GÓP PHẦN GIẢI MÃ HAI CHỮ SONG VIẾT TỪ CÂU HỒ CỔ Ở THỪA THIÊN HUẾ


 

Nguyễn Thế

Phòng Văn hoá Thông tin huyện Phong Điền

 

Hai từ SONG VIẾT đã từng xuất hiện trong các tác phẩm chữ Nôm cổ như Nguyễn Trãi Quốc âm thi tâp, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc âm thi tập mà hàng chục năm qua các nhà nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ học - đặc biệt là giới nghiên cứu Hán Nôm - đã có khá nhiều bài viết trao đổi về cách đọc của hai chữ này.

 

Nhiều đề nghị cách đọc Nôm của hai chữ SONG VIẾT đã được đưa ra, nhưng hầu như đến nay, chưa có giả thiết nào được mọi người tán đồng và đi đến thống nhất cao. Bởi lẽ, mọi người chỉ nhìn thấy con chữ rồi tuỳ theo ngữ cảnh mà đưa ra cách đọc khác nhau chứ trong dân gian chưa thấy nơi nào còn dùng hai chữ này. Gần đây, GS Nguyễn Tài Cẩn lại viết tiếp bài: Xin trở lại vấn đề Song Viết, Ông đã mở đầu bài viết như sau:

“Nửa thế kỷ đã trôi qua, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng, nhưng hai chữ SONG VIẾT mãi đến nay vẫn đang còn là 2 chữ X+Y đầy bí ẩn, chưa từng được giải mã”.

        GS Nguyễn Tài Cẩn (NTC), người đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về Ngôn ngữ học và Hán Nôm học có giá trị. Riêng đối với hai chữ SONG VIẾT,  NTC đã có những bài nghiên cứu khá công phu về những yếu tố biến âm, cách đọc, ngữ nghĩa… Trong bài Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ SONG VIẾT, tác giả đã lập bảng  thống kê, so sánh, đối chiếu với các tư liệu thu thập được (kể cả tư liệu ngôn ngữ, văn tự của các dân tộc ít người và các quốc gia lân cận), tra cứu từ nguồn các từ điển chữ Nôm cổ có ở trong nước cũng như đang lưu trữ ở nước ngoài để tìm cách giải mã, tìm ra âm đọc của hai từ SONG VIẾT. Từ những kết quả khảo cứu trên, NTC đã đề nghị âm đọc của hai chữ SONG VIẾT là RÔNG VAT. NTC đã viết:

 “Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, có thể tạm cho song viết là cách ghi Nôm của rông vát, một từ đôi đã cổ, hiện chỉ còn lưu lại trong từ điển cuối thế kỷ XIX ( Từ điển thường ghi rông vát nhưng một lần ghi dông vát, một lần rong vát và một lần giong vác). Song viết là một lối ghi Nôm khá cổ và khá phù hợp với ngữ âm lịch sử.

Khi nghiên cứu di sản văn hoá dân gian ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã bắt gặp nhiều câu hò mang lời cổ. Đặc biệt trong đó có câu:

Con chim đại bàng bay ngang hòn núi bạc, con cá ngư ông giong vát ngoài khơi.

Gặp nhau đây phân tỏ một đôi lời, kẻo một mai tê con cá ngư ông về sông vịnh, con chim nọ đổi dời non xanh (non cao).

Điều chúng tôi quan tâm ở đây là hai từ giong vát (có người hò thành gióng vát)ở trong câu hò. Phải chăng đây chính là âm đọc của hai từ SONG VIẾT đã từng xuất hiện trong các tác phẩm chữ Nôm cổ nêu trên.

