Giới thiệu bài văn chuông của Lê Quý Đôn ở chùa Phúc Khánh


 

Lê Quí Đôn (1726 - 1784) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường còn có tên là Lê Danh Phương, người xã Diên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Ông là người thông minh, học rộng, hiểu sâu; từ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời vua Lê Hiển Tông, Lê Quí Đôn thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh, rồi được bổ làm quan, lần lượt giữ các chức như: Thị thư ở Viện Hàn lâm, Thừa chỉ tước Dĩnh Thành bá, lại thăng Nhập thị Bồi tụng, Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Dĩnh Thành hầu; rồi giáng làm Thị lang Bộ Lễ, Tham tri kiêm Trấn thủ xứ Thuận Quảng. Sau ông lại được mời về kinh đô và giữ các chức như Tả Thị lang Bộ Hộ, Đô ngự sử, tước Nghĩa Phái hầu; rồi được cử làm Hiệp trấn Nghệ An, khi về kinh đô lại giữ chức Đô ngự sử. Ông từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, gia phong Dĩnh Quận công.

Lê Quý Đôn biên soạn nhiều sách về các lĩnh vực: Triết học, Kinh tế, Văn học, Sử học…

Ngoài ra ông còn viết nhiều văn bia, văn chuông hiện được lưu giữ tại các di tích đình chùa tại địa phương, hoặc được sao chép trong sách Hán Nôm. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài văn chuông do ông soạn hiện được lưu giữ tại chùa Phúc Khánh, thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Phiên âm:

PHÚC KHÁNH THIỀN TỰ HỒNG CHUNG TRÙNG TẠO

Thái Bình phủ, Đông Quan huyện, Phúc Khánh xã, Phúc Khánh tự chung minh tịnh tự.

Dư thường độc Lăng Nghiêm kinh, hữu vân: “Thử phương chân giáo thể thanh tịnh tại âm văn, dục thủ tam ma đề, thực tòng văn trung nhập”. Sảng nhiên hữu ngộ nhi thán viết: Chí hĩ tai ! văn cơ chi diệu hồ nhĩ, tuy tại lục trần chi trung nhi dục ngộ pháp môn tất tòng nhĩ môn viên chiếu tam muội duyên tâm tự tại, thủy đắc thành tựu Bồ đề. Phàm nhất động nhất tĩnh nhất thanh nhất hưởng giai khả xúc phát văn cơ dĩ thành thường quan chi cảnh, cố ngã Phật xiển dương đại pháp tuyên từ hối, phát tiên âm, sử nhân tòng văn nhi nhập đạo. Tự Song Lâm hối tích chi dư, tắc huyền văn áo nghĩa duy ký ư ngọc trục lang hàm nhi Phạm âm triều âm phi phục tầm thường chi sở đắc văn giả hĩ. Văn dã, nhi ngụ ư hình tắc thượng hữu pháp khí chi chung tại. Kim phù hồng chung vi thể viên, vi hình kiên. Khấu kích chi gian, thông trần sát, cảm nhân thiên, hồi vọng huyễn chi niệm, đầu khoát phản quán chi nhãn giới nhân nhi nhĩ văn thử thanh ninh bất quắc nhiên tư thiện, khoát nhiên kiến tính dĩ tiệm chí ngộ phù viên thông thường chi tam đức dư ? Y chân lý cố nhiên khế ngộ giả tiển, bồ lao huyền chi, kình trùy khấu chi, thời định thời xao do nhi bất tri thục năng ngộ, phù nhất thiết âm thanh tức thị Như Lai tạng tính nhi đốn phát diệu giác ư nhĩ căn, dĩ cầu chứng ư chí đạo giả, thực tại ư thử dã da.

