anh |
I. Con trai cùng một cha, đẻ trước hay là con vợ cả thì gọi là anh. Văn-liệu: Anh em hạt máu sẻ đôi (T-ng). Anh em như chân tay (T-ng). Anh em như chông như mác (T-ng). Anh em khinh trước, làng nước khinh sau (T-ng). Anh em chém nhau đàng dọng, không chém nhau đàng lưỡi (T-ng). Khôn ngoan đá-đáp người ta, Anh em trong nhà chớ đá lẫn nhau (C-d). II. Trong một họ, dù nội dù ngoại, cùng một hàng mà là bề trên thì gọi là anh. Như nói: Anh em họ, anh em thúc-bá, anh em cô-cữu, anh em vợ, anh em rể v.v. Văn-liệu: Anh em trong họ ngoài làng (T-ng). Không thiêng cũng thể bụt nhà, Dầu khôn dầu dại cũng ra anh chồng (C-d). Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Con cô con cậu thì xa, Con chú con bác thật là anh em (C-d). III. Đối với người ngoài ai hơn tuổi thì gọi là anh, hay là bè-bạn gọi lẫn nhau: Anh em tứ hải giao tình, Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà (C-d). IV. Gọi người ngoài hơi có ý khinh. Như nói: Anh nọ, anh kia, anh ta v.v. V. Tiếng vợ gọi chồng hay chồng tự xưng với vợ: Ai đi xứ Lạng cùng anh, Tiếc công bác mẹ sinh-thành ra em (C-d). Văn-liệu: Anh đi đánh bắc dẹp đông, Thảm thiết trong lòng thương mẹ nhớ em (C-d). Anh về sẻ gỗ cho dầy, Bắc cầu qua bể cho thầy mẹ sang (C-d). VI. Tiếng thân của con gái gọi con trai, hay của con trai tự-xưng với con gái: Ba đồng một mớ trầu cay, Sao anh không hỏi những ngày con không (C-d). Văn-liệu: Anh còn son em hãy còn son, ước gì ta được làm con một nhà (C-d). Anh thấy em anh cũng muốn chào, Sợ lòng bác mẹ cây cao lá dài (C-d). Anh đi em chửa có chồng, Anh về em đã tay bồng, tay mang (C-d). |