 

 

Làng Phò trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng có lịch sử hình thành khá sớm, có thể người dân ở đây đã có mặt từ buổi đầu di dân mở nước ở vùng Thuận Hoá.. Nghề đan đệm bàng ở đây được xem là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời và được người dân mang theo từ quê cũ đến nơi vùng đất mới.  Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử và gia phả các dòng họ trong làng thì làng này có nguồn gốc từ vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn đã từng ghi: “Làng Phò Trạch thuộc huyện Hương Trà (nay là Phong Điền) có nghề dệt lác làm chiếu tục gọi là chiếu đệm, cũng dùng làm buồm như ở Quảng Lãm, Kinh Bắc” [1]. Nơi đây hiện còn bảo lưu được các loại hình nghệ thuật dân gian cổ như: Hát sắc bùa, hát trò, tập chèo, múa phương tướng…Trong nghi thức tế lễ của làng còn có cả Thài dật, múa (chạy chữ) Thiên hạ thái bình. Đây chính là những hình thức lễ hội mang dấu ấn văn hoá thời Lê  Đặc biệt, nội dung của ca từ, lời thoại ở các bài ca có sử dụng một số từ Nôm cổ mà hiện nay hầu như những từ ấy đã bị biến mất trong ngôn ngữ đời thường. Ví dụ như trong tiết mục hát sắc bùa có đoạn:

Trong nhà tắt lửa, thì thổi lửa lên cho chúng min [2]  vào bắt thằng tà thằng quỉ, bắt thằng lũ lĩ  [3] chân tay, bắt thằng ngay thằng vạy  [4] , đố thằng nào chạy khỏi tay ông.

Hoặc câu:

Đăng trà quả thực hương hoa, Bàn thờ tiên tổ ông bà chiêu đăm  [5].

 

Trong ngôn ngữ của nghề đan đệm bàng ở làng này vẫn còn tồn tại một số âm đọc cổ của chữ Nôm, ví dụ: Trong động tác rút cây bàng để chọn kích thước cho đồng đều, người dân ở đây gọi là tót. Chữ tót ( 捽) trong tiếng Nôm cổ được viết phần biểu ý là bộ thủ xóc (nằm bên trái), phần biểu âm là chữ tốt (nằm bên phải). Thông thường, ở trong Tự điển và các văn bản Nôm chữ này được đọc là rút. Trong Đại Nam Quốc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có ghi nhận chữ tót và giải nghĩa là: Rút ra, quá khỏi, hơn, nhọn, vót.  

 

Khi nghiên cứu di sản văn hoá dân gian ở vùng này, chúng tôi đã bắt gặp nhiều câu hò mang lời cổ vẫn được các cụ già cất lên khi ru cháu. Đặc biệt trong đó có câu:

Con chim đại bàng bay ngang hòn núi bạc, con cá ngư ông giong vát ngoài khơi.

Gặp nhau đây phân tỏ một đôi lời, kẻo một mai tê con cá ngư ông về sông vịnh, con chim nọ đổi dời non xanh (non cao).

Điều chúng tôi quan tâm ở đây là hai từ giong vát ở trong câu hò. Phải chăng đây chính là âm đọc của hai từ SONG VIẾT đã từng xuất hiện trong các tác phẩm chữ Nôm cổ như Nguyễn Trãi Quốc âm thi tâp, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc âm thi tập mà hàng chục năm qua các nhà nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ học - đặc biệt là giới nghiên cứu Hán Nôm - đã có khá nhiều bài viết trao đổi về cách đọc của hai chữ này.

 

Để có cái nhìn tổng quan về sự xuất hiện của hai từ song viết trong các tác phẩm Nôm cổ, chúng tôi xin phép dẫn lại bản lại bản lượt kê các câu thơ có chứa hai từ SONG VIẾT do cố học giả Đào Duy Anh thống kê.

