Chữ Hán, chữ Nôm tưởng chìm trong quên lãng cùng giấy dó, mực tàu. Nhưng bao giờ cũng thế, những gì thuộc về chân giá trị, dù có lúc nọ lúc kia, qua những khúc quanh co rồi sẽ lại trở về bản thể. Bởi thế, có những lớp học mà những mái đầu bạc trắng, ngồi mài mực luyện chữ bên cạnh bạn đồng môn là những cô bé, cậu bé mắt trong veo. Thầy trò đều chung một đích đến: Tìm về ký ức dân tộc, học chữ để học đạo làm người.
Vừa cho cháu ngủ yên, thay vì nghỉ ngơi, ông Trịnh Văn Thu (thôn Vạn Lộc, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) vội ra giá sách lấy cuốn Từ điển Hán Nôm. Nhà có cháu nhỏ, mấy đứa lớn lại nghỉ học vì dịch Covid-19, cả hai vợ chồng đều luôn tất bật. Những khoảng thời gian như thế này là rất quý với ông Thu. Cầm cuốn sách lên, nét mặt ông Thu thư thái hẳn. Ông khoan thai lật cuốn từ điển, rồi giở cuốn vở của mình đối chiếu. Một cách nghiêm cẩn, ông lấy bút chú vào mấy chữ mà hôm trước mình bỏ sót nghĩa. Ở phòng bên, bạn đồng môn của ông, bà Phạm Thị Dung, cũng đang mài mực… luyện viết.
“Vợ chồng tôi vốn là những người hiểu ý nghĩa của chữ Hán, chữ Nôm với dân tộc mình, văn hóa mình. Trước kia còn công tác bận bịu, chưa đi học được và tìm người dạy cũng không dễ. Giờ có tuổi mới đi học, nhiều người bảo: “Hán Nôm khó thế, học bao giờ cho đọc thông, viết thạo được?”. Đúng là khó thật. Nhưng càng học càng vỡ ra. Nhiều chữ có ý nghĩa sâu sắc. Học chữ là học đạo làm người. Học để làm gương cho con cháu”, ông Thu chia sẻ.
Ông Thu rất tâm đắc với những câu đơn giản mà lại giàu ý nghĩa. Ví như “Nhân bất học, bất tri lý/Ngọc bất trác, bất thành khí”. Con người có tài mà không rèn luyện, thì cũng như viên ngọc thô mà thôi, không giúp ích được cho đời. Gần 70 tuổi mới mở Tam tự kinh, Tam thiên tự - sách vỡ lòng của trẻ ngày xưa ra học, chưa bao giờ vợ chồng ông Thu, bà Dung thấy muộn. Vừa là vợ chồng, vừa là đồng môn, nên nhiều chữ nghĩa người này bổ sung kiến thức cho người kia.
Trước khi nghỉ vì dịch bệnh, mỗi tuần có hai buổi lớp Hán Nôm được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn Văn Thượng, xã Xuân Canh, học viên lão niên không chỉ có ông Thu, bà Dung. Có học viên lớn tuổi học cùng ông bà từ những ngày đầu, giờ đã… về với tiên tổ. Trò có tâm, thì thầy có đức. Thầy Nguyễn Tiến Hùng vốn là người tinh thông Hán học.
Người dân xã Xuân Canh mê Hán Nôm, nên mời thầy Hùng về dạy chữ. Thế là hằng tuần, thầy từ nội thành, đi hơn 20km đến vùng ven đô này để chia sẻ “chữ thánh hiền”. Thấy thầy vất vả, mọi người ngỏ ý muốn bồi dưỡng, thầy Hùng đều cười bảo: “Ngày xưa tôi theo học ở làng Nành (huyện Gia Lâm) bao năm, các cụ có thu đồng phí nào đâu?”. Thành phần lớp Hán Nôm ở Xuân Canh đa dạng lắm. Có người già về hưu, có người làm ruộng, người lao động tự do cũng có. Thế mà, khi đến lớp, cảm nhận rất rõ cái phong khí "thầy khiêm trò kính" ở từng người. Thầy trò thường hay phân tích từng “bộ” trong mỗi chữ, để mà từ đó, hiểu sâu xa hơn về triết lý sống. Rồi từ những học viên này, cái hay, cái đẹp của người xưa lại lan tỏa vào cuộc sống. Vì dịch bệnh, lớp phải tạm dừng tổ chức, học trò nhiều người lớn tuổi không thể trực tuyến, nhưng mọi người vẫn rèn luyện ở nhà.
