Nho gia với văn hóa dân gian - đôi điều suy nghĩ


 

Khi nói đến Nho giáo Việt Nam chúng ta thường nói đến Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn… với 2.898 đại khoa trên bia tiến sĩ. Thực tế số người theo học kinh điển Nho giáo rất đông. Số thi đậu làm quan rất ít. Đa số hoặc thi hỏng hoặc không đi thi mà làm ông đồ làng quê. Họ cũng là Nho gia. Số lượng của họ là bao nhiêu chưa có công trình nghiên cứu, nhưng rất lớn. Ví dụ năm 1463, 4.400 sĩ tử dự thi mà chỉ lấy 44 tiến sĩ. Theo đó số người ghi danh bảng vàng chỉ bằng 1/100 số dự thi. Cứ thế suy ra 2.898 người đỗ đạt thì khoảng 289.800 người dự thi. Có 286.902 người thi rớt về làng gõ đầu trẻ hay làm các việc khác sống trong lòng quảng đại quần chúng lao động. Số trí thức Nho học trong triều và chốn quan trường chỉ chiếm 1%; còn 99% trí thức ở làng.

Chính họ là những người đã đem trí thức Tam giáo và nhất là các điển tích văn học Trung Quốc vào kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Thử nêu ra một số tư liệu văn hóa dân gian mang dấu ấn các thầy đồ ở làng. Đề cập đến tục ngữ, thăm bói, truyện cổ dân gian.

I. Về tục ngữ

Những bậc tiền bối nghiên cứu tục ngữ như Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan cũng đã khai thác một số sách Hán Nôm. Nhưng tương đối đầy đủ là cuốn Tục ngữ trong sách Hán Nôm của Nguyễn Thúy Loan vừa ấn hành tháng 1 năm 2007. Tác giả chỉ dẫn 6 cuốn sách: Nam quốc phương ngôn tục ngữ bị lục, Phương ngôn tục ngữ, Tục ngữ tập biên, Đại Nam quốc túy, Khẩu sử ký, Nam âm sự loại. Tác giả chia các tục ngữ trong 6 cuốn sách này thành 32 nhóm tổng cọng 4.124 câu. Dưới đây tôi chỉ trích dẫn một số câu thấy rõ trí tuệ các ông đồ nho, cái tri thức mà người nông dân bình thường dù thông minh đến mấy cũng không thể có được.

Tôi tập hợp các câu tục ngữ thành 5 nhóm : Một, dùng toàn chữ Hán. Hai, dùng điển tích “Bắc sử”. Ba, thể hiện tư tưởng Khổng giáo. Bốn, thể hiện tư tưởng Đạo giáo. Năm, thể hiện tư tưởng Phật giáo.

I. Dùng toàn chữ Hán

- Kỷ nhân ưu thiên trụy. (tr.37).

- Nhất thốn thổ nhất thốn kim.(tr.42).

- Thùy vị thiên vô mục (tr.48).

- Tri kim nhật, bất tri vị nhật.(tr.50).

- Lễ bạc tâm thành. (tr.76).

- Hữu xạ tự nhiên hương. (tr.144).

- Tam niên chi kế mạc như chủng mộc.(tr.150).

- Phụ trái tử hoàn.( tr.170).

- Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần. (tr.171).

- Tứ hải giao huynh đệ.(tr.172).

- Kính lão đắc thọ. (tr.177).

- Lão lai tài tận. (tr.178).

- Hoàng kim hắc thế tâm. (tr. 186).

- Phóng tài hóa thu nhân tâm. (tr.188).

- Đăng cao viễn chiếu. (tr.194)

- Vật bất ly trắc. (tr.200).

- Vô vật bất linh. (tr.200).

- Nhân sinh bách tuế vi kỳ. (tr.211).

- Sinh hữu kỳ, tử vô hạn. (tr.212).

- Sinh vô gia cư, tử vô địa táng. (tr.212)

- Vạn tử nhất sinh. (tr.217).

- Bạo hổ băng hà, kinh thiên động địa.(tr.218).

- Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử. (tr.218).

- Tà bất cảm chính. (tr.221).

- Tác thiện phùng thiện, tác ác phùng ác. (tr.222).

- Cần nhi hữu công. (tr.224).

