Bước đầu tìm hiểu những vấn đề về chữ Nôm thế kỷ XX


 

1. Tìm hiểu chữ Nôm thế kỉ XX nhằm tổng kết lại giai đoạn cuối của chữ Nôm

Để có cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vị thế của chữ Nôm trong quá khứ và hiện tại. Loại hình “tử tự” (chữ Nôm) được thay thế bằng chữ Quốc ngữ (1945), từ đó chữ Nôm chấm dứt vai trò lịch sử cùng với chữ Hán. Từ nửa đầu thế kỉ XX về trước, chữ Nôm cùng với chữ Hán song hành, dùng để ghi chép, trứ tác văn chương, để lại kho di sản thư tịch chữ Hán và chữ Nôm đồ sộ, làm rạng rỡ cho văn hóa Việt Nam.

Di sản thư tịch viết bằng chữ Hán và chữ Nôm dưới dạng khắc in, viết tay được trình bày bằng nhiều thể loại khác nhau, từ các thể loại truyền thống thuần Việt đến những thể loại vay mượn tiếp thụ từ Trung Quốc, đều chứa đựng nội dung phản ánh phong phú, đa màu sắc, đậm đà tính dân tộc và có sức sống mãnh liệt cùng với thời gian và lịch sử dân tộc ta.

Đặc biệt, văn học chữ Hán và chữ Nôm thời trung đại gắn với tên tuổi các tác gia của các thời phong kiến Việt Nam, từ Lý - Trần đến Nguyễn như một minh chứng cho truyền thống của một dân tộc có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Suốt chiều dài thời gian một ngàn năm người Việt dùng chữ Hán làm thứ văn tự chính thống, cùng với chữ Nôm, lối chữ riêng của người Việt mượn chữ Hán để tạo ra. Không kể sách vở chữ Hán, số lượng thư tịch chữ Nôm khá lớn tương sánh với sách vở chữ Hán. Sách chữ Nôm có vị thế riêng so với chữ Hán, gắn liền với sức mạnh của văn học dân gian (pholklo) nên sự vận động hầu như mang tính khách quan, vượt ra ngoài những áp đặt chủ quan của lịch sử.

Tìm hiểu chữ Nôm thế kỉ XX nhằm đánh giá toàn diện, tổng kết những đóng góp của chữ Nôm đối với lịch sử và văn hóa mang ý nghĩa của dân tộc. Đặc biệt, xem xét sự chuyển biến hệ thống chữ Nôm qua cấu trúc từng kiểu loại của chúng ở giai đoạn này. Trước nay, chưa có công trình nào tách bạch tìm hiểu chữ Nôm thế kỉ XX một cách độc lập, mà đương nhiên coi chữ Nôm thế kỉ XX nằm trong khung thời gian thuộc giai đoạn thời Nguyễn, hay theo cách gọi chữ Nôm thời Nguyễn. Đặt vấn đề như vậy xét về mặt logic văn tự không có gì mâu thuẫn. Song dưới góc độ lịch sử, văn hóa, cần phải tách ra (dù mang ý nghĩa tương đối) để xem xét ý nghĩa tích cực của chữ Nôm ở giai đoạn này. Hơn thế nữa, coi sự kết thúc của chữ Nôm cũng như chữ Hán sau 1945, cũng là mở đầu của thời kì mới, nhìn nhận và đánh giá chữ Nôm với tư cách là “bán tử tự”(1) thời kì hội nhập quốc tế.

Những vấn đề về chữ Nôm thế kỉ XX, nằm trong hệ thống các công trình nghiên cứu về lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học… nhằm hệ thống hóa những sự kiện trong 100 năm cuối cùng của thiên niên kỉ trước. Thế kỉ XX xảy ra những biến cố lịch sử lớn lao chưa từng thấy trên địa cầu. Trong đó, Việt Nam là điển hình, có những thay đổi mang tính bước ngoặt thời đại. Từ đó, kéo theo những thay đổi cơ bản về cơ cấu kiến trúc thượng tầng, cũng như hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, vấn đề văn hóa chịu tác động trực tiếp, chi phối mang tính áp đặt từ chế độ thực dân Pháp đối với văn hóa Việt Nam. Trong tình hình bất ổn như vậy thì ngôn ngữ, văn tự chính là địa hạt nóng bỏng cho việc tranh chấp, chọn hình thức văn tự nào chiếm vị trí thượng phong, đối với việc truyền bá tư tưởng của các trào lưu chính trị, tư tưởng khác nhau là ưu tiên số một.