Dư hương chi đông nam hữu huyện viết Đông Quan nhĩ xã danh Phúc Lộc. Xã hữu tự, tự hữu chung, nãi ấp viên mục Điện tiền Bùi Văn Phụng đẳng quyên hóa, mộ hóa sở chú tạo dã. Canh Thân khấu nhiễu dĩ ủy kiếp tai. Kim Văn Phụng cần tu bạch nghiệp, tư kế tiền công, kì hiệp bản xã quan viên sắc mục lão thiếu đẳng tái xuất hóa dĩ xướng chi. Cập thiện tín chư nhân hàm lạc thí xả chú thành hồng chung nhất khẩu, cai trọng tứ bách cân, an ư tự chi tây lâu. Kì mục nhân đẳng lai thỉnh dư ngôn vi chí, dư ứng viết: Thử thành thiện sự dã. Ức công đẳng diệc tri đại giác chi giáo, biệt hữu nhất chủng diệu lý hồ. Tính âm chân không, tính không chân âm, pháp khí thanh âm diệc phục như thị. Thử chung tích kí hủy nhi vô thanh, phi chân vô thanh dã, tự hữu bản nhiên chi thanh giả tồn. Kim trùng chú nhi hữu thanh, phi hốt hữu thanh dã, diệc tự hữu bản nhiên chi thanh giả tồn. Thanh khí chi nguyên tán ư vũ trụ ngụ ư hình khí, tòng không nhi hữu, tòng không nhi vô, vị thủy bất hữu, vị thủy bất vô. Nhân nhân thanh nhi phát kì văn căn, tùy duyên tu tập, liễu ngộ tính nhân, sử thân tâm thanh tịnh, thái nhiên vô trần cấu chi luỵ. Kì khả dĩ siêu ngộ không tế, thông đạt thực tướng nhi chứng tối thượng chính giác hĩ. Nhược phù kí phúc điền chi tiện, ích khoa công đức chi viên thành, tắc thị tầm thường kiến thức phi dư sở tri dã. Chư nhân giai dĩ dư ngôn vi thị, nhân minh dĩ kỉ chi.

Minh viết:

Duy ngã Giác Hoàng

Hiển hiện bảo quang

Thông chiếu thập phương.

Khải ngộ thế nhân

Thực tại âm văn

Hoàn khế bản chân.

Đại pháp viên thông

Ngụ hình khí trung

Duy tư hồng chung.

Kiến đạo giả hi

Thục vi chân tri

Phát thử văn ki.

Bùi gia tín tâm

Tục thử pháp âm

Vu bỉ tùng lâm.

Thiện quả sùng thành

Hoanh xưng kì thanh

Mê giác mộng tinh.

Diệu âm mật viên

Văn tính hiện tiền

Tổng thị tự nhiên.

Ngã hữu nhất ngôn

Phản quán nhĩ côn

Học ngã từ tôn.

Kê:

Nhất cựu hưng công hội chủ tạo chú hồng chung cập bản xã Điện tiền Bùi Văn Phụng thê Bùi Thị Pha, cập tiền Bùi Công Khanh hiệu Phúc Kế thê Lương Thị Ủy hiệu Diệu Thế, Tiền hậu thần Trần Đắc Phúc tự Phúc Thọ thê Phạm Thị Thanh hiệu Diệu Kiên, Văn hội chủ Thanh Lan huyện Trừng Uyên xã Thừa Trừng Thọ nam Nguyễn Công Bằng tịnh thê cập thiện tín nữ đàn na chư danh đồng tư công đức.

Nhất tư tái hội chủ hưng công trùng chú hồng chung bản xã Điện tiền Bùi Văn Phụng tự Phúc Tịnh thê Bùi Thị Pha hiệu Diệu Vinh tư phát gia tư mãi đồng tích cổ tiền nhị thập ngũ quan tịnh chỉnh tác trai cúng thục vật lục thập bàn cập ưng tác trai phạn thực nhất bách ngũ thập bàn.

Nhất bản xã quan viên thượng hạ hưng công đức, Thiêm tri thị nội Tri Tả hộ phiên tả trung cửu Phúc Trạch tử Bùi Đình Túc, Thị hầu thuộc viên thiêm tổng tri Bùi Nguyễn Tuấn, đồng Tổng tri Bùi Tử Diễn, đồng Tri phủ Bùi Danh Trọng, Điện tiền Bùi Đăng Xuân, Phó thiên hộ Bùi Hữu Nghiêm, Huyện thừa Bùi Đình Tiêu, Bùi Văn Thẩm, bách hộ Bùi Văn Hội, Tri bạ Bùi Đình Bảng, Tri sự Bùi Khắc Nghi, Phó sở sứ Bùi Đăng Truyền, Nho sinh Bùi Đình Tỏa, Xã trưởng Bùi Đình Mưu, Sinh đồ Bùi Nguyễn Xiển, Hương lão Bùi Văn Tuân, Bùi Vũ Nghi cập đồng xã lão thiếu chư viên danh nhân đẳng cộng cổ tiền nhất bách ngũ quan.

Bản xã tín nữ chư nhân công đức: Bùi Thị Gia, Bùi Thị Vĩnh, Bùi Thị Di, Cao Thị Túc đẳng cộng cổ tiền tam quan nhị bách.