Thầy Nguyễn Tiến Hùng vốn thọ giáo ở lớp Hán Nôm làng Nành với cụ Hoàng Đình Đá. Ngược dòng về quá khứ, mấy mươi năm trước, các cụ đồ làng Nành mở lớp dạy Hán Nôm, để “níu” lại nếp làng. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh, một trong “tứ túc Nho” làng Nành là người mở lối. Làng Nành nổi tiếng nghề thuốc bắc. Xưa, nhiều người hay chữ để nghiên cứu thuốc. Giờ nghề vải chiếm thế thượng phong. Nhà nhà buôn bán vải vóc. Số người kinh doanh thuốc ít hơn nhiều. Những học trò xưa ai cũng nhớ dáng hạc xương mai của cụ Quýnh mà lo cái gánh truyền bá chữ thánh hiền của cụ quá nặng trên vai. Nhưng ai ngờ được, cái lớp học ấy cứ đông dần, đông dần theo năm tháng. Cụ Quýnh đi rồi, thì đến lượt “cụ đồ Hoàng Đình Đá”. Người nội thành sang, người Đông Anh tới, người Kinh Bắc về… Thế mới biết, tình yêu Hán Nôm là cái mạch ngầm mạnh mẽ đến nhường nào. Cụ Đá đi theo cụ Quýnh, lại có người khác nối nghiệp. Học viên từ lớp học giản dị này, qua mấy mươi năm có đến cả ngàn.
Rất khó để thống kê hết những lớp học Hán Nôm trên địa bàn Hà Nội. Nhưng nếu nói đến một lớp học giàu tính học thuật, có sự tham gia của nhiều chuyên gia Hán Nôm nổi tiếng nhất, không thể không kể đến lớp Hán Nôm Nhân Mỹ học đường (cơ sở chính ở chùa Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm). Nếu nhìn vào những lớp học cứ nối nhau khai giảng, rồi lại “ra trường”, sẽ thấy thời gian như bóng câu qua cửa sổ.
Thầy Yên Sơn Lê Trung Kiên khai mở lớp học khi còn son trẻ, giờ đã “tứ thập nhi bất hoặc”, 17 năm dài đằng đẵng. Hồi ấy, giấy dó mực tàu đã là quá vãng sáu bảy mươi năm, bỗng dưng một “anh đồ trẻ” đi mở lớp Hán Nôm là một điều kỳ cục. Nhưng “anh đồ trẻ” Lê Trung Kiên vẫn quyết đi trên con đường mình chọn. Không có địa điểm, thầy mượn chỗ ở chùa. Lúc ấy, mấy ai nghĩ đến học Hán Nôm. Nhiều hôm lớp học chỉ một thầy - một trò, vì học viên nghỉ học. Có hôm đến giờ, thầy phải gọi điện giục học viên.
Bao giờ cũng thế, những gì thuộc về chân giá trị, dù có lúc nọ lúc kia, nhưng rồi sẽ lại trở về bản thể. Nhận thức của cộng đồng về di sản dân tộc được cải thiện. Người ta nhận ra chữ Hán, chữ Nôm là chìa khóa để tìm về ký ức dân tộc.
Lớp học ngày một đông hơn. Học trò thì đủ cả, từ các cụ đầu bạc cho đến học sinh tiểu học, từ cán bộ công sở cho đến người lao động chân tay. Nhu cầu của các học viên cũng cao hơn. Thầy Yên Sơn Lê Trung Kiên “thỉnh” những bậc “túc Nho” khác. Đó là những bậc túc Nho thế hệ mới, được đào tạo bài bản về cổ học. Như là thư họa gia có tiếng Xuân Như Vũ Thanh Tùng, là Vô Công Phạm Văn Ánh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, hay Đô Lương Nguyễn Đức Bá, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội… và nhiều chuyên gia Hán Nôm, nhà thư pháp. Nhân Mỹ học đường giờ hoạt động như một trường đào tạo chuyên nghiệp, với nhiều lớp học, nhiều khóa học cũng như các bộ môn đào tạo.
Bên cạnh đội ngũ điều hành, còn có hội đồng khoa học, có các bộ môn của lớp để phục vụ chuyên môn, bên cạnh công tác điều hành giảng dạy. Lẽ thường, được thọ giáo những bậc anh tú trong làng Hán Nôm ấy là vinh dự không dễ gì có được, nhưng ở Nhân Mỹ học đường thì khác, chỉ cần có tấm lòng là đủ. Tất cả các thầy đều đến với Nhân Mỹ học đường để trao đi cái “Nhân”, cái “Mỹ” mà không thu bất kỳ đồng phí nào. Nhân Mỹ học đường giờ không chỉ dạy học ở chùa Mễ Trì Thượng, mà còn có thêm hai cơ sở khác. Hệ thống chương trình được biên soạn bài bản, quy củ, phù hợp với việc lên lớp tuần một đôi lần cho các học viên.
Cái mạch Hán Nôm âm thầm, mà vững lắm. Đầu xuân, những hội chữ, những lễ hội, hàng dài người nối nhau xin chữ đem về treo. Cũng có người khen, cũng có kẻ chê, bảo a dua, phong trào. Nhưng nhìn xa hơn, biết đâu, đấy lại là cái hạt mầm tình yêu đầu tiên được gieo, để tình yêu Hán Nôm tiếp tục được nối dài? Để chúng ta có thêm nhiều những cô bé, cậu bé mới học tiểu học, lại có cả những học viên đầu bạc như ông Thu, bà Dung cũng cắp sách đi học “nhân chi sơ, tính bản thiện”...
Giang Nam.