2. Khi tìm hiểu chữ Nôm thế kỉ XX cho thấy sự tác động mạnh mẽ của tình hình xã hội Việt Nam giai đoạn này đối với các loại hình văn tự nói chung và chữ Nôm nói riêng. Tính chất xã hội của ngôn ngữ, trong đó chữ viết được phát huy tối đa giá trị của nó.

Nếu chữ Nôm trước thế kỉ XX chỉ chủ yếu dùng để trứ tác văn chương, thù tạc, giải âm, giải nghĩa, huấn hỗ chữ Hán; chuyển sang nửa đầu thế kỉ XX, ngoài những chức năng trên, chữ Nôm còn có vai trò lớn lao hơn, phát triển hơn từ bước đệm chuyển tiếp thời kì nửa cuối thế kỉ XIX. Bằng thứ văn tự mang tính đặc thù, có tính quần chúng cao, gắn liền mật thiết với văn hóa dân gian, thể hiện tính bình dân (đối lập với tính bác học của chữ Hán), chữ Nôm trở thành phương tiện ngôn ngữ giao tiếp văn bản, có ý nghĩa thực tiễn cao. Chữ Nôm được sử dụng là công cụ để tuyên truyền tư tưởng của các xu hướng chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng… cạnh tranh quyết liệt ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Tính cạnh tranh gay gắt nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng tới số đông quần chúng lao động. Thời kì này đại đa số người Việt còn chưa thích nghi với lối văn tự Pháp, chữ Quốc ngữ. Còn Hán tự thì cao siêu không mấy ai biết, hiểu được, trừ các nhà nho.

Trong ý đồ của chính phủ bảo hộ Pháp, mục đích cuối cùng là loại trừ chữ Hán, chữ Nôm, văn hóa phương Đông từng ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam ra khỏi đời sống tinh thần của người Việt. Từ đó, tạo nên sự phân hóa hệ tư tưởng của các nho sĩ, tư tưởng trung quân không được đề cao như trước đó. Về lâu dài, người Pháp dần dần tước bỏ vị trí chữ Hán và chữ Nôm, cô lập văn hóa Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Người Pháp cho rằng ngôn ngữ bất đồng là khó khăn lớn nhất cho họ khi tiếp xúc với người An Nam. Chính vì vậy, để lấp đầy hố ngăn cách ấy theo ý kiến Giám mục Puginies(2) cho rằng: “Có hai điều đặc biệt làm công cụ tối ưu để thay đổi cả một dân tộc, đó là tôn giáo và ngôn ngữ”. Từ lẽ đó, về ngôn ngữ: “Một là bãi bỏ dần chữ Hoa và thay thế bằng chữ Quốc ngữ. Hai là phát triển ngành giáo dục Pháp”.

Trong bước giao thời, chữ Nôm được các phía tận dụng tối đa tác dụng của nó, thay vì chữ Pháp và Quốc ngữ chưa được sử dụng rộng rãi và phát huy tác dụng của hai hình thức văn tự này. Điều đó cho thấy, người Pháp hiểu rất rõ vị thế của chữ Nôm của một dân tộc đậm nét văn hóa làng xã, được dân tộc đó trân trọng và nuôi dưỡng phát triển qua hàng ngàn năm. Chính vì vậy, đạo Thiên chúa, ngay từ khi gieo mầm tại Việt Nam đã lợi dụng chữ Nôm làm văn tự để truyền giáo. Trước hết, ghi chép hệ thống sách thánh kinh. Hệ thống sách Hán Nôm thuộc đạo Thiên chúa có trên 300 cuốn (đầu sách), phần đa là sách viết bằng chữ Nôm. Theo “Sở thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam” của linh mục Nguyễn Hưng viết: “Suốt bốn thế kỉ (17, 18, 19 và 20), người Công giáo Việt Nam luôn sử dụng chữ Hán, nhất là chữ Nôm trong việc thực hành đạo giáo của mình, chứ không phải ham gì chữ Quốc ngữ”. Và ông đã chia sách Hán Nôm công giáo ra 12 loại: Tu đức, đạo đức, Truyện các thánh, giáo lý, phụng vu lịch, thư chung, thánh kinh, sách kinh, ngôn ngữ học, từ điển chữ Nôm, tuồng - thơ- văn - vè, sắc chỉ, trướng, câu đối, bia và một số bài nghiên cứu.