 

Trong Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập:

 

1- Con cháu chớ hiềm (song viết) ngặt,

  Thi thư thực ấy báu ngàn đời. (Ngôn chí 9)

 2- Con cháu mựa hiềm (song viết) tiện

      Nghìn đầu cam quít ấy là tôi. (Ngôn chí 12)

 3- Song viết hằng lề phiến sách cũ

  Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa. (Ngôn chí 19)

 4- Song viết lại toan vào cửa tích,

  Bạc mai vàng cúc để cho con (Thuật hứng 4)

 5- Buồng văn lấp cửa trọn ngày thu

  Đèn sách nhàn làm song viết nhu (Thuật hứng 13)

 6-  Song viết có nghèo dân có khó,

      Cửa nhà càng rộng thế càng phiền (Tự giới 16)

 7- Song viết huống còn non nước cũ,

  Mặc dầu thua được có ai tranh (Tự giới 29)

 8- Một yên một sách một con lều

  Song viết bao nhiêu mặc bấy nhiêu (Tự giới 37)

 

Trong Hồng Đức Quốc âm thi tập:

 

9- Năm hồ nhưng lấy làm song viết

  Bốn bể đều thời thảy nết na (Hằng Nga nguyệt)

10- Ngư hà song viết ngày thường đủ

  Bạng duật đôi co thế ngại dòm (Vịnh ngư)

11- Nẻo đầu kể bốn thú nhàn cư

  Song viết ai bằng song viết ngư (Tứ thú 1, Vịnh ngư)

12- Một rìu một búa cửa hôm diêu

  Song viết ai bằng song viết tiều (Tứ thú 2, Vịnh tiều)

13 - Một cày một cuốc phận đã đành

  Song viết ai bằng song viết canh (Tứ thú 3, Vịnh canh)

14- Nẻo ra thời có phu đồng bọc

  Song viết ai bằng song viết mục (Tứ thú 4, Vịnh mục)

15- Phong nguyệt ít nhiều song viết đủ

  Khứng đâu vay bợ khứng cho ai (Ngư nhân thuyền)

16- Bốn mùa song viết một thuyền chài

  Sớm chốn giang hồ tối nguyệt đài (Ngư nhân thuyền 2)

 

Trong Bạch Vân Quốc âm thi tập:

 

17- Song viết chớ rằng đã hổ

    Đến đâu thời cũng có xuân phong (Bài 33)

18- Khách đến hỏi nào song viết

    Nửa rằng còn một túi thơ treo (Bài 38)

19- Song viết hãy còn hai dặng quýt

    Thất gia chẳng hết một căn lều ( Bài 51)

20- Mựa hiềm song viết nhà còn ngặt

    Tích đức cho con ấy mới mầu

 

Nhiều đề nghị cách đọc Nôm của hai chữ SONG VIẾT đã được đưa ra, nhưng hầu như đến nay, chưa có giả thiết nào được mọi người tán đồng và đi đến thống nhất cao. Bởi lẽ, mọi người chỉ nhìn thấy con chữ rồi tuỳ theo ngữ cảnh mà đưa ra cách đọc khác nhau chứ trong dân gian chưa thấy nơi nào còn dùng hai chữ này. Gần đây, GS Nguyễn Tài Cẩn lại viết tiếp bài: Xin trở lại vấn đề Song Viết, đăng trong cuốn Từ Đông sang Tây (Tập biên khảo về  Khoa học xã hội và nhân văn - do Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính chủ biên. NXB Đà Nẳng ấn hành năm 2005). Ông đã mở đầu bài viết như sau:

“Nửa thế kỷ đã trôi qua, các nhà nghiên cứu đã lên tiếng, nhưng hai chữ SONG VIẾT mãi đến nay vẫn đang còn là 2 chữ X+Y đầy bí ẩn, chưa từng được giải mã”.

 

Chúng tôi xin được lượt kê một số ý kiến của các nhà nghiên cứu đối với hai chữ Song viết:

 

  1. Giữ nguyên cách đọc Hán việt: Song viết.

Từ năm 1956, khi hai cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm tiến hành nghiên cứu và phiên dịch các bản Quốc âm thi tập đã giữ nguyên âm Hán Việt của hai chữ này và để chúng vào mục tồn nghi. Hai cụ viết: “Chúng tôi cũng không dám cố chấp, cũng đã theo nguyên tắc muôn thuở, đọc chữ Nôm phải linh động, theo nghĩa trong câu có thể chệch đi ít nhiều cho hiểu được nghĩa. Nhưng sau khi đem hai chữ “ song viết”…chuyển lên , chuyển xuống, chuyển ngang, chuyển dọc, cũng không đi đến đâu cả. Vì vậy, chúng tôi đành giữ nguyên âm mặt chữ, xin các bạn nghiên cứu giúp và góp ý kiến”.

