Bảo tồn chữ Nôm Tày trước nguy cơ mai một


 

Dân tộc Tày chiếm trên 40% dân số toàn tỉnh Cao Bằng với nền văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó, có chữ viết riêng Nôm Tày là di sản vô giá góp phần tạo nên nét độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Tày miền non nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chữ viết của dân tộc Tày đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, thất truyền.

Chữ Nôm Tày được xây dựng trên cơ sở các nét, các bộ thủ và các chữ Hán nguyên bản theo 3 yếu tố hình - âm - nghĩa, trong đó về ngữ âm là sử dụng âm Hán - Việt. Phần lớn, những văn bản chữ Nôm Tày còn lưu giữ thể hiện nét sinh hoạt trong đời sống, lao động, văn hóa phong phú của cộng đồng người Tày với những văn bản ghi chép lại các tác phẩm văn học khuyết danh, còn gọi là dân gian như truyện thơ, truyện kể, hát đối… Trong lĩnh vực văn hóa, xuất hiện nhiều văn bản Nôm Tày về đời sống tâm linh như các loại sách cúng, bói, địa lý, y học, giáo dục. Nhờ có chữ viết nên đến nay người Tày còn lưu giữ được nhiều thông tin về nguồn gốc tổ tiên, dòng họ, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, tộc người, lễ, Tết...

Để bảo tồn tiếng nói và chữ viết Tày, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục tiến hành rà soát nhu cầu học tiếng Tày của học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; từng bước xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện mở lớp dạy tiếng Tày cho học sinh; thực hiện dạy, học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định 82/2010/CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ để đưa tiếng Tày vào giảng dạy trong môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa về tiếng nói, chữ viết Nôm Tày; tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết của dân tộc Tày cho các cơ sở đào tạo của tỉnh… Từ năm 2013 đến nay, tỉnh tổ chức gần 100 lớp bồi dưỡng tiếng Tày cho cán bộ, công chức, viên chức với trên 8.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, bằng các nguồn xã hội hóa, các huyện, Thành phố mở các lớp hát Then, đàn tính tiếng Tày hoặc thông qua các câu lạc bộ hát dân ca tại các xóm, xã để truyền dạy cho con em dân tộc Tày. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm kê di sản, trong đó có di sản chữ viết Tày; Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ 39 đầu sách chữ Hán và Nôm Tày sử dụng trong nghi lễ của thầy Tào dân tộc Tày; phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân ở các loại hình dân ca Tày; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi hát Then, đàn tính các cấp…

Tuy nhiên, trước sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, chữ Nôm Tày hiện đang bị mai một với thực trạng đáng buồn "còn tiếng nhưng mất chữ". Chị Nông Thị Liên, dân tộc Tày, xã Đức Long (huyện Hòa An) chia sẻ: Trong gia đình tôi, từ ông bà, bố mẹ đến các con cháu đều sử dụng tiếng Tày trong giao tiếp hằng ngày với cộng đồng người Tày và biết tiếng Tày tại địa phương, sử dụng tiếng phổ thông khi giao tiếp với những người không biết tiếng Tày. Nhưng chữ Nôm Tày thì không ai trong gia đình biết viết, biết đọc.

Ông Hoàng Xuân Bảo, dân tộc Tày, tổ 2, phường Ngọc Xuân (TP. Cao Bằng) cho biết: Tôi là thế hệ thứ 2, quê gốc huyện Trùng Khánh, thoát ly theo bố mẹ ra sinh sống tại thành phố Cao Bằng từ những năm 1960. Tuy không biết đọc, biết viết chữ Nôm Tày nhưng tôi biết nói và sử dụng tiếng Tày thành thạo. Đến thế hệ con cháu tôi hiện nay không còn nói tiếng Tày trong sinh hoạt hằng ngày. Còn chữ Nôm Tày tôi chỉ thấy ở một số thầy Tào, bụt sử dụng khi tiến hành các nghi lễ.

Vấn đề "còn tiếng, mất chữ" đã được tỉnh quan tâm, bảo tồn, nghiên cứu từ nhiều năm. Đặc biệt, tại Báo cáo số 1950/BC-UBND ngày 29/7/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng về kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số (Tày, Thái, Dao) trên địa bàn tỉnh đánh giá cụ thể người dân tộc Tày ở Cao Bằng cơ bản vẫn bảo tồn tốt tiếng nói riêng của dân tộc mình với khoảng 80% người Tày thường xuyên sử dụng tiếng Tày làm ngôn ngữ giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, đối với chữ viết Tày đang bị mai một và gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Lý giải nguyên nhân khiến chữ viết dân tộc Tày đang bị mai một, thất truyền, Nghệ nhân Ưu tú loại hình diễn xướng Then Tày Bế Sơn Trung - người đang nắm giữ hơn 30 cuốn sách chữ Nôm Tày với nhiều tư liệu quý và thành thạo đọc, viết chữ Nôm Tày cho rằng: Chữ Nôm Tày đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ thống nhất, những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác nhau. Điều này là do trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy truyền miệng và ghi chép thủ công nên có nhiều biến thể. Có nhiều chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày. Hiện nay, còn rất ít người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày, phần lớn những người này đều đã cao tuổi, đặc biệt là những người làm nghề thầy cúng. Một số sách chữ Nôm Tày hiện vẫn đang được lưu giữ trong các gia đình làm nghề thầy cúng nhưng con cháu không theo nghề nên không quan tâm học tập, tìm hiểu về chữ viết Nôm Tày.

Mặt khác, một bộ phận thầy cúng và một số người hành nghề thầy cúng biết về chữ Nôm Tày nhưng trong các nghi lễ tang ma, giải hạn, thượng thọ, xem ngày giờ..., lại sử dụng chữ Hán, sách chữ Hán để thực hành các nghi lễ. Một số thầy cúng biết viết Nôm Tày, tuy nhiên chỉ học theo lối chép lại văn bản chứ không được truyền dạy bài bản. Trong ngữ văn dân gian, sinh hoạt văn hóa chỉ một số rất ít nghệ nhân cao tuổi biết đọc và viết chữ Nôm Tày đã mất hoặc đều "gần đất xa trời"; đọc và viết chữ Nôm Tày cần có thời gian học tập kiên trì nhưng thế hệ trẻ dân tộc Tày không mặn mà với việc biết và học chữ viết Nôm Tày…

Để giữ gìn tiếng nói và chữ viết dân tộc Tày, thời gian tới, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên dịch các sách cổ của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh. Quan tâm công tác bảo tồn, sưu tầm và khai thác, phát huy giá trị dân ca các dân tộc, khuyến khích sử dụng chữ viết dân tộc Tày trong sáng tác. Động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia các chương trình văn nghệ, giao lưu văn hóa, quảng bá dân ca Tày tại địa phương.

Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Tày kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi... Thành lập mới các câu lạc bộ sử dụng tiếng dân tộc Tày để thu hút các thành viên, không chỉ là người dân tộc đó mà còn có cả thành viên dân tộc khác tham gia. Đề xuất các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu tiếng dân tộc Tày phục vụ công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết Tày trong cộng đồng.

baocaobang.