Giai đoạn chuyển tiếp trước khi loại bỏ chữ Hán Nôm, cũng như xóa sạch ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa Trung Hoa, người Pháp vẫn coi chữ Nôm là phương tiện hữu hiệu nhất để tuyên truyền, cảm hóa, chinh phục người Việt trong tiến trình Pháp hóa văn hóa Việt Nam. Như vậy, ít nhất trong gần 100 năm (nửa cuối thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX), chữ Nôm phát huy được vị thế của nó trong bối cảnh xã hội Việt Nam vừa mang tính phong kiến, vừa thuộc địa. Vị thế đó được khẳng định qua số lượng thư tịch chữ Nôm với đủ các thể loại, được viết và in ấn trong gia đoạn này. Lực lượng sử dụng rộng rãi, cộng với đối tượng hướng tới đông đảo là thế mạnh của chữ Nôm. Chính vì vậy, thời kì này chữ Nôm mang màu sắc chính trị, tôn giáo rất rõ nét. Kẻ thù lợi dụng chữ Nôm để tuyên truyền, thực thi chính sách cai trị, đồng hóa. Các nhà Nho bị phân hóa, một bộ phận nghiêng về triều đình theo Pháp, số còn lại là những chí sĩ, sĩ phu yêu nước đứng về phía nhân dân, chống lại Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Cho dù ở phía nào, chữ Nôm vẫn được sử dụng triệt để phục vụ cho mục đích riêng của mỗi phía. Đặc biệt, những nhà hoạt động cách mạng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tuyên truyền, khích lệ tinh thần chiến đấu thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, đã vận dụng tối đa vị thế của chữ Nôm trong sáng tác thơ ca, hò vè, truyền đơn v.v…

Có thể nói, trong buổi giao thời giữa cũ và mới, chữ Quốc ngữ chưa được phổ cập rộng rãi, thì chữ Nôm có vai trò lịch sử là hết sức lớn lao.

3. Chữ Nôm thế kỉ XX đa dạng về thể tài, phong phú về nội dung, và đông đảo lực lượng sáng tác.

Ba phương diện tổng hợp trên cho thấy tính chất, vai trò của chữ Nôm giai đoạn này có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, xã hội. Nó tác động trực tiếp đến mọi mối quan hệ xã hội trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động lớn ở một nước đang chịu tác động mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây. Tất cả những điều nêu trên được phản ánh rõ ràng trong các văn bản chữ Nôm sáng tác ở giai đoạn này.

Xét từ góc độ từ chương học thì hệ thống văn bản chữ Nôm thế kỉ XX là cái mốc cuối cùng của quá trình hoàn thiện hóa sự kết hợp giữa văn chương truyền thống với văn chương Pháp và phương Tây. Lối diễn đạt, diễn ý, mô tả mang phong cách hiện đại hơn. Đặc biệt, hình thức thể hiện trong hệ thống văn bản chữ Nôm là rất phong phú, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của số đông độc giả. Sự đa dạng về mặt thể loại, ngoài các thể loại truyền thống như thơ, phú, câu đối, văn bia, truyện, khúc ngâm, chú nghĩa, chú âm, giải nghĩa…còn có thêm các hình thức thể loại mới như thư, khúc ca, vè, hò, các văn bản hành chính (công báo, tạp lục, nghị định, huấn thị, bản án, sắc lệnh…), sách sưu tầm, khảo dị, nghiên cứu v.v… Bên cạnh, sách viết bằng chữ Nôm giai đoạn này, phổ biến có các sách song tự (chữ Hán và chữ Nôm), tam tự (chữ Hán + chữ Nôm + chữ Quốc ngữ).

Nội dung phản ánh trong băn vản chữ Nôm thế kỷ XX đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự. Nó vượt xa nội dung được chuyển tải trong các văn bản chữ Nôm các thế kỷ trước. Sự biến động lịch sử, tình hình xã hội, các quan điểm tư tưởng, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, tuyên truyền thức tỉnh, ca ngợi truyền thống văn hiến, phong trào thiện đàn, cải cách, văn kiện, chỉ thị v.v… đã được thể hiện rõ nét trong nội dung các văn bản chữ Nôm thế kỉ. Những sáng tác văn học mang những khuynh hướng tư tưởng khác nhau, là bước nhảy vọt từ các nền sáng tác từ thế kỷ XIX về trước.