- Lao nhi vô công, dật nhi đắc thành. (tr.227).

- Vô tham họa bất xâm. (tr.231).

- Bạch bích vi hà. (tr.232).

- Đắc xích thủ xích, đắc thốn thủ thốn. (tr.233).

- An phận thân vô nhục. (tr.239).

- Dĩ hòa vi quí. (tr.244).

- Cứu nhất nhân đắc vạn phúc. (tr.244).

- Nhân vô tri túc.(tr.250).

- Tróc thử bất năng, năng đại tiện táo. (tr.255).

- Khẩu thuyết vô bằng. (tr.262).

- Tác xá đạo bàng tam niên bất thành.(tr.278).

- Thành thị lạc thành thị, giang hồ lạc giang hồ.(tr.279).

- Nam vô tửu như kỳ vô phong. (tr.308).

- Quá khẩu thành tàn. (tr.311).

- Thực bất tri kỳ vị. (tr.315).

- Tọa thực sơn băng. (tr. 315).

- Điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành. (tr.328).

- Nhất nhân canh, thập nhân tụ thức. (tr.335).

- Thượng điền tích thủy, hạ điền nguyên. (tr.338).

- Lương điền vạn khoảnh bất như bạc nghệ tùy thân.(tr.343).

- Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.(tr.344).

- Hữu hồn vô cốt. (tr.356).

- Nhân tâm bất trắc. (tr.368).

- Thê tróc, tử phọc. ( tr.401).

- Bần cư thành thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm.

(tr.412).

- Đại phú do thiên, tiểu phú do cần. (tr.415).

- Niên phong đề cơ, tuế noãn hào hàn. (tr.427).

- Tài giả dĩ tài tệ thân. (tr.434).

- Thị phú khinh bần, thị cường lăng nhược.(tr.435).

- Vạn tội bất như bần. (tr.436).

- Ấu bất học lão hà vi ? (tr.446).

- Nhất tự vi sư bán tự vi sư.(tr.452).

- Tiên học lễ, hậu học văn. (tr.453).

- Dân chí ngu nhi thần. (tr.461).

- Hại nhân, nhân hại. (tr.462).

- Họa lai thần ám. (tr.462).

- Lợi bất khả độc. (tr.463).

- Nguyên viết hữu, bị viết vô.(tr.464).

- Nhân tâm tựa thiết, quan pháp như lô.(tr.464).

- Nhất gia la tố, thiên gia oán.

- Thập khẩu cao lương, vạn khẩu tàn. (tr.464).

- Nhất lý, nhị kiên, tam tiền, tứ tẩu. (tr.464).

- Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.(tr.464).

- Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.(tr.465).

- Phúc chí tâm linh. (tr.465).

- Phúc lai tai tống. (tr.465).

- Phúc thiên đãi phúc địa. (tr.465).

- Tích thiện phùng thiện. (tr.466).

- Tróc nhân dị, phóng nhân nan. (tr.467).

- Vô phúc đáo công môn.(tr.468).

- Vô phúc đáo tụng đình. (tr.468).

- Ẩm tửu luận tiền. (tr.469).

- Sự đại như thiên, túy diệc hưu.(tr.479).

- Tửu nhập ngôn xuất. (tr.482).

II. Dùng điển tích “Bắc sử”

- Đố ai lên đến sông Ngân, bắt con vịt nước mà ăn cả trời.(tr.35).

Về Ngân Hà.

- Mồng 7 ngâu ra, mồng 3 ngâu vào.(tr.38).

- Tháng 7 là tháng vợ chồng Ngâu. (tr.44).

Về tích Ngưu lang Chức nữ.

- Hán vương còn mặt mũi nào,

Nhổ rồi lại liếm làm sao cho đành. (tr.65 ).

- Khoan nhân như ông Hán Cao Tổ. (tr.65).

Về Hán Cao Tổ Lưu Bang.

- Sống lâu như ông Bành Tổ. (tr. 179).

Về tích Bành Tổ sống 800 tuổi.

- Ác như ông Kiệt ông Trụ. (tr.218).

Về tích vua Kiệt vua Trụ.

- Gian dối như ngươi Tần Cối. (tr. 220).

Về gian thần Tần Cối nhà Tống.

- Gian hùng như Tào Tháo.(tr.221).