  1. Năm 1962, cụ Đào Duy Anh đã viết một bài đăng ở tập san Nghiên cứu lịch sử đưa ý kiến cho rằng hai chữ này khi thì phải đọc nô bộc, khi thì phải đọc sớm tối, khi phải đọc thong thả, vì song viết chính là do ba từ đó chép nhầm mà thành.
  2. Năm 1967, Đỗ Văn Hỷ đưa ra giả thuyết hai chữ này là song nhật, và đề nghị đọc theo âm Nôm là suông nhạt.
  3. Nguyễn Quảng Tuân cho rằng đó là hai chữ Song nhật chứ không phải là song viết. Ông ta viện dẫn theo thư tịch cổ của Trung Quốc như Đường thư, Tống sử, Khúc lễ và các bộ từ điển lớn như: Từ Nguyên, Từ Hải. Các sách ấy đã ghi: Song nhật là ngày chẵn, trái với chích nhật là ngày lẻ ).
  4. Trong bài viết “ Phát hiện thêm một số cách phiên âm khác về hai chữ “ Song nhật” đăng ở Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 2000, Ngô Đăng Lợi (NĐL)đã dẫn hai trường hợp xuất hiện hai chữ phiên âm song nhặt ở hai cuốn sách:

 - Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa (sách Quốc ngữ) do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Lê Thành Ý biê n soạn (Nhà in Nghiêm Hàm, Hà Nội ấn hành năm1925) có tuyển một bài thơ Nôm khuyết danh: “Ngư, Tiều, Canh, Mục” (trang 148) trong đó có câu:

Ngư hà song nhặt ngày hằng đủ,

Bạch duật đôi co thế ngại nom.

- Chiêm nam nữ kết hôn hợp ngũ hành bát quái kiến cung cát hung (sách Hán Nôm) của cụ Kiều Văn Chú ở Vũ Thư, Thái Bình. Trong sách có hai câu có chữ song nhật, được chính tác giả phiên âm ra Quốc ngữ là thong nhật (thong = song, cách phát âm của người vùng ven biển Thái Bình).

- Đã phá hết giàu thời lại có

Cửa nhà thong (song) nhật hết lại còn.

 

- Quan tước được giàu tài vật có,

Cửa nhà thong (song) nhật thuở nào xa.

 

NĐL cho rằng: Âm song nhật, song nhặt nêu trên có nghĩa là tài sản, của cải, đầy tớ thì phù hợp với mạch văn và ý nghĩa cũng trở nên rõ ràng...

 

  1. Trong Bạch Vân Quốc âm thi tập, Sở Cuồng Lê Dư cũng phiên là Song nhặt (đọc trại âm song nhật).
  2. Cụ Vũ Văn Kính cũng cho hai chữ trên là Song nhật chứ không phải là Song viết và đề nghị đọc là Suông nhạt, lấy cớ là dịch từ chữ Thanh đạm trong chữ Hán mà các nhà Nho nghèo thường tự cho mình là Nho gia thanh đạm (nghèo nhưng vẫn trong sạch liêm khiết).

Ví dụ: Ba câu trong Bạch Vân Quốc âm thi tập có thể đọc:

Suông nhạt chưa rằng đã hổ,

Đến đâu thời cũng có xuân phong.

 

Khách đến hỏi nào suông nhạt nữa,

Rằng còn một túi thơ treo.

 

Suông nhạt hãy còn hai rặng quít,

Thất gia chẳng hết một con lều.