Các văn bản chữ Nôm văn xuôi - truyện, tản văn, chính luận, văn bản luật, hương ước, văn bản hành chính… sử dụng ngôn ngữ trong sáng, hiện đại, gần gũi với quảng đại quần chúng.

Bên cạnh số lượng những văn bản văn xuôi, văn bản chữ Nôm văn vần chiếm tỉ lệ khá lớn ở giai đoạn cuối cùng của chữ Nôm. Nội dung những văn bản Nôm văn vần thế kỷ XX hết sức phong phú. Bởi lẽ, hình thức thể loại rất phù hợp với những vấn đề đặt ra mang tính thời sự của tình hình xã hội, cũng như nội dung truyền thống với các chủ đề như tác phẩm chữ Nôm ở các thời kỳ trước đã đề cập. Thơ, ca, hò, vè, phú, liễn… nghiêng về màu sắc tuyên truyền, cổ vũ, khuyến lệ. Nhìn chung, băn bản chữ Nôm thế kỷ XX có nội dung bao trùm, nhiều vấn đề mới gắn với các trào lưu tư tưởng, tình hình lịch sử, xã hội thế kỷ này.

Lực lượng sáng tác sử dụng chữ Nôm thế kỷ XX có số lượng đông đảo tham gia, so với trước đó tăng lên đáng kể. Có thể liệt kê gồm các thành phần như quan lại, sĩ phu, nhà Nho, giới công chức, nhà truyền giáo, nhà sư, tiểu quan chức địa phương, sĩ tử, người có học ở làng xã, dòng tộc v.v… Đồng nghĩa với sự gia tăng lực lượng sáng tác là gia tăng số lượng văn bản và gia tăng nội dung phản ánh thể hiện trong văn bản. Những tác giả nổi lên ở giai đoạn này phải kể đến: Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thiện Kế, Từ Diễn Đồng, Lê Trọng Am, Đỗ Sĩ Vưu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương v.v… Tác giả của những văn bản hành chính, nghị định, văn thư… của chính phủ bảo hộ và truyền đình nhà Nguyễn ban bố là những người tham gia trong chính quyền bảo hộ và triều đình có biết chữ Nôm từ trung ương xuống địa phương thôn, xã.

Lĩnh vực tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Đạo giáo có số lượng thư tịch không nhỏ; lực lượng viết sách, phiên dịch, ghi chép kinh sách là các cha cố, hòa thượng, thượng tọa, các nhà sư.

Về mặt thể loại văn bản chữ Nôm phản ánh sự nở rộ, phong phú về các dạng văn bản theo xu thế hiện đại hóa, kết hợp với truyền thống của người Việt. Cụ thể bao gồm các thể loại phương Đông có từ trước, thể loại thuần Việt (lục bát, song thất lục bát) và thu nhận một số thể loại phương Tây. Có thể nói thế kỷ XX để lại cho kho tàng thư tịch văn bản chữ Nôm phong phú, giá trị, chứa đựng tinh thần thời đại và lịch sử có nhiều biến cố quan trọng chưa từng có.

4. Diện mạo chữ Nôm thế kỷ XX đạt tới đỉnh cao về sự hoàn thiện các phương thức cấu trúc.

Sự hoàn thiện ở đây hiểu theo góc độ sử dụng lối viết chữ ổn định từng chữ cụ thể trong hàng loạt các văn bản chữ Nôm của nhiều tác giả khác nhau. Hơn nữa, chữ Nôm ghi trực tiếp tiếng Việt nên tính chuẩn xác của chữ Nôm tỷ lệ thuận với tính hiện đại của tiếng Việt ở giai đoạn này. Khảo sát văn bản chữ Nôm thế kỷ XX cho thấy chữ Nôm ghi tiếng Việt sử dụng trong các thể loại văn bản có tính thống nhất cao hơn. Một phần do quá trình tự hoàn thiện của tiếng Việt, một phần do tiếp nhận tinh hoa từ ngôn ngữ Tây phương, từ Tân thư. Hàng loạt những từ ngoại lai phiên âm qua âm Hán Việt được bổ sung vào kho từ vựng tiếng Việt. Đặc điểm này chi phối tỷ lệ cấu trúc giữa các phương thức tạo chữ Nôm, nhất là các kiểu cấu trúc cùng cách thức tạo chữ sáng tạo hay mượn nguyên chữ Hán.

