Nhìn lại đôi nét về lịch sử nghệ thuật Tuồng cổ độc đáo của Việt Nam


 

Nghệ thuật sân khấu tuồng là một loại hình nghệ thuật cổ truyền tiêu biểu của Việt Nam. Qua những ghi chép của tiền nhân còn lưu lại trong các bộ sử sách, văn bia, thư tịch cổ chứng tỏ rằng ở Việt Nam nghệ thuật ca, múa, nhạc xuất hiện từ rất sớm. Thế kỷ X dưới triều đại phong kiến nhà Đinh, nghệ thuật ca, múa, nhạc đã phát triển một cách khá phổ biến trong dân gian. Đặc biệt trong dân gian còn có hình thức trò nhại – tức là trò bắt chước các trò diễn xướng.

Đến thế kỷ thứ XII, XIII dưới triều đại Lý – Trần, nghệ thuật ca, múa, nhạc và diễn trò đã phát triển khá cao về nội dung nghệ thuật và quy cách trình diễn. Đại Việt sử ký có ghi: 

Tuồng – Một loại hình nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển khá độc đáo của Việt Nam. Ngôn ngữ của tuồng là văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm. Theo một số tư liệu thì tuồng chịu ảnh hưởng của hí khúc (Trung Quốc) do quân lính nhà Nguyên bị giữ làm tù binh dưới thời nhà Trần (thế kỷ XIII) biểu diễn. Nhưng tuồng Việt Nam có nét riêng của nó. Lúc đầu, tuồng chỉ xuất hiện ở miền Bắc, sau đó theo binh lính chúa Nguyễn vào Đàng Trong và phát triển cực thịnh ở đó. Tuồng phát triển mạnh vào thế kỷ XVII -XVIII. Sang triều Nguyễn (thế kỷ XIX) tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hoá ở cung đình và trong dân gian.

* Nguồn gốc, lịch sử của tuồng cổ truyền thống của Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi.

Nguồn gốc và lịch sử phát triển của nghệ thuật tuồng, cũng như của nghệ thuật sân khấu cổ đại Việt Nam nói chung hiện nay vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu lâu dài. Vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về thời điểm ra đời của loại hình nghệ thuật sân khấu này.

Ảnh hai nhân vật Gian thần và Trung thần trong một vở tuồng cổ tại Chợ Lớn Sài Gòn năm 1900. (Ảnh: Printerest.com)

Nhà nghiên cứu Hồ Lãng cho rằng tuồng Việt Nam chỉ mới có từ thế kỷ thứ XVIII (trong bài “Để tìm hiểu về lịch sử tuồng” đăng trong tạp chí “Nghiên cứu văn học” số 1 năm 1971). Nhà nghiên cứu Văn Tân thì lại định nghĩa chữ “tuồng” trong “Từ điển tiếng Việt” như sau: “là nghệ thuật sân khấu cổ của Trung Quốc, truyền vào Việt Nam”.

Giáo sư Phan Huy Lê thì có quan điểm: “Về nghệ thuật sân khấu thì thế kỷ XV, tuồng và chèo khá phát triển. Vấn đề nguồn gốc của tuồng và chèo lâu nay vẫn có nhiều kiến giải khác nhau, nhưng theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật gần đây thì tuồng và chèo là những nghệ thuật cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ rất sớm. Tuồng và chèo là những nghệ thuật sân khấu kết hợp ca kịch với vũ đạo, mang nhiều bản sắc dân tộc. Trong buổi đầu thời Lê sơ hát tuồng vẫn được biểu diễn trong cung đình, không những để mua vui cho vua quan trong những buổi yến tiệc hội hè, mà còn dùng cả trong những buổi tế lễ, thiết triều nữa” .

Thế kỷ thứ XII, XIII dưới triều đại Lý – Trần, nghệ thuật ca, múa, nhạc và diễn trò đã phát triển khá cao về nội dung nghệ thuật và quy cách trình diễn. Đại Việt sử ký có ghi:

Con cái các nhà thế gia tập hát điệu phưong Bắc. Lý Nguyên Cát dùng tuồng truyện cổ, có tích Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, người ra trò có danh hiệu là Quan nhân, Chu tử, Đán nương, Sửu nô cộng 12 người đều mặc áo gấm thêu, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay, gõ phách thay đổi nhau vào ra làm trò để cảm động lòng người, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui… Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đó”.

Còn Hoàng Châu Ký trong cuốn sách “Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng” của mình, trang 50 đã bác bỏ ý kiến Tuồng xuất hiện vào thời Lê sơ do tác giả nhận thấy “Nếu chỉ dựa vào những điểm như phong cách tự sự, loại sân khấu có hát và múa, thậm chí dựa vào các chi tiết hơn một chút như hát có ngâm thơ, phú, hoặc hát có vãn via, múa sử dụng cả tay, chân như tuồng hiện nay mà nói là tuồng thì chưa thực sự xác đáng, vì những đặc điểm này không chỉ tuồng mới có”. Và tác giả đã xuôi ngược dòng lịch sử để thấy được nếu đỉnh cao của tuồng là thời Nguyễn thì tuồng chỉ có thể hình thành trong thời Lê mạt.

Nói chung ý kiến của các nhà nghiên cứu còn chưa thống nhất, nhưng tất cả đều chung quan điểm là tuồng xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử Việt Nam.

* Tuồng là loại hình nghệ thuật được các tầng lớp xã hội khác nhau ưa chuộng

Tuy rằng hát tuồng bị bài xích ra khỏi cung đình vào năm 1437, sau khi Lương Đăng đã chế định ra nhã nhạc, không còn được biểu diễn trong những nghi lễ của triều đình, nhưng tuồng tất nhiên vẫn còn được sử dụng như một trò chơi giải trí của tầng lớp quý tộc. Và tuồng vẫn được phát triển và phổ biến trong dân gian.

Về sau, nghệ thuật Tuồng đã phát triển khá mạnh ở phía Nam, từ thế kỷ XVIII. Vì vốn được nhân dân yêu mến, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, lại được chính quyền chúa Nguyễn chủ trương phát triển để phục vụ cho công việc trị quốc của họ nên nghệ thuật Tuồng đã tiến lên một bước mới rực rỡ. Ở Ngoài Bắc thì nghệ thuật này vẫn chỉ được bảo tồn, phát triển trong dân gian.

Nửa sau của thế kỷ XIX, sân khấu nghệ thuật Tuồng có những sự phân tách rõ rệt; Ba dòng Tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) song song phát triển và tồn tại, là hiện tượng mới chưa từng có trong lịch sử trước đó.

Tuồng là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu, tức là nghệ thuật tổng hợp gồm có cả văn học, hội họa, âm nhạc, múa, trò diễn phối hợp, và là một trong những loại hình âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, tương tự như như chèo, cải lương, nhạc cung đình. Đặc điểm khác biệt của tuồng so với các hình thức khác là ở chỗ đó là một loại hình nghệ thuật vừa được tầng lớp vua quan sử dụng vừa được nhân dân yêu mến; do đó có lúc chỉ trong một lớp tuồng lại chứa đựng cả hai ý thức hệ đối lập, đối chọi với nhau.

Đây là đều những giá trị bản sắc về nét đẹp văn hóa nghệ thuật mà dân tộc Việt Nam cần cố gắng giữ gìn.

Minh Đức.