 

Trong quá trình tìm cách giải mã hai chữ song viết, một số nhà nghiên cứu còn bắt gặp những bài thơ Nôm có chứa các từ này. Ví dụ như bốn câu thơ của cụ Nguyễn Hằng (1548 – 1625) do Nguyễn Công Hoan giới thiệu trong  bài: “Song viết hay song kiết, song biết” (Tạp chí Văn học số 5 năm 1974).Trong câu thơ thứ hai, ghi theo trí nhớ của gia đình là song kiết, nhưng theo cụ Nguyễn Tường Phượng thì lại là song biết:

 

Ba mươi chín tuổi đổ đăng khoa

Song kiết (biết) ai bằng song kiết (biết) ta

Đãi khách vẻ vang rau lộc: muống

Điều canh chan chứa nước chè: cà

 

 Ngoài ra còn có một số ý kiến nêu thêm một số cách đọc khác như: Túng kiết, song kiết, song cát…

 

GS Nguyễn Tài Cẩn (NTC), người đã biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về Ngôn ngữ học và Hán Nôm học có giá trị. Riêng đối với hai chữ SONG VIẾT,  NTC đã có những bài nghiên cứu khá công phu về những yếu tố biến âm, cách đọc, ngữ nghĩa… Trong bài Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ SONG VIẾT, tác giả đã lập bảng  thống kê, so sánh, đối chiếu với các tư liệu thu thập được (kể cả tư liệu ngôn ngữ, văn tự của các dân tộc ít người và các quốc gia lân cận), tra cứu từ nguồn các từ điển chữ Nôm cổ có ở trong nước cũng như đang lưu trữ ở nước ngoài để tìm cách giải mã, tìm ra âm đọc của hai từ SONG VIẾT. Từ những kết quả khảo cứu trên, NTC đã đề nghị âm đọc của hai chữ SONG VIẾT là RÔNG VAT. NTC đã viết:

“ Cái ấn tượng đầu tiên đến với chúng ta là rông vát, rong vát, róng vát đọc lên nghe rất lạ. Nhưng đây lại là từ đôi có sẵn, và khá cổ.

 Nói như cụ Đào Duy Anh thì đây đúng là những từ “thiên thành” đã được ghi nhận nhiều lần ở từ điển Génibrel (trong mục chữ róng và chữ vát) cả ở từ điển Taberd, từ điển G.Huê, cả ở từ điển H.T Của (trong mục chữ róng). Riêng rông vát, rong vát thì chỉ xuất hiện ở H.T Của. Nhưng ở từ điển này lại còn có cả “giong vát” giảng ở mục chữ “giong” và “dông vat” nằm trong câu giải thích từ “dông dài”.

 

Trong phần kết luận NTC đã nhận định:

“Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, có thể tạm cho song viết là cách ghi Nôm của rông vát, một từ đôi đã cổ, hiện chỉ còn lưu lại trong từ điển cuối thế kỷ XIX ( Từ điển thường ghi rông vát nhưng một lần ghi dông vát, một lần rong vát và một lần giong vác). Song viết là một lối ghi Nôm khá cổ và khá phù hợp với ngữ âm lịch sử.

 

Với mô hình thanh điệu “bằng - trắc”, với đặc điểm ngữ pháp là một động từ đôi láy nghĩa, và nhất là với nghĩa trường phong phú của mình (= dong chơi, thơ thẩn, nhàn tản, phóng túng…) rông vát đáng được xem là một từ tương đối đủ điều kiện để thoả mãn các yêu cầu của 23 văn cảnh đang xét”.

 

Sau năm 1975, NTC lại tiếp thu thêm từ miền Nam một cách đọc thứ 2 nữa là SONG viết với ý nghĩa Tài Sản. Cách đọc RÔNG VÁT trước kia thì đa nghĩa: từ cái nghĩa gốc là LANG THANG XUÔI NGƯỢC, nhiều nghĩa phụ phát sinh:

 

--- LANG THANG XUÔI NGƯỢC  >  VUI THÚ , NGAO DU

--- LANG THANG XUÔI NGƯỢC  >  CHƠI BỜI , ĐÀNG ĐIẾM

--- LANG THANG XUÔI NGƯỢC  >  PHIÊU BẠT , VẤT VƯỞNG

 