Về nhân vật Tào Tháo thời Tam Quốc.

- Tính nóng như ông Trương Phi. (tr.238).

Về nhân vật Trương Phi thời Tam Quốc.

- Bát cơm Phiếu Mẫu trả ơn ngàn vàng. (tr.240).

Về nhân vật Hàn Tin trả ơn trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa.

- Đầu Ngô mình Sở. (tr.352).

Về nước Ngô và nước Sở thời Chiến Quốc.

- Nợ như nợ Liễu Thăng.( tr.432).

Về Liễu Thăng, tướng nhà Minh chết trận ở nước ta.

- Hiếu học như đức Nhan Hồi. (tr.448).

Về Nhan Hồi là đệ tử Khổng Tử.

- Bá Nha gặp Tử Kỳ. (tr.470).

Về tích truyện Bá Nha giỏi gảy đàn, Tử Kỳ giỏi nghe đàn,

chỉ người tri kỷ của văn học Trung Quốc.

- Tay cầm tiêm như ông Triệu Tử múa đao,

Chân vắt chéo như như ông Khổng Minh xem sách. (tr.479).

Về hai nhân vật thời Tam Quốc là Triệu Tử Long và Khổng Minh. Mượn để chế diễu người nghiện nằm hút thuốc phiện.

III. Thể hiện tư tưởng Khổng giáo

- Bán Trời không có văn tự. (tr.30).

Về Thiên, về văn tự.

- Chín phương trời, mười phương đất, chư Phật mười phương (tr.30).

Về Thập phương.

- Đất của vua chùa của làng (tr.34).

Về vương thổ.

- Nào trời có phụ ai đâu.(tr.41).

- Thiên bất dung gian. Thiên đạo chí công. (tr.48).

Về Thiên đạo.

- Trời là Cha, đất là mẹ, sơn xuyên là anh em. (tr.51).

Về tư tưởng Càn Khôn trong Dịch Truyện.

- Có con thì phải có cha

Có làm hiếu tử mới ra trung thần.(tr.158 ).

Về trung hiếu của Khổng giáo.

- Trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai. (tr.171).

Về trọng nam khinh nữ của Khổng giáo.

- Những người nhân nghĩa chả hàn vi bao giờ. (tr.236).

Về Nhân nghĩa của Khổng giáo.

- Quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng. (tr.368).

Về quân tử tiểu nhân của Khổng giáo.

- Kinh nghĩa chẻ hoe ông Hoàng Giáp. (tr.449).

Về thi cử Nho học.

- Biết phúc đâu mà tìm, biết họa đâu mà tránh.(tr.459).

Về họa phúc trong Nho giáo.

IV. Thể hiện tư tưởng Đạo giáo

- Trời chỉ đâu Thiên Lôi đánh đấy (50).

Về thần điện Ngọc Hoàng của Đạo giáo.

- Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. (tr.67).

Về Đạo giáo và Cao Biền.

- Phe phẩy như bà cốt gọi hồn. ( tr.78 ).

Về đồng bóng Đạo giáo.

- Càn Khôn Cấn Tốn thị kim lâu

Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng. (tr. 81).

Về bói Dịch.

- Đất có thổ công, sông có hà bá.(tr.81).

Về thần linh Đạo giáo.

- Chết xuống âm phủ, còn hơn bầu chủ dương gian. (tr.208).

Về vũ trụ quan Đạo giáo.

- Bút Nam Tào, bào thợ mộc. (tr.341).

Về sinh tử Đạo giáo.

V. Thể hiện tư tưởng Phật giáo

- Ông Không Lộ bán cá chợ trời. (tr.42).

Về nhà sư Không Lộ.

- Trời quả báo ăn cơm gãy răng.(tr.52).

Về tư tưởng Phật giáo hỗn dung tam giáo.

- Ăn oản Bụt thắp hương giả Bụt (tr.55).

Về lễ Phật.

- Bụt chùa nhà không thiêng. (tr.55).

Về Phật giáo.

- Bụt Nam Xương, thành hoàng Cao Kỵ. (tr.56).

Về Phật giáo và Thành Hoàng.

- Để hòn đất, nặn nên ông Bụt. (tr.58).

Về tượng Phật.

- Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.(tr.58).

Về Phật và Ma.