Qua khảo sát 2 văn bản chữ Nôm tiêu biểu, một văn vần, một văn xuôi của thế kỷ XX(3) cho thấy tình hình cụ thể như sau:

a. Tỷ lệ giữa hai loại chữ Nôm mượn chữ Hán và chữ Nôm sáng tạo của người Việt có sự thay đổi theo xu hướng tăng dần chữ sáng tạo có cấu trúc kết hợp âm và ý.

Sự phân định này mang tính tiệm tiến trong quá trình phát triển của chữ Nôm. Đó là xu thế tất yếu đòi hỏi chữ Nôm phải đạt tới tính chuẩn hóa cao trong cách viết so với những giai đoạn trước đó. So sánh tỉ lệ giữa hai loại trên ở thời kì này là 74,29% và 25,71%. Đối chiếu với kết quả khảo sát hai loại chữ vay mượn và sáng tạo trong các văn Nôm thế XVIII và XIX không có sự khác biệt lớn.

b. Sự khác biệt đáng kể giữa chữ Nôm TK XX so với chữ Nôm các giai đoạn trước, nhất là từ nửa đầu thế kỷ XVIII về trước thể hiện ở chỗ biến động trong nội bộ hai loại chữ vay mượn và sáng tạo.

Hai kiểu chữ đọc đúng âm Hán Việt (M2) và đọc chệch âm Hán Việt (M3) ở các giai đoạn có sự chênh lệch khá lớn. Căn cứ vào số liệu so sánh qua khảo sát những văn bản tiêu biểu ở mỗi giai đoạn cụ thể là:

Loại chữ

Giai đoạn

Chữ Nôm tự tạo %

Chữ Nôm vay mượn %

H2

H3

M2

M3

TK XX

5,33

19,31

57,91

7,77

TK XVII, XIX

6,20

21,60

10,90

25,25

 

Từ thông số nêu trên cho thấyloại chữ M2 gấp » 7,5 lần chữ M3 (thế kỷ XX), ngược lại, chữ M3 gấp hơn 2 lần chữ M2 (thế kỷ XVIII, XIX). Điều này phản ánh rất rõ tính hiện đại của tiếng Việt, lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt là rất lớn. Đây chính là điểm nổi bật đáng chú ý nhất của chữ Nôm thế kỷ XX.

Trong các kiểu loại cấu trúc chữ sáng tạo, có hai kiểu loại chiếm tỷ số lớn hơn là H2 (chữ lược nét, viết tắt) và H3 (chữ ghép âm nghĩa). So sánh hai kiểu loại này ở hai giai đoạn như số liệu ở bảng trên là tương đương nhau, không có sự biến đổi đáng kể. Tuy nhiên, xét tổng thể trừ kiểu chữ Nôm M2 ra, các kiểu loại khác có sự biến đổi, nhưng biên độ giao động không cao. Tình hình trên khác với sự so sánh chữ Nôm kiểu H3 trước và sau thế kỷ XVII. Kiểu loại chữ cấu tạo H3 từ Truyện Kiều của Nguyễn Du thế kỷ XVIII đã đi vào quỹ đạo ổn định.

c. Về nguyên lý cấu trúc chữ Nôm TK XX đã hoàn toàn ổn định, tính thống nhất trong thư tịch viết bằng chữ Nôm giữa các tác giả, các vùng miền cao hơn so với trước, tuy rằng tính chất thổ ngữ, phương ngữ còn thể hiện rất rõ trong các văn bản. Điều này cho thấy về cơ bản chữ Nôm giai đoạn này từng chữ cụ thể đã được xác lập lối viết một cách chính xác.

Sự dịch chuyển nguyên lý tạo ra chữ rất hiểm xảy ra mà ổn định như: tay ( ), người (????), lời (????), trong (????), (????), xin (吀), ở (於), còn (群), đất (坦), sóng (㳥) v.v…

Sự biến động về lối viết thường rơi vào các dạng chữ đọc chệch âm Hán Việt, chữ ghép âm + âm, chữ có ký hiệu phụ. Hai yếu tố chi phối sự biến động trên là do độ co giãn, linh động của các kiểu viết đọc chệch âm, dấu phụ, không tuân thủ quy luật biến âm chuẩn xác. Và do sự phát triển của tiếng Việt chi phối ở giai đoạn này.