Cách đọc SONG VIẾT với ý nghĩa là TÀI SẢN lại có ngoại diên rất rộng. do đó trong rất nhiều câu hình như dùng RÔNG VÁT với ý nghĩa là VUI THÚ cũng được, mà dùng SONG VIẾT với ý nghĩa VUI THÚ cũng được. So sánh:

 

Nguyễn Trãi:                  Đèn sách nhàn làm VUI THÚ nho

                      Đèn sách nhàn làm TÀI SẢN nho

 

      Nguyễn Bỉnh Khiêm:      VUI THÚ hãy còn hai rặng quít

                                         TÀI SẢN hãy còn hai rặng quít

 

Lê Thánh Tông:               VUI THÚ ai bằng VUI THÚ tiều

                                          TÀI SẢN ai bằng TÀI SẢN tiều

 

Nhóm Hồng Đức:             Bốn mùa VUI THÚ một thuyền chài

                                          Bốn mùa TÀI SẢN một thuyền chài

 

Những văn cảnh chỉ dùng được một cách đọc duy nhất ( hoặc là RÔNG VÁT hoặc là SONG VIẾT ) tự nhiên trở nên rất hiếm.

 

            Chúng tôi, là kẻ hậu học, chỉ biết noi gương người đi trước để cố gắng làm sao hiểu được những lời hay ý đẹp trong văn chương của cổ nhân. May sao, khi đọc những bài nghiên cứu về hai chữ song viết, đặc biệt là những bài của GS Nguyễn Tài Cẩn, bổng nhiên tôi nhớ đến câu hò cổ mà ngày xưa Bà và Mẹ chúng tôi đã hò để ru chúng tôi qua từng giấc ngủ:

 

       À ơi…Con chim đại bàng bay ngang hòn núi bạc, con cá ngư ông giong vát ngoài khơi. Gặp nhau đây phân tỏ một đôi lời, kẻo một mai tê con cá ngư ông về sông vịnh, con chim nọ đổi dời non cao.

 

Hai chữ giong vát trong câu hò mà chúng tôi nêu ở trên cũng có người hò thành gióng vát. Ngoài ra, câu hò này vẫn còn có dị bản:

 

Con chim đại bàng bay ngang hòn núi bạc, con cá ngư ông móng nác ngoài khơi…

 

Chúng tôi nghĩ rằng có thể vì nghe hai chữ giong vát (hay gióng vát) hơi lạ và khó hiểu nên người đời sau đã chữa thành móng nác (móng nước), và về sau hai chữ móng nác được sử dụng thịnh hành hơn. Ở làng Phò Trạch, những người lớn tuổi (khoảng 70 trở lên) trong đó có mẹ tôi cho đến nay vẫn hò đúng hai chữ giong vát (hay gióng vát). Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng hai con vật nêu trong câu hò này là hai con vật khá đặc biệt: Đại bàng là một loài chim lớn nhất trong các loài chim, còn cá ngư ông, hay còn gọi là cá ông chính là loài cá voi to lớn nơi biển cả, mà đối với cá voi thì động tác “giong vác” có vẻ hợp lý hơn “móng nác”[6]. Hơn nữa đây đúng là trường hợp hiếm có đã nói ở trên: chỉ có thể dùng GIONG VÁC với ý nghĩa XUÔI NGƯỢC, VUI THÚ, NGAO DU chứ không thể dùng cách đọc SONG VIẾT với ý nghĩa TÀI SẢN, CỦA CẢI.

