“Nói rằng những người không biết chữ Hán, chữ Nôm ít hiểu biết về quá khứ của dân tộc là nói liều. Nói như vậy hóa ra tất cả những nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách không biết chữ Hán, chữ Nôm đều không hiểu hoặc hiểu quá ít về quá khứ của dân tộc hay sao?” - GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.
Tại một hội thảo về Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại, nhiều nhà giáo dục đề xuất “đưa chữ Hán Nôm vào giảng dạy để giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Phóng viên Báo Dân sinh đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới về vấn đề này.
PV: Thưa Giáo sư, quan điểm của Giáo sư về đề xuất đưa chữ Hán, chữ Nôm vào giảng dạy trong trường học như một môn học thế nào? Những đề xuất đó liệu có khả thi và cần thiết?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đó là những đề xuất phi thực tế, hoàn toàn không có tính khả thi. Có người chỉ nghe loáng thoáng, còn nói rằng phải dạy “chữ Hán Nôm” cho học sinh phổ thông. Làm gì có chữ nào là chữ Hán Nôm? Chữ Hán là chữ Trung Quốc. Chữ Nôm là chữ mà các cụ ta ngày xưa dựa trên chữ Hán chế tác ra để ghi tiếng Việt. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa ba việc khác nhau: Dạy di sản văn hóa của cha ông qua các tác phẩm viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm; dạy từ Hán Việt để học sinh hiểu nghĩa và sử dụng cho đúng; dạy chữ Hán và chữ Nôm.
Việc dạy di sản văn hóa của cha ông qua các tác phẩm viết bằng chữ Hán (như bài thơ “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi,…) hoặc viết bằng chữ Nôm (như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khuyến,…) và việc dạy từ Hán Việt (như các từ “dân chủ”, “nhân ái”, “trung thực”,…) thì từ trước tới nay chương trình giáo dục phổ thông vẫn coi trọng.
Còn việc dạy chữ Hán (thực chất là dạy chữ Hán cổ) và chữ Nôm thì không cần thiết và không thể thực hiện được. Chữ Hán cổ và ngữ pháp Hán cổ rất phức tạp, ngay như ở Trung Quốc bây giờ cũng không phải nhiều người đọc được mà phải đọc qua bản phiên chuyển sang tiếng Hán hiện đại. Chữ Nôm lại càng khó, thường phải giỏi chữ Hán mới học được chữ Nôm.
Trường phổ thông chỉ dạy học sinh những kiến thức cơ bản, phổ thông, thiết thực. Thử tưởng tượng xem nếu bổ sung vào chương trình mỗi tuần 2 tiết chữ Hán, 2 tiết chữ Nôm thì liệu chương trình có quá tải không? Sẽ bớt giờ của những môn nào? Và ai sẽ là người dạy, trong khi chưa có trường sư phạm nào đào tạo ngành sư phạm Hán Nôm cả? Giả sử bỏ qua tất cả các chuyện đó, nếu quyết định đưa môn học này vào chương trình thì sẽ phải bổ sung ngay lập tức hàng chục nghìn giáo viên cho 30.000 trường phổ thông trong cả nước.
Chúng ta chỉ cần đào tạo các chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm thôi, mà việc này thì nhiều trường đại học đã thực hiện từ mấy chục năm rồi.
PV: Nếu không dạy chữ Hán, chữ Nôm, thế hệ sau sẽ ít hiểu biết về quá khứ dân tộc? Quan điểm của giáo sư về vấn đề này, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói rằng những người không biết chữ Hán, chữ Nôm ít hiểu biết về quá khứ của dân tộc là nói liều. Nói như vậy hóa ra tất cả những nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách không biết chữ Hán, chữ Nôm đều không hiểu hoặc hiểu quá ít về quá khứ của dân tộc hay sao?
PV: Thưa Giáo sư, nhiều ý kiến cho rằng việc từ bỏ chữ Hán là lý do khiến cho học sinh học hành hời hợt, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói như vậy hóa ra chỉ có học sinh Trung Quốc học hành giỏi giang nhất và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội của Trung Quốc là thông thái nhất, còn học trò và các nhà khoa học ở những nước nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,… đều bỏ đi?
PV: Thưa Giáo sư, có phải học chữ Hán, chữ Nôm thì mới giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt? Và việc không có tri thức về Hán Nôm khiến hiện nay nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Ý kiến này lẫn lộn một cách nghiêm trọng giữa chữ viết với ngôn ngữ, giữa chữ Hán với từ Hán Việt là một bộ phận của tiếng Việt và giữa chữ Hán với tiếng Việt là ngôn ngữ của Việt Nam. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, có rất nhiều yêu cầu. Nhưng nói riêng về lĩnh vực từ ngữ thì phải dùng từ cho đúng. Muốn dùng từ đúng thì phải hiểu nghĩa của từ. Không hiểu nghĩa thì đến từ thuần Việt cũng dùng sai, chứ không nói gì đến từ Hán Việt.
PV: Các nhà giáo dục cho rằng, việc dạy các tác phẩm văn học cổ hiện nay chỉ qua phiên âm chứ không đưa nguyên văn Hán Nôm vào đã dẫn đến nhiều sai sót trong cách dạy cũng như cách hiểu văn học cổ. Thưa Giáo sư, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngay ở khoa Ngữ văn của trường đại học, khi dạy các tác phẩm như “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, người ta cũng chỉ dạy bản dịch, chứ không ai dạy bản phiên âm ra âm Hán Việt. Tôi cũng chưa thấy ai dạy các tác phẩm nói trên bằng nguyên văn chữ Hán hay dạy “Truyện Kiều” của Nguyễn Du bằng nguyên văn chữ Nôm cả. Có lẽ mấy vị đề nghị dạy bằng nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm cũng là đề nghị “chơi chơi” thôi; chứ chính các vị cũng chưa hề dạy như thế, mà có muốn dạy cũng không dạy nổi, ít nhất là vì không có thì giờ.
PV: Có ý kiến đề xuất, nên đưa môn Hán Nôm vào chương trình học như một môn học tự chọn? Tăng tỷ trọng bộ phận văn học cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm trong chương trình, sách giáo khoa mới sắp tới? Theo Giáo sư, đề xuất đó có khả thi và cần thiết?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đưa nội dung nào, môn học nào vào trường phổ thông đều phải tính xem đó có phải là những kiến thức cơ bản, phổ thông, thiết thực mà ai cũng phải có để sống và làm việc không; đồng thời đưa nội dung đó, môn học đó vào thì có tính khả thi không. Dù là môn tự chọn, khi đưa vào chương trình giáo dục phổ thông thì Nhà nước cũng phải tính đến việc biên soạn chương trình môn học, sách giáo khoa và đào tạo, tuyển dụng giáo viên.
Riêng về môn Ngữ văn trong chương trình mới, chúng tôi chỉ nêu những yêu cầu học sinh cần đạt và gợi ý một số tác phẩm phù hợp với những yêu cầu nhất định về đọc hiểu. Việc chọn tác phẩm nào để dạy là do tác giả sách giáo khoa, miễn là tác phẩm đưa vào dạy giúp học sinh đạt được những yêu cầu đã quy định trong chương trình và phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh. Chương trình sẽ chỉ quy định 6 tác phẩm tiêu biểu là bài thơ “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và "Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh là những tác phẩm mà sách giáo khoa Ngữ văn của bất cứ nhóm tác giả nào cũng cần dạy cho học sinh.
CÙ HÒA.