Nhất các huyện xã chư viên danh nhân công đức: Hạ Liệt xã huyện thừa Cao Đắc Diên đẳng cổ tiền nhất quan nhị bách; Nam Xương huyện, Ngô Xá xã Tri bạ Nguyễn Hữu Tri đẳng cổ tiền nhị quan; Thanh Oai huyện, Văn Xá xã cai hợp Phùng Hữu Dực cổ tiền nhất quan; Trân Định huyện, Trà Lý xã Chu Văn Thông cổ tiền nhất quan; Bùi Vương Trướng cổ tiền lục bách; Thập phương thiện nam tín nữ chư viên danh nhân công đức cộng cổ tiền tam thập ngũ quan.

Hoàng Việt Cảnh Hưng thập tứ niên Quý Dậu ngũ nguyệt thập lục nhật.

Tứ Nhâm Thân khoa Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh Hàn Lâm viện Thị thư Diên Hà Lê Quí Đôn Doãn Hậu soạn.

Dịch nghĩa:

ĐÚC LẠI CHUÔNG CHÙA PHÚC KHÁNH

Bài minh chuông ở chùa Phúc Khánh, xã Phúc Lộc, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình và lời tự dẫn.

Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: “Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam ma đề(1), ắt phải bằng con đường nghe thấy”. Ta chợt giác ngộ mà than rằng: Chí lý thay! Nghe được lời huyền diệu đầy ở trong tai. Tuy ở trong lục trần(2), mà muốn giác ngộ pháp môn(3), tất phải qua đôi tai làm sáng tỏ Tam muội(4), tâm tự tại, thì mới đạt được thành tựu Bồ Đề(5), phàm là nhất động, nhất tĩnh, nhất thanh, nhất âm đều có thể dấy lên, có được cơ duyên mà trở thành cảnh trí bình thường. Vậy nên đức Phật ta mở mang đại pháp, tuyên giảng từ bi, dậy bảo tiên âm, khiến cho người ta nghe theo mà nhập đạo. Từ khi đắc đạo ở Song Lâm(6), thì ý nghĩa sâu xa của đạo pháp được ghi lại trong kinh sách, do vậy mà tiếng sóng Phạm âm(7) không phải kẻ tầm thường có thể nghe được. Điều nghe thấy được thể hiện ra ắt phải nhờ vào pháp khí, tức quả chuông này vậy. Nay xem quả chuông lớn thể tròn, hình cứng khi đánh lên thì thông suốt trần gian, cảm động tới cả cõi người, cõi trời, giúp người ta dứt bỏ ý nghĩ sai lầm và mở rộng tầm mắt cho con người. Tai nghe được tiếng này, há chẳng sợ hãi mà nghĩ đến điều thiện, bỗng nhiên thấy bản tính dần ngộ được Tam đức(8) viên thông ư ? Ôi ! Chân lý có sẵn thế mà người hiểu được, ít lắm. Quả chuông treo lên, chầy kình gõ vào, lúc yên lúc gõ mà không biết ai có thể giác ngộ, được tất cả âm thanh, tức là Như Laitạng tính mà ngay lập tức giác ngộ qua đôi tai. Những người muốn chứng được ở chí đạo chính là dựa vào chỗ này đây.

Phía đông nam của làng ta có huyện gọi Đông Quan, có xã tên là Phúc Lộc. Xã có chùa, chùa có chuông, vốn do bọn viên mục Điện tiền trong ấp là Bùi Văn Phụng đã quyên góp tiền của đúc ra. Đến năm Canh Thân bị cướp phá nên chuông đã hỏng. Nay Văn Phụng siêng cần theo đạo, kế nối công xưa, kính cẩn hợp cùng quan viên sắc mục, già trẻ trong xã lại bỏ tiền của đề xướng lên, lại được thiện tín mười phương vui vẻ hưởng ứng, đúc thành một quả chuông lớn nặng 400 cân đặt ở lầu phía tây của chùa. Bọn kỳ mục trong làng đến xin ta viết văn ghi lại. Ta nhận lời nói rằng: “Đây quả thực là việc thiện vậy”. Có lẽ bọn họ cũng biết về thuyết giáo của đại giác, mà có riêng một diệu lý: Âm thanh của bản tính là chân không, cái không của bản tính lại là chân âm, thanh âm của pháp khí cũng giống như vậy. Quả chuông này lúc trước bị hỏng mà không có tiếng, nhưng chẳng phải thật không có tiếng đâu, cái tính vốn sẵn của nó vẫn còn. Nay đúc lại mà có tiếng, chẳng phải bỗng nhiên có tiếng, cũng là do cái tính vốn sẵn đó còn. Cái bản nguyên của tiếng chuông hòa vào vũ trụ, ngụ ở hình khí, theo hư không mà có, theo hư không mà không, chưa bao giờ có, chưa bao giờ không. Con người dựa vào âm thanh mà phát mở nhĩ căn, tùy duyên tu tập hiểu được tính nhân làm cho thân tâm thanh tịnh, bỗng thoát khỏi cõi trần nhơ bẩn, vượt lên nhận ra cả cõi không mà giác ngộ được chính giác cao nhất. Còn như mong mỏi phúc điền ích lợi, khoa trương công đức viên thành, thì đó là những kiến thức tầm thường chẳng phải là thứ mà ta biết vậy. Mọi người đều cho là ta nói phải, nhân đó viết bài minh ghi lại.

