Trao giải thưởng cho những đóng góp với chữ Nôm


 

Tối 6-3 tại Hà Nội, giải thưởng Balaban 2017 đã được Hội bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF) trao cho GS người Nhật Shimizu Masaaki. Cùng với đó, giải thưởng học giả Nôm trẻ cũng được trao cho anh Takuya Washizawa người Nhật và TS Nguyễn Tô Lan hiện công tác ở Viện Hán Nôm.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Lee Collins - Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm cho biết, đây là lần thứ 5 Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tổ chức trao giải thưởng Balaban cho cá nhân có đóng góp lớn thúc đẩy viễn kiến của Hội, góp phần gìn giữ và truyền bá di sản về chữ cổ Nôm được dùng trước khi thịnh hành chữ Quốc Ngữ. Giải thưởng Balaban được thành lập trên cơ sở đóng góp của nhà khoa học người Việt ở Mỹ là Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, ông đã dành số tiền để làm giải thưởng trao hàng năm để động viên và khuyến khích các học giả tham gia vào quá trình bảo tồn chữ Nôm. Giải thưởng này mang tên giáo sư John Balaban làm việc tại Đại học Bắc Carolina, đã dành nhiều năm thúc đẩy nhận biết về chữ viết cổ ở Việt Nam.

 

GS Shimizu Masaaki hiện đang công tác tại ĐH Osaka, Nhật Bản, nghiên cứu ngôn ngữ, giảng dạy tiếng Việt và phổ biến văn hóa Việt Nam. Ông đã có nhiều bài nghiên cứu về chữ Nôm và các vấn đề văn hóa Việt Nam được phổ biến đến nhiều học giả ở Nhật Bản.

Chia sẻ trước cử tọa sau khi nhận giải, ông kể lại do may mắn, được tiếp cận và học tiếng Việt năm 1985 từ một GS ở Nhật Bản, cũng là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên của ông. Năm 1990, ông sang Việt Nam nghiên cứu tiếng Việt và được nhiều chuyên gia tại đây giúp đỡ nhiệt tình.

 

 

Takuya Washizawa là một trong những học trò của GS Shimizu Masaaki. Qua sự bắc cầu của thầy, anh đến với Việt Nam và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Khoa Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Anh cũng đã tham gia nhiều hội thảo và công bố nhiều bài viết liên quan đến chữ Nôm.

 

 

TS Nguyễn Tô Lan là một trong những gương mặt thuộc thế hệ nghiên cứu Hán Nôm trẻ và đang sung sức hiện nay ở Việt Nam. Chị đã dành nhiều tâm sức vào nghiên cứu chữ Nôm và như chị bộc bạch, lấy đó làm phương tiện để mở cánh cửa văn hóa của đất nước mình. Tô Lan từng làm luận án tiến sĩ về tuồng qua việc khai thác hệ thống kịch bản tuồng cổ đồ sộ bằng chữ Nôm, đồng thời xuất bản sách nghiên cứu tuồng cổ.

Tổng Hợp