- Gần chùa gọi Bụt bằng anh

Thấy Bụt hiền lành gọi Bụt bằng em. (tr.58).

Về thái độ đối với Bụt.

- Hau háu như long thần giữ oản (tr.59).

- Hộ pháp ăn chắt. (tr.59).

Về hai vị thần trong chùa.

- Nam mô cứu khổ cứu nạn,

Bao nhiêu chỗ lội tiểu thời cắm chông.(tr.77)

- Nam mô đức Phật Quan Âm

Bao nhiêu tiểu mầm thì lấy tiểu tôi. (tr. 77).

Phê phán chú tiểu làm trái giáo lý đạo Phật.

- Của người bồ tát, của mình lạt buộc. ( tr.185).

- Nhiều làm phúc, ít làm duyên. (tr.250).

Về bố thí Phật giáo.

- Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. (tr.252).

Về tư tưởng Nghiệp báo của Phật giáo.

- No nên Bụt, đói nên ma. (tr.310).

Về Phật giáo.

- Đa nhân duyên nhiều đường phiền não. (tr.383).

Về nhân duyên và phiền não trong Phật giáo.

- Phải duyên phải kiếp thì theo

Trái duyên trái kiếp như kèo đục vênh. (tr.398).

Về duyên, kiếp trong Phật giáo.

- Ví làm cửu cấp phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người. (tr.467).

Về phù đồ tức tháp Phật giáo.

Tục ngữ là văn học truyền miệng vô danh thị, nhưng tất nhiên phải có người khởi xướng rồi được quần chúng chấp nhận. Đó là trí tuệ tập thể của người lao động cơ bản không theo nghiệp văn chương. Nhưng trong tục ngữ đã có một bộ phận mang nội dung Tam giáo do những ông đồ làng sáng tác. Có một số tục ngữ hoàn toàn chữ Hán chứng tỏ chữ Hán cũng đã phổ cập đến một trình độ nhất định. Có những câu ngày nay còn thông hành người không đọc được chữ Hán vẫn hiểu như:

- Nhất tự vi sư bán tự vi sư.(tr.452).

- Tiên học lễ, hậu học văn. (tr.453).

Có những câu người không đọc được chữ Hán thì không hiểu được như:

- Niên phong đề cơ, tuế noãn hào hàn. (tr.427).

- Tài giả dĩ tài tệ thân. (tr.434).

- Thị phú khinh bần, thị cường lăng nhược.(tr.435).

Còn về điển tích Bắc sử thì những nhân vật như Tào Tháo, Lưu Bang,

Khổng Minh, Triệu Tử Long chủ yếu truyền qua bộ Tam Quốc diễn

nghĩa. Có lẽ truyện tích Trung Quốc đưa vào tục ngữ Việt Nam chỉ thuộc

thời Hán Đường.

Tư tưởng Tam giáo trong tục ngữ cũng đơn giản chủ yếu khuyên răn về đạo đức ứng xử chứ không thuyết giáo, như về cương thường, thần thánh, nghiệp báo… xoay quanh đạo làm người.

Các ông đồ nho không được làm quan võng lọng ngựa xe, bị các cô gái làng chế diễu “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” đã có đóng góp âm thầm trong văn học dân gian.

II. Về thăm bói

Hiện nay trong các chùa vẫn có hiện tượng xin thăm xóc thẻ. Lá thăm thường là bài thơ quốc ngữ in máy hiện đại, lời lẽ đơn giản. Nhưng còn một số chùa vẫn lưu hành thăm chữ Hán in ván khắc có nội dung tri thức Bắc sử. Dưới đây thử đưa một vài thăm tôi thu thập được tại chùa Lưu Ly thôn Đông nay thuộc thị trấn Hưng Nhân huyện Hưng Nhân tỉnh Thái Bình.

1. Lưu Ly tự. Đông thôn.

Đệ ngũ quái. Ngụy Vân tri tiến bình thụ thưởng thượng chi triệu.

Đương kim huynh đệ bất như việt

Quân thả thâm tư tín bất nhiên.

Lập chí vi nhân hoàn hữu nhật

Cao môn chu lý khách tam thiên.

Cung tiến

Giải viết: Thân vô đặc, mục vi nhân. Lai nhật cát, danh giá tân.