Bài minh nói rằng:

Duy Giác Hoàng(9) ta

Hiển hiện ánh sáng

Chiếu khắp mười phương.

Giác ngộ người đời

Thực ở tiếng nghe

Hợp với bản chân.

Đại pháp viên thông

Ngụ trong hình khí

Duy chuông lớn này.

Người thấy Đạo ít

Ai là người biết

Phát khởi cơ duyên.

Họ Bùi tín tâm

Nối pháp âm này

Ở ngôi chùa đó.

Thiện quả viên thành

Tiếng chuông vang xa

U mê giác ngộ.

Diệu âm tràn đầy

Văn tính hiển hiện

Vốn là tự nhiên.

Ta có một lời

Xem lại nhĩ căn

Học ta từ tôn.

Những người công đức để đúc chuông là Điện tiền Bùi Văn Phụng cùng vợ là Bùi Thị Pha, cập tiền Bùi Công Khanh hiệu Phúc Kế cùng vợ là Lương Thị Uỷ hiệu Diệu Thế, Tiền hậu thần Trần Đắc Phúc tự Phúc Thọ cùng vợ là Phạm Thị Thanh hiệu Diệu Kiên, Văn hội chủ huyện Thanh Lan xã Trừng Uyên là Thừa Trừng thọ nam Nguyễn Công Bằng cùng vợ và các thiện nam tín nữ cùng công đức.

Lại công đức để đúc chuông có: Điện tiền Bùi Văn Phụng tự Phúc Tịnh cùng vợ Bùi Thị Pha hiệu Diệu Vinh bỏ 25 quan tiền để mua đồng, thiếc đúc chuông, chỉnh biện 60 mâm thịt chín để cúng và làm 150 mâm cơm.

Các quan viên trong xã công đức: Thiêm tri Thị nội hộ phiên Tả trung cửu Phúc Trạch tử là Bùi Đình Túc, Thị hầu thuộc viên Thiêm Tổng tri Bùi Nguyễn Tuấn, Tổng tri Bùi Tử Diễn, Tri phủ Bùi Văn Trọng, Điện tiền Bùi Đăng Xuân; Phó thiên hộ Bùi Hữu Nghiêm, Huyện thừa Bùi Đình Tiêu, Bùi Văn Thẩm, Bách hộ Bùi Văn Hội, Tri bạ Bùi Đình Bảng, Tri sự Bùi Khắc Nghi, Phó sở sứ Bùi Đăng Truyền, Nho sinh Bùi Đình Tỏa, Xã trưởng Bùi Đình Mưu, Sinh đồ Bùi Nguyễn Xiển, Hương lão Bùi Văn Tuân, Bùi Vũ Nghi cùng già trẻ trong xã, các danh nhân, tổng cộng là 150 quan.

Các tín nữ trong xã công đức: Bùi Thị Gia, Bùi Thị Vịnh, Bùi Thị Di, Cao Thị Túc tổng cộng 3 quan 2 mạch.

Các vị danh nhân trong huyện xã công đức: Huyện thừa xã Hạ Liệt là Cao Đắc Học, Cao Đắc Diên công đức 1 quan 2 mạch; Tri bạ xã Ngô Xá huyện Nam Xương là Trần Hữu Tri công đức 2 quan; Cai hợp xã Văn Xá huyện Thanh Oai là Phùng Hữu Dực công đức 1 quan; Chu Văn Thông ở huyện Trân Định xã Trà Lý công đức 1 quan; Bùi Vương Trướng công đức 6 mạch; các vị danh nhân, thiện nam tín nữ thập phương công đức 35 quan.

Ngày 16 tháng 5 năm Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753), Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh khoa Nhâm Thân làm chức Thị thư ở Viện Hàn lâm là Lê Quí Đôn tự Doãn Hậu người Diên Hà soạn.