Có thể khẳng định rằng chữ Nôm thế kỷ XX đạt tới độ chuẩn mực cao nhất về mặt hình thức thể hiện các phương thức cấu trúc. Mặt khác, nó phản ánh rõ nét tính chất hiện đại của tiếng Việt suốt quá trình phát triển không ngừng trong quan hệ qua lại giữa các ngôn ngữ. Tương diện giữa hình thức văn tự Nôm và tiếng Việt là tính chất hiện đại của ngôn ngữ.

5. Thế kỷ XX bước tiến dài nghiên cứu về chữ Nôm, mở ra hướng khả thủ trong thời kì hội nhập quốc tế.

Nếu trước năm 1945, việc nghiên cứu chữ Nôm hầu như chỉ thoáng qua với những đánh giá, nhận định sơ lược được ghi chép trong các tài liệu lịch sử, lịch sử văn học… của số ít các học giả(4). Mỗi học giả có cách nhìn, nhận định riêng qua một số tiêu chí như nguồn gốc, cấu trúc, diễn biến, lịch sử phát triển của chữ Nôm. Những giả thuyết dân gian, hoặc những cứ liệu lịch sử để đoán định. Chính vì vậy, những ý kiến trên còn bộc lộ nhiều hạn chế, tuy nhiên bước đầu nó có những đóng góp nhất định cho việc tìm hiểu và nghiên cứu chữ Nôm.

Từ thập kỷ bảy mươi, thế kỷ XX trở lại đây, việc nghiên cứu chữ Nôm đã vận dụng phương pháp tiếp cận mang tính khoa học, giải quyết tổng thể hay đề cập đến một khía cạnh nào đó đều đem lại giá trị cao đối với việc nghiên cứu chữ Nôm.

Lĩnh vực đào tạo Hán Nôm nói chung, chữ Nôm nói riêng mở ra tiền đề mới cho việc phổ cập hình thức văn tự riêng của dân tộc. Việc dạy chữ Nôm không chỉ dành cho sinh viên chuyên ngành Hán Nôm ở bậc đại học mà còn mở rộng tới một số ngành có liên quan như ngôn ngữ, văn học, du lịch… Đặc biệt, người nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu và học tập, một số người tìm học chữ Nôm để phục vụ cho chuyên môn của mình. Từ khi chữ Nôm của người Việt được tổ chức văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là loại hình văn tự sáng tạo của nhân loại, chữ Nôm thu hút sự chú ý nhiều hơn cả ở trong nước và nước ngoài.

Tại Hoa Kỳ, Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ lập ra nhằm góp phần gìn giữ vốn văn hóa cổ của người Việt. Và hiện Hội này có văn phòng đại diện là “Nhóm Nôm na” tại Hà Nội. Điều đó minh chứng cho giá trị của chữ Nôm Việt đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam và nhân loại.

Thời kỳ hội nhập quốc tế mở ra cho việc sưu tầm, bảo tồn, khai thác và dạy chữ Nôm ở diện rộng là hết sức khả quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào việc bảo quản, nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm trên giảng đường cũng như đào tạo từ xa, hay trên mạng là rất cần thiết. Tiếp cận dần và cụ thể hóa việc đưa chữ Nôm vào các phương tiện, thiết bị cầm tay PDA dùng để tra cứu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Những đóng góp của chữ Nôm thế kỷ XX có ý nghĩa hết sức to lớn đối với lịch sử và văn hóa nước nhà, mở ra những giá trị mới để hội nhập thế giới trong thế kỷ XXI.

Chú thích:

(1) Chữ người viết dùng chỉ sự hạn chế sử dụng chữ Nôm trong đời sống.

(2) Giám mục Puginies là cố vấn tối cao của chính quyền thực dân Pháp, làm việc, cư trú ở Viễn Đông 27 năm.

(3) Hai tác phẩm khảo sát:

1. Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh, TVHN-KH-VHv.1370.

2 Nghị định chỉnh đốn lại hương hội các xã Nam dân ở Bắc Kỳ, TVQG-KH-R1829.

(4) Các tác giả như: Phạm Huy Hổ, Trương Vĩnh Ký, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đồng Chi, Dương Quảng Hàm./.

LÊ ANH TUẤN

Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội