây hoàn toàn đâu phải là thái độ phản kháng tiêu cực và thụ động. Nhẫn ở đây là nhẫn nhục nhiệm hòa, là nhẫn điều khó nhẫn, là hy sinh chính mình, chịu oan chịu khổ thay người khi cuộc đời đang còn tràn đầy bất công nghiệt ngã. Bi kịch của Kính Tâm có nội hàm hoàn toàn trùng khít với khái niệm Tragedie: hành động cao cả của Aristote.
Từ logic ấy cho thấy việc Thị Mầu đem con bỏ trước cổng chùa là sự gửi gắm đúng địa chỉ. Tính hợp lý ở đây không đơn giản chỉ vì Thị Mầu thấy Kính Tâm mặc nhiên chịu oan nhận tội mà quan trọng hơn, Thị đã nhận ra được đức từ bi quảng đại ở bậc chân tu này.
“Con ai đem bỏ chùa này,
Nam mô diPhật, con thầy thầy nuôi”.
Đó là lời hát ru con, trong truyện QÂTK dân gian có cách nói khác:
“Dù xây chín chục phù đồ,
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”.
Tổng số đơn giản giữa lòng từ bi và tư chất làm mẹ, là kết quả đủ để lý giải động cơ của hành động Kính Tâm một lần nữa sẵn sàng nhận nuôi dưỡng đứa bé tội nghiệp ấy trước sự mỉa mai của miệng thế. Điều mà chính sư phụ của Kính Tâm cũng không thể hiểu nổi. Sự nhẫn nhục tùy duyên ấy chính là đức cứu độ khổ sanh của một bậc Bồ Tát. Kính Tâm được siêu thăng làm Phật cũng chính là sự thuần thục trong đại hạnh này.
Kiểu kết thúc truyện QÂTK cũng là kiểu kết thúc có hậu truyền thống của các tác phẩm tự sự Việt Nam. Ở đó một lần nữa dân gian tôn vinh công hạnh tu hành của Thị Kính - Kính Tâm: oan khiên được gội sạch, hiếu đạo được vuông tròn bằng sự viên mãn công hạnh tu tập của chính mình và sự hóa độ cha mẹ cùng siêu thăng Phật quốc. Người phụ nữ Việt Nam cũng một lần nữa được khẳng định vị trí xứng đáng của họ: người phụ nữ Việt có vai trò quan trọng bởi vì họ là Đấng mang thiên chức che chở, bao bọc (Mẹ), thương yêu nuôi nấng (bú mớm), đem lại sự sống (đẻ) và nhất là họ mang tính chất phổ quát to lớn (cái). Quan Âm Thị Kính chính là sự kết tinh những nét đẹp tinh túy và vĩ đại ấy của người phụ nữ.
Hay những câu đúc kết như “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “phu xướng phụ tùy” không phải là sản phẩm của tư duy người Việt về phụ nữ hay sao?
Vâng. Tất cả đều thuộc về cách tư duy của người Việt. Nhưng có điều cần phân biệt là trong khi những câu ca dao, tục ngữ trên của người Việt là cách châm biếm những hạn chế của người phụ nữ, thì những câu đúc kết dưới chính là sản phẩm của quá trình Hán hóa của những định kiến hạ thấp và phủ nhận vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
BẢO NHÂN
Học Viện Phật giáo Huế, Thừa thiên - Huế