 

Trở lại với từ đôi rông vác hay dong vác mà NTC đã nêu trong các bài nghiên cứu, trước hết chúng tôi nhận thấy rằng NTC đã có sự nhất quán trong quan điểm của mình khi cho rằng cách đọc của hai chữ song viết ở các bài thơ Nôm cổ nêu trên là rông vát hay dong vát, và xem đây là “từ tương đối đủ điều kiện để thoả mãn các yêu cầu của 23 văn cảnh đang xét”. Trong bài tiếp theo: Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết? đăng trong Tạp chí Văn học số 6 năm1975, NTC đã phân tích khá sâu về vấn đề này và tiếp tục “bảo vệ” giả thiết về cách đọc Nôm hai từ song viếtrông vát. Tuy vậy, khi kết thúc bài viết, NTC vẫn chưa hoàn toàn thoả mãn với những điều kiện mà ông đã nêu, ông mong sẽ còn những khám phá mới về hai chữ này. Ông viết:

“Cố nhiên chúng tôi vẫn hy vọng rằng đến đây vấn đề chưa phải là đã chấm dứt. Hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ đang còn có dịp phát hiện thêm được nhiều cứ liệu mới nữa, phát hiện được một số lượng cần thiết, đáng tin cậy, đủ để dám đưa ra một sự khẳng định dứt khoát hơn về cách đọc “rông vát”, hoặc đủ để có thể bác bỏ nó, tiến tới tìm ra được một giả thiết khác, thú vị hơn, gần chân lý hơn”.   

 

Khi dẫn chứng câu hò cổ này để lạm bàn thêm về hai từ giong vát, chúng tôi không dám nói là một khám phá, hay phát hiện vì đây là câu hò mà chúng tôi và bao thế hệ người dân làng Phò Trạch đã được nghe từ thuở còn nằm nôi. Là một người con sinh ra và lớn lên trong một làng quê mang đậm dấu ấn của thời di dân mở nước của vùng Thuận Hoá, nơi còn bảo lưu những loại hình văn hoá dân gian của người Việt vùng đồng bằng ven biển Bắc bộ xưa. Đặc biệt, nơi đây tôi đã sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ “chân quê”, nơi mà những từ Nôm cổ của cha ông xưa vẫn chưa hề biến mất trong trí nhớ của người lớn và trong ngôn ngữ đời thường. Chính những yếu tố này đã giúp tôi dễ dàng tiếp cận để tìm hiểu văn tự Nôm nói chung và chữ Nôm của vùng Thừa Thiên Huế. Câu hò cổ mà chúng tôi nêu ra hôm nay với mong muốn được đóng góp một cứ liệu nhỏ bé nhằm góp phần giải mã cách đọc Nôm của hai từ song viết. Chúng tôi rất mong được các bậc thức giả chỉ bảo thêm. Đặc biệt là GS Nguyễn Tài Cẩn, người đã dày công nghiên cứu hai từ song viết trong hơn ba mươi năm. Chính nhờ được những bài nghiên cứu của GS mà chúng tôi có được tư liệu để hoàn thành bài tham luận này.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.
  2. Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Nxb Văn học – Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Tp Hồ chí Minh, 2001.
  3. Phát hiện thêm một cách phiên âm khác về hai chữ “song nhật”, Tạp chí Hán Nôm số 3(44), Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2000.
  4. Vũ Văn Kính: Học chữ Nôm, Nxb Đồng Nai, 1995.
  5. Cao Huy Thuần - Nguyễn Tùng - Trần Hải Hạc – Vĩnh Sính (cb), Từ Đông sang Tây, Nxb Đà Nẳng, 2005.
  6. Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu): Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1773 (Tự vị An Nam La Tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb Trẻ, 1999.
  7. Huình Tịnh Paulus Của: Đại Nam Quốc âm tự vị, Sai Gòn, 1895.
  8. Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I Phủ biên tạp lục, Nxb KHXH, H.1977.

 

 

 

[1] Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1977, tr. 324.

[2] Chúng min: chúng ta

[3] Lũ lĩ: lũ người tương đối đông.

[4] Vạy: không thẳng thắn.

[5] Chiêu: bên trái, đăm: bên phải.

[6] Trong cuốn Tự vị An Nam La Tinh của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-1773), có mục từ Róng vát, được giải nghĩa là: (Buồm) chạy vát (xéo), trườn mình lên cao. Đặc biệt khi xét về âm vận ở trong câu hò này ta dễ dàng nhận thấy các yếu tố: Bàng/ngang; ông/giong; khơi/lời; ông/sông; lời/dời.