lương tri |
dt. Trí-thức người ta vốn sẵn có, tự-nhiên mà có: Theo Vương Dương-Minh là người đã xướng ra thuyết lương-tri thì lương-tri là "cái tinh-linh của tạo-hoá phú bẩm cho người, kết-tinh lại ở trong tâm người ta. Cái tinh-linh ấy sinh ra trời đất, thành ra quỷ thần, nhất thiết, muôn sự, muôn vật đều ở đó mà ra. Nó cũng là vật, nhưng cao hơn hết thảy, chẳng có vật nào sánh với nó được... Bản-thể của tâm là thiên-lý mà chỗ thiêng-liêng sáng suốt của thiên-lý tức là lương-tri" Có người hỏi thêm Vương Dương-Minh: Loài người có thể-phách hư-linh mới có lương-tri, còn như thú vật, cỏ cây gạch đá có lương tri, không? Họ Vương đáp: "Thì chính lương-tri của ta, tức là lương-tri của cỏ cây gạch đá. Nếu cỏ cây gạch-đá chẳng có lương-tri của người ta thì hết còn là cỏ cây, gạch đá. Chẳng riêng cỏ cây gạch đá mà thôi, đến cả trời đất, nếu không có lương tri của chúng ta cũng không thể làm trời đất được" Muốn suy xét cho đến nơi, thông suốt, đạt đến cái lương-tri ấy, muốn trí lương-tri phải làm cách nào? Họ Vương đáp: "Muôn trí lương-tri, há phải là nói chuyện vang bóng mập mờ, không ngôn vô-thực mà bảo rằng trí lương-tri được đâu. Tất phải làm ra việc thực mới được. Cho nên trí tri phải ở cách vật. Vật nghĩa là việc. Phàm ý mình phát ra điều gì tất là có việc. Cái việc mà ý mình để tới đó gọi là vật. Cách nghĩa là chính; cách vật nghĩa là sửa cho thích-đáng việc mình làm. Một điều lương-tri biết là thiện, tuy rằng ta thật lòng ham chuộng, nhưng nếu không thực-hành ngay cái vật mà ta đã để ý vào thì vật ấy vẫn chưa được cách và lòng ham-chuộng vẩn chưa phải chân thành. Một điều gì lương-tri biết là ác, tuy rằng ta thật lòng ghét bỏ, song nếu ta không thực-hành ngay cái vật mà ta đã để ý vào thì vật ấy vẫn chưa được cách và lòng ghét bỏ vẩn chưa phải chân-thành. Tất nhiên, ta phải làm theo sự hiếu thiện ố ác do lương-tri đã biết, mà làm việc hiếu thiện ố-ác thật đến nơi đến chốn. Có như vậy, mới thật không có vật nào không cách mà cái biết của lương-tri mới trọn vẹn, không bị che lấp thiếu sót gì cả, ấy là đến chỗ cũng tốt vậy" Họ Vương còn giảng thêm: " Không thiện, không ác là thể của tâm; có thiện có ác là động của ý; biết thiện biết ác là lương-tri; làm thiện bỏ ác là cách vật" |