* Nhận xét văn bản:

Văn bản có chữ húy thời Lê Trung hưng: 根. Đây là tên húy của chúa Trịnh Căn (1633-1709). Chữ này xuất hiện 3 lần trong văn bản, ở các dòng: 12, 22, 32.

Tóm lại, bài văn chuông này là một tư liệu quý trong việc nghiên cứu về tác giả Lê Quí Đôn, tư liệu này cũng giúp người đọc hiểu thêm về tài năng mẫn tiệp của nhà bác học Lê Quí Đôn. Ông viết bài này khi mới 28 tuổi.

Chú thích:

1. Tam ma đề: hết thảy Thiền định nhất tâm, sáng suốt, còn dịch là Tam muội.

2. Lục trần: chỉ 6 cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu cảnh này do 6 căn là mắt, tai v.v… mà nhập vào thân làm ô nhiễm tịnh tâm nên gọi là Trần. Kinh viên giác viết: “Nhận sằng Tứ đại là tướng tự thân. Sáu trần duyên ảnh mà là tướng tự tâm”.

3. Pháp môn: những lời nói của Phật làm chuẩn tắc cho đời, gọi là Pháp. Pháp đó là chỗ chung cho cả chúng nhân và thánh nhân nhập đạo, cho nên gọi là Môn (cửa). Lại có nghĩa: các pháp đều thông tới một thực thể, cho nên gọi là Môn; lại có nghĩa là nơi Như Lai thánh trí đi về, cho nên gọi là Môn.

4. Tam Muội: Samàdi (thuật ngữ). Từ dịch âm từ tiếng Phạn, xưa dịch âm là Tam muội, Tam ma đề, Tam ma đế. Tam muội vốn là pháp tu dưỡng của nhà Phật. Nay nói về các sự vật huyền diệu cũng gọi là Tam - muội.

5. Bồ Đề - Bodhi (thuật ngữ). Cũ dịch là Đạo, mới dịch là Giác. Đạo nghĩa là thông suốt, giác nghĩa là giác ngộ. Bồ đề của Phật gồm cả Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí, cho nên gọi là Đại Bồ - đề.

6. Song lâm - Tạp danh. Hai cây Sa - la (khu rừng mà đức thế tôn nhập diệt ở giữa 2 cây Sa la).

7. Phạm âm (thuật ngữ): giọng nói, âm thanh của bậc Đại phạm Thiên vương. Có năm loại thanh tịnh âm. Đó là: 1. Tiếng nói chính trực; 2. Tiếng nói hòa nhã; 3. Tiếng nói trong trẻo; 4. Tiếng nói sang sảng; 5. Tiếng nói vang ngân, ở nơi xa cũng nghe thấy. Đủ năm đặc tính này gọi là Phạm âm”.

8. Tam Đức: Ba đức (số). I. Kinh Niết bàn nói Đại Niết bàn có đủ ba đức: 1. Pháp Thân đức: Là bản thể của đức Phật lấy pháp tính thường trụ bất diệt làm thân; 2. Bát nhã đức: Bát nhã dịch là Trí tuệ, là cái Pháp tướng thật giác ngộ trọn vẹn; 3. Giải thoát đức: Xa rời mọi sự trói buộc mà được đại tự tại. Ba đức trên mỗi đức lại có bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh, nên gọi là Tam đức. Và ba đức này là bất nhất bất dị, chẳng dọc chẳng ngang, như ba chấm chữ y, như ba mắt của Thư la thiên, gọi là Bí mật tạng của đại Niết bàn. Thông thường gọi là Hỉ, Ưu, Ám. Tự tính có ba đức ấy, nên sinh ra đủ mọi loại pháp thiện, ác, đẹp, xấu.

9. Giác Hoàng (thuật ngữ). Cũng gọi là Giác vương, chỉ đức Phật. Sách thích môn chính thống, q8: “Lòng tốt của Giác Hoàng là muốn đưa thiên hạ lên cõi nhân thọ”.

 

PHẠM MINH ĐỨC - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tài liệu tham khảo

1. Từ điển Phật học. tập 1, 2. Phân viện Nghiên cứu Phật học, 1994.

2. Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, 1997.

3. Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002.

4. Từ điển Nho Phật Đạo. Lao Tử - Thịnh Lê chủ biên, Nxb. Văn học, 2001.

5. Lược truyện các tác gia Việt Nam. Trần Văn Giáp chủ biên, Nxb. Văn học, 2000.

6. Niên biểu Việt Nam. Vụ bảo tồn bảo tàng, 1970./.