Theo TS Trần Trọng Dương, nếu dựa theo tiêu chí loại hình chữ viết, có thể phân lịch sử VN thành 2 giai đoạn. Giai đoạn chữ Nôm từ khởi đầu thời Lý - Trần tới 1945 và giai đoạn chữ Quốc ngữ từ 1945 đến nay.
Quyết định của cụ Võ Nguyên Giáp về chữ Quốc ngữ là chính thức đã khai tử các chữ viết Nôm để bước hẳn sang một văn hóa khác. Chúng ta không hiểu được những gì người 100 năm trước viết là do có đứt gãy ấy. Nhưng không thể kéo lùi bánh xe lịch sử được.
TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) là người thuyết trình đầu tiên tại buổi nói chuyện “Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ: Chủ nghĩa quốc dân và quá trình kiến tạo bản sắc dân tộc” diễn ra chiều 6.12 tại Hà Nội. Ông bắt đầu bằng câu chuyện mình thường xuyên nhận được câu hỏi Nôm là gì, Quốc ngữ là gì. “Nhiều người không biết chữ Nôm là gì bởi không sử dụng nữa. Đó là di sản thuộc về quá khứ. Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi Nôm là gì, Quốc ngữ là gì. Chúng ta hay nói ôm đồm Hán Nôm, mặc dù có hai khái niệm khác nhau. Chữ Hán để ghi tiếng Hán, chữ Nôm ghi tiếng Việt. Trong lịch sử, có hai loại hình văn tự để ghi tiếng Việt, một là Nôm, hai là chữ Quốc ngữ. Nhưng trong sử liệu sớm đầu tiên được ghi nhận thì Nôm không được ghi là Nôm mà Nôm được gọi là chữ Quốc ngữ”, ông Dương nói.
Ông Dương dẫn việc Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi về việc dùng Quốc ngữ để làm văn thơ. Chẳng hạn, Chu Văn An có tập Tiêu ẩn quốc ngữ thi tập. “Cụ Nguyễn Trãi siêu cả Hán văn và thơ Nôm. Các chữ như quốc ngữ, quốc âm, phương ngôn, phương âm đều chỉ dùng tiếng Việt. Khái niệm chữ Nôm lần đầu tiên được ghi nhận là trong từ điển của Alexandre de Rhode”, ông nói.
Cũng theo ông Dương, để ghi lại tiếng Việt, đã có cuộc tiếp sức của các loại hình chữ viết. Trong đó, việc sáng tạo và ra đời của chữ Nôm là mốc cực kỳ quan trọng. Thậm chí, theo ông Dương: “Nếu dựa theo tiêu chí loại hình chữ viết có thể chia lịch sử VN làm 2 giai đoạn. Giai đoạn chữ Nôm từ khởi đầu thời Lý - Trần tới 1945, và hai là giai đoạn chữ Quốc ngữ, từ năm 1945 trở lại đây. Sau 1945, khi nhà nước công nhận chữ Quốc ngữ, là bước phân kỳ rất quan trọng về mặt văn hóa. Tuy nhiên, có điều bất biến là cả hai loại hình này đều dùng để ghi tiếng Việt”.
Theo ông Dương, việc chữ được các nhà truyền giáo nước ngoài dùng để ghi lại tiếng Việt là một bước ngoặt văn hóa. Vì tiếng Việt được ghi theo một truyền thống văn hóa khác. Từ thế kỷ 16 - 17 đến thế kỷ 19, chữ Latin để ghi tiếng Việt chỉ được sử dụng trong một phạm vi hẹp các cộng đồng giáo sĩ, chưa ảnh hưởng đến diện rộng. Sau đó, chữ Quốc ngữ trở thành công cụ của chính quyền, của thực dân Pháp, mà họ gọi là khai hóa văn minh. Sau này, các nhà nho cũng thay đổi dần ý thức hệ, người ta không còn quốc ngữ của triều đình nữa mà dùng khái niệm Quốc ngữ để dùng cho khái niệm ngôn ngữ của một quốc dân (nation).
Theo TS Dương, cuộc vận động dùng chữ Quốc ngữ còn là cuộc vận động cực lớn trong xã hội. Mục đích chính của phong trào vận động là một nền văn hóa cứu quốc. Quốc văn, Quốc ngữ cũng thành công cụ chính trị, được sử dụng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. “Sắc lệnh số 20 do cụ Võ Nguyên Giáp ký có quy định về việc sử dụng chữ Quốc ngữ và coi đó là chữ viết của nước mình. Người ta coi chữ Quốc ngữ là một biểu hiện của bản sắc văn hóa, là bản sắc văn hóa mà ai cũng có thể sở hữu và tự hào”, ông Dương nói. Như vậy, theo TS Dương, chữ Quốc ngữ trước đây là chữ của triều đình, của bang quốc. Song sau đó, nó được hiểu là chữ của một quốc gia mang tính hiện đại.
TS Phạm Thị Kiều Ly (Đại học Sorbonne Nouvelle, Pháp) lại nói đến một tư liệu về Francisco De Pina, khi ông này đến Đàng Trong năm 1617 và đã xây dựng xong một bản từ vựng, ghi hệ thống ngữ âm chứ chưa hoàn thành bản ngữ pháp chính thống. Vì thế, có ý kiến cho rằng tiếng Việt không có ngữ pháp tồn tại khá lâu cho đến khi Alexandre De Rhodes hoàn chỉnh cuốn ngữ pháp. Bà Ly cũng đưa ra tư liệu về việc có những thừa sai đã đưa 2 cuốn từ điển của mình cho Alexandre De Rhodes mang về Bồ Đào Nha để in. Thời đó chưa có bản quyền như hiện nay, nhưng Rhodes ghi rõ ông học với cha De Pina…
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên còn nêu vấn đề: “Tôi vẫn cho chữ Quốc ngữ là một thứ ngẫu nhiên và người Việt là người ăn may, ăn sẵn”. Còn theo TS Ly: “Theo trào lưu ngữ học truyền giáo, hồi đấy không có khái niệm âm như bây giờ. Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch là nghe thế nào nói thế ấy”. Trong cuốn từ điển đầu tiên là của Alexandre De Rhodes, sẽ có cách ghi, chẳng hạn trời là blời. Cũng theo bà Ly, giả sử người của thế kỷ 17 nghe chúng ta nói tiếng Việt bây giờ, họ cũng có thể hiểu được.
TS Dương cho rằng: “Quyết định của cụ Võ Nguyên Giáp về chữ Quốc ngữ là chính thức đã khai tử các chữ viết Nôm để bước hẳn sang một văn hóa khác. Chúng ta không hiểu được những gì người 100 năm trước viết là do có đứt gãy ấy. Nhưng không thể kéo lùi bánh xe lịch sử được”.
Trinh Nguyễn.