[Thi văn tạp sao] [詩文雜抄]
1065. 83 Images; 27 x 15
Mô tả/description : Sách chép văn thơ của nhiều tác giả. Đầu sách là bài Ngự chế Nam Kỳ thổ sản phú 御製南圻土産賦. Lời Dẫn cho biết: Năm Tự Đức thứ 24 (1871) có người dân Hà Tiên là Trần Văn Y 陳文依 từ quê ra dâng mấy thứ phẩm vật như chiếu hoa, sáp ong, mật ong, mắm cá, tôm khô, cá khô, lông chim để làm lễ tế ở Giao miếu. Vua cho tiến vào cung Từ thọ (mẹ vua), sau chia cho các đại thần, hoàng tử. Vua sai ban quà tặng cho người này. Nhân dịp vua (Tự Đức) cảm xúc làm thơ. Tiếp sau là các bài:
- Tờ tâu của Vũ Phạm Khải.
- Phụng thượng dụ tế chinh Tây tướng sĩ tế văn .
- Bản xã trùng tu Văn miếu bi kí.
- Bài văn của văn thân tỉnh Nam Định làm việc tại kinh (Huế) mừng Trình Phố Hoàng giáp (tức Nguyễn Quang Bích/ tức Ngô Quang Bích) thi đỗ (khoa Tự Đức Kỷ Tị 1869).
- Vãn văn điếu bà Đặng mẫu Phan thị do Trúc Đường Ngô Thế Vinh soạn: Bài vãn dẫn gia phả cho biết họ Đặng này nguyên gốc xã Tương Đông ở Thanh Hóa từng theo giúp Lê Thái Tổ. Sau di cư ra vùng biển này, cùng ba họ khác khai hoang đắp đê ngăn mặn, cày cấy làm ăn, trong khoảng mười mấy năm làng xóm đông đúc, mở mang việc học… Đến năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) lập sổ Đinh điền, lấy tên là xã Quần Anh 群英社. Đó là một đoạn tư liệu rất quý để nghiên cứu lịch sử xã Quần Anh (nay thuộc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định) một địa danh từng được sử sách ghi là nơi có giáo sĩ Thiên Chúa giáo lần đầu tiên đến truyền đạo ở nước ta. Tiếp đó có bài văn Nôm, vẫn là nói về phong tục tốt đẹp của xã Quần Anh:
Năm cũ bước sang năm mới,
Đường khang cù nức hội chơi xuân.
Phúc dân nhờ tựa phúc vua,
Chén phần tửu ran câu chúc thọ.
Mừng năm mới, lễ là tòng cổ,
Kính già ai cũng đồng lòng.
Xã Trung ta cõi mở phương nam, tiếng lừng miền biển.
Đời Hồng Thuận nhà nhà khai thác, đất rộng người đông.
Hợp thái bình trăm họ âu ca….
Tiếp sau còn mấy bài trướng văn mừng thọ mẹ Nguyễn Sĩ Chiểu 阮士炤 người xã Quỳnh Đôi tỉnh Nghệ An, Mừng Nguyễn Sĩ Phẩm 阮士品 đỗ Tiến sĩ... Cuối cùng chép bài Chí tình thiên 至情篇 của Bảo Triện Hoàng giáp Trần Danh Án khuyên các con chuyên cần học nghiệp để giữ gia phong...”