Nghĩa là: Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 15. Điềm Ngụy Vân được tiến cử nhận thưởng.

Hiện nay anh em không đao búa

Ngươi hãy suy nghĩ kỹ thực tế không như vậy.

Còn có ngày lập chí làm người

Dinh thự cửa đỏ ba ngàn quan khách.

Cung tiến.

Giải lời thăm : Bản thân không có gì đặc biệt. Được bề trên biết đến. Ngày sau cát tường. Danh giá sáng chói.

Người viết thăm dựa sự tích Triệu Vân vốn là người bình thường, nhưng được tiến cử cho Hán Cao Tổ nên vinh hoa phú quí danh tiếng lẫy lừng.

2. Lưu Ly Tự. Đông thôn.

Đệ bát quái. Hán Hán Tín thụ nhục đồ trung hậu vi đại tướng chi triệu.

Tân phụ vị tri công dưỡng tính

Lão cô bất giáo chỉ thanh hiềm.

Hiền lang thiện khuyến thôn tâm nhẫn

Hậu nhật quyền hằng ngã đẳng kiêm.

Cung tiến.

Giải viết: Tiên gian nan, hậu sám báng. Lương quí trợ, sự ổn đương.

Nghĩa là: Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 8. Điềm Hàn Tín nhà Hán bị nhục trong chợ bán thịt, về sau làm đại tướng.

Cô dâu mới chưa biết tính nhà chồng

Bà cô không dạy bảo mà chỉ hiềm khích.

Chồng hiền khuyên tốt nên nuốt hận nhẫn nhịn trong lòng

Ngày sau quyền bính đều về tay chúng ta.

Cung tiến:

Giải lời thăm: Đầu tiên gian nan, sau bị phỉ báng. Có quí nhân phù trợ, mọi việc ổn thỏa.

Người viết thăm dẫn sự tích khi hàn vi Hàn Tín bị tên đồ tể làm nhục bắt lòn trôn giữa chợ, nhưng về sau Hàn Tín làm đại tướng.

3. Lưu Ly tự. Đông thôn.

Đệ nhị thập nhất quái. Hoàng Xá lang thất kim ý bất nghi chi sự.

Thử lai cầu vấn xuất hà tâm

Bất tỉ nhân gian dị kiến lâm.

Phạt nhĩ thủy du tam thập lưỡng

Hinh hương tam bách nhất thiên kim.

Cung tiến.

Giải viết: Bất thành tâm, nhân bị phạt. Đương lẫm tuân, vô vi việt.

Nghĩa là: Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 21. Việc chàng Hoàng Xá mất vàng không nghi cho ai.

Đến cầu xin quẻ là xuất tự tâm như thế nào

Không giống như người khác đến xin quẻ.

Phạt ngươi 30 lạng dầu

300 nhang, 1000 tiền âm phủ.

Cung tiến.

Giải lời thăm : Không thành tâm, nên bị phạt. Phải tuân theo triệt để, không được vi phạm.

Tôi không hiểu tích Chàng Hoàng Xá mất vàng. Ván khắc nhầm chữ “thất” là mất ra chữ “thất” là 7.

4. Lưu Ly tự. Đông thôn.

Đệ tam thập nhị quái. Tô Huệ tư phu hành dịch chi triệu.

Đỗ quyên khấp huyết vi xuân qui

Cảm động khuê tình bán yểm phi.

Khởi tọa tiêu tiền khuy dạ nguyệt

Tư phu bất quán lệ triêm y.

Cung tiến.

Giải viết: Sự vi thần, tụng vị chỉ. Âm tín tịch, nhân biệt nạn.

Nghĩa là: Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 32. Điềm nàng Tô Huệ nhớ chồng đi phu.

Cuốc kêu chảy máu mùa xuân về

Cảm động khuê nữ khép hờ cánh cửa

Ngồi bên trời nhìn trăng khuya

Nhớ chồng không dứt, lệ tuôn ướt áo.

Cung tiến.

Giải lời thăm: Việc không đúng thời, nhớ nhung không dừng. Bặt vô âm tín, người biệt tăm.

Người viết thăm dùng tích nàng Tô Thị trông chồng đi lính thú.

5. Lưu Ly tự. Đông thôn.

Đệ tam thập bát quái. Hán Võ nhị nguyệt Giáp Ngọ tức đế vị ư Phiếm thủy chi họa (?).

Thử tiết thu đông thả tiệm trì

Xuân lai danh sự tiện hòa nghi.

Tri quân vấn dục tường hung cát

Cầu tốc nan thành phí uổng cơ.

Cung tiến.

Giải viết: Bất nghi tảo, tiệm an thân.Vạn sự cát, tại lai xuân.

Nghĩa là: Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 38. Cái họa Hạng Võ thời Hán lên ngôi vua tháng 2 năm Giáp Ngọ ở Phiếm thủy.

Tiết thu đông chầm chậm đến

Xuân đến việc công danh đều thích hợp.

Biết ngươi muốn hỏi hung cát

Dục tốc bất đạt, uổng phí thời cơ.

Cung tiến.

Giải nghĩa lời thăm: Không nên sớm vội, từ từ mới yên thân. Vạn sự cát tường vào mùa xuân.

Người viết thăm dẫn tích Hạng Võ thời Hán lên ngôi vua tháng 2 năm Giáp Ngọ và cho là quá sớm.

6. Lưu Ly tự. Đông thôn.

Đệ tam thập cửu quái. Tín Nhĩ cử Triệu phá Tề chi sự.

Vận tự xuân lai cát khánh đa

Quân kim hựu bốc hiếu như hà.

Tương liên tài tử mông thiên tứ.

Dư nhược cầu quan thủy thượng ba.

Cung tiến.

Giải viết: Tối thượng cát, bất tu báo. Tài tử định, quan chức hưu.

Nghĩa là : Chùa Lưu Ly ở thôn Đông.

Quẻ thứ 39. Việc Tín Nhĩ mang quân nước Triệu đại phá nước Tề.

Vận từ mùa xuân đến cát tường nhiều

Nay ngươi lại bói muốn sao đây.

Mong tiền tài và con cái thì trời cho

Ngoài ra nếu cầu quan tước thì như sóng nước.

Cung tiến.

Giải nghĩa thăm: Rất cát tường, không cần bảo. Tiền tài, con cái thì được, quan chức thì không.

Người viết thăm dẫn tích Tín Nhĩ đem quan Triệu đại phá Tề vào thời Chiến Quốc.

Chùa này có lẽ vốn có 64 thăm đều cùng một dạng, đều dẫn tích truyện Bắc Sử chủ yếu là thời Chiến Quốc. Rõ ràng có trí tuệ một ông đồ làng.

Xin thăm xóc thẻ vốn là một loại dự báo học cổ truyền xuất phát từ Kinh Dịch. Nay đã trở thành mê tín dị đoan không nên lưu hành. Nhưng một thời đã được một số thầy đồ truyền bá bằng một ngôn ngữ trí tuệ khác hẳn các quẻ Kinh Dịch. Là một loại văn hóa dự báo Việt Nam chịu ảnh hưởng Kinh Dich, nhưng không phải mẫu Kinh Dịch.

Tham luận đã dài xin không trình bày tiếp về truyện cổ tích, truyện nôm khuyết danh như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phương Hoa, Thạch Sanh v.v.. đã có nhiều người nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đều thừa nhận đây là những chuyện “ trung hiếu tiết nghĩa” theo tư tưởng Nho gia do các nho sĩ không làm quan, các thầy đồ ở làng sáng tác. Gần đây, đã xuất bản cuốn Phê bình bình luận văn học (năm 1999), cuốn Văn hóa dân gian một chặng đường nghiên cứu (năm 2004) giới thiệu thành quả nghiên cứu văn hóa dân gian. Nói chung các nhà nghiên cứu đều thừa nhận vai trò nho sĩ không làm quan trong văn hóa dân gian, nhưng thường chú trọng mặt văn chương và chính trị. Theo tôi việc các ông đồ Nho tham gia vào văn hóa dân gian, một mặt nâng cao trí tuệ văn hóa dân gian, một mặt truyền bá tư tưởng Tam giáo vào quảng đại quần chúng. Thánh nhân, quân tử, thần tiên, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Phật tổ, Bồ tát, trung hiếu tiết nghĩa, nhân duyên nghiệp báo… thường xuyên xuất hiện trong văn hóa dân gian. Tất nhiên tư tưởng Tam giáo trói buộc tư tưởng dân gian gần gũi thiên nhiên giàu chất nhân bản cho nên cũng xuất hiện những lời lẽ đả kích quan tham, bài bác sư sãi, chế diễu thầy cúng thầy địa lý…

Nói tóm lại những sáng tác văn hóa dân gian mang dấu ấn trí tuệ Tam giáo là sản phẩm của các thầy đồ khuyết danh. Tuy họ không đỗ đạt làm quan coi việc nước nhưng có đóng góp cho văn hóa dân tộc đáng kính nể.


***
 

NHO GIA VỚI VĂN HÓA DÂN GIAN - ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Nguyễn Duy Hinh

Khi nói đến Nho giáo Việt Nam chúng ta thường nói đến Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn ... cả thảy 2989 đại khoa trên bia tiến sĩ. Thực tế số người theo học kinh điển Nho giáo rất đông. Số thi đậu làm quan rất ít. Đa số hoặc thi hỏng hoặc không đi thi mà làm ông đồ làng quê. Họ cũng là Nho gia. Số lượng của họ bao nhiêu chưa có công trình nghiên cứu nhưng rất lớn. Ví dụ năm 1463, 4400 sĩ tử dự thi mà chỉ lấy 44 tiến sĩ. Theo đó, số người ghi danh bảng vàng chỉ bằng 1/100 số dự thi. Cứ thế suy ra1898 người đỗ đạt thì khoảng 289800 người dự thi. Có 286902 người thi rớt về làng gõ đầu trẻ hay làm các việc khác sống tỏng lòng quảng đại quần chúng lao động. Số trí thức Nho học trong triều và chốn quan trường chỉ chiếm 1%; còn 99 % trí thức ở làng.

Chính họ là những người đã đem trí thức tam giáo và nhất là các điển tích văn học Trung Quốc vào kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Khi nói đến văn hóa dân gian nhiều người cho rằng hai chữ “dân gian” hàm ý thô lậu, là sáng tác của những người nông dân vai u thịt bắp mù chữ tuy thông minh đa tình đa cảm và đặc biệt hóm hỉnh hài hước. Sự thực không phải như vậy. Chúng ta có thể tìm thấy trong các truyện kể khuyết danh, ca dao tục ngữ, dấu ấn của văn hóa bác học. Một số tư liệu như vậy có trong thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một số trong kho tàng truyện cổ tích, một số trong các chùa...Văn hóa dân gian là văn hóa hình thành trong dân gian và lưu hành, tàng trữ trong dân gian có mối liên hệ với văn hóa bác học lưu hành trong giới trí thức thượng lưu. Người bắc cầu cho mối liên hệ đó là các ông đồ làng quê.

Tham luận sơ bộ nghiên cứu vấn đề này.

***

Confucianist with folk culture – something to think

When we deal with Vietnamese Confucianism, we often talk about Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn… altogether 2989 on doctoral wallop. the fact, people study Confucian classical is very crowd. The number of passed- exam who become a mandarin is very little. The most either unsound examination nor non- examination that make rural old scholar teacher. This amount is very grate, but there are not already research work that research this amount yet. They are also confucianists. For example, 4400 candidates took an examination but only taken out 44 Doctor. Therefore, the number of people enters gilded roll only by 1/100 number attending examination. Continue so think 1898 people graduated having 289800 contestants. 289800 failed- examination person back village to teaching or do many jobs for living and express their general public. The number of Confucian intellectual who are in the court and mandarinate make up 1%, 99% of the rest is in the village. They themselves are ones carried three traditional religions in Vietnam and especially china literatures classical examples entering Vietnam’s popular folk treasure.

Mentioning folk culture many people assume that two words “ dân gian” imply rude. Those are writings of the muscle- bound and analphabetic farmers but clever, sentimental, amorous and especially humorous. The truth is not like that. We would find them in the anonymous story, folk songs and proverbs, the mark of the scholarly style. Such a documentation number had in the library’s Han nom research institude, some is in the fairy tale treasure, some is in the pagoda… culture is shaped in folk called that folklore. It is circulated and kept in popular. Folklore has nexus with circulative learned culture in the intelligentsia. Person connect that nexus is rural old scholar teacher.

Preliminary speech researches this issue.