Mai Bá Triều (Ngôn ngữ và sử gia, Bí)
Ngô Thanh Nhàn (Đại học New York, Mỹ)
Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm
Huế, 1-2 tháng 6 năm 2006
Tóm tắt
Peter Stephen Du Ponceau (1760 – 1844), Hội trưởng Hội Triết Học Hoa Kỳ ở thành phố Philadelphia (American Philosophical Society of Philadelphia) là một học giả danh tiếng chuyên nghiên cứu nhân chủng học, luật lệ hàng hải và ngôn ngữ các bộ tộc bản xứ Mỹ. Ông cũng tìm hiểu về Hán tự và sự liên hệ về ngôn ngữ và chữ viết giữa 5 nước Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam và Lưu Cầu (quần đảo cực nam của Nhật: Ryu Kyu) là những nước có cùng một nền văn hoá Hán tự.
Qua quyển sách của Trung uý Hải quân John White, Du Ponceau tìm được và nghiên cứu toàn bộ quyển tự điển hơn 3.000 từ Việt-Latinh và 333 chữ Hán-Nôm viết tay của Giáo sĩ Joseph Morrone từ ông William Fettyplace, giám đốc “Công ty Hàng hải Đông Ấn ở Salem” (East India Society at Salem). Ông cho in lại trong phần Lexicon Cochin-sinense Latinum (tr. 185-375) của Luận án về bản chất và đặc trưng của hệ chữ viết Trung Hoa.
Du Ponceau đả phá một số ngộ nhận đương thời về tiếng và chữ viết Trung, Nhật, Cao ly, Lưu Cầu và Việt Nam.
Du Ponceau cho rằng chữ Hán không phải là loại biểu ý (ideographic), không phải là loại chữ phổ quát (universal), hay như dấu hiệu số học (numerals in arithmetics). Chữ Hán phần nhiều biểu thị âm thanh như các thứ chữ khác, và không khó học hơn các hệ chữ khác. Tuy số chữ trong tự điển có từ 30 đến 80 nghìn, và số âm tiết chỉ khoảng 2 nghìn, nhưng người biết đọc chỉ cần 3 nghìn, và người có học, khoảng 6 nghìn. Ngược với thời ấy, ông cho rằng chữ Hán là chữ biểu từ (lexigraphic).
Du Ponceau in lại một bài cầu nguyện trên khung nhạc (khoá sol) của Giáo sĩ Morrone, Sàigòn, ghi độ cao của 6 thanh Đàng Trong: ngang (mức trung bình, la1 = 440 MHz), huyền (mi), sắc (rê), nặng (fa-mi-fa-sol), hỏi (la-si-đô-rê), ngã (sol-la-si-đô). Đặc biệt vào lúc này, thanh hỏi hơi cao hơn thanh ngã. Vì thanh ngã trong bản ghi không chứa âm tắc hầu và cao độ gần bằng thanh hỏi, mô tả trên có thể dẫn đến hai giả thuyết: (1) hai thanh hỏi và ngã bắt đầu nhập thành một, và (2) hệ thanh điệu ngữ âm và hệ thanh điệu hình thái học tương ứng nhau rõ hơn, gồm 3 thanh cao ngang-sắc-hỏi, và 3 thanh thấp huyền-nặng-ngã.
Về ngữ pháp, Du Ponceau đã tiếp thu một số điểm quan trọng như tính đơn âm tiết, không có biến thể ngữ pháp (inflections),… Ông viết: “Tiếng Đàng Ngoài (Tonquinese) và Đàng Trong (Cochin-Chinese) là hai thứ tiếng có quan hệ chị em với tiếng Trung Hoa, chúng không những giống nhau về gốc cấu tạo (derivation, phái sinh) của từ, mà còn giống nhau về tính đơn âm tiết và cấu trúc ngữ pháp (grammatical structure); và hệ biểu hình (graphic system) của chúng rõ ràng mượn của Trung Hoa.” Ông cũng xác định tiếng Nhật và tiếng Lưu Cầu thuộc loại đa âm. Ông xác định vị trí đặc biệt của âm tiết và mỗi âm tiết là một từ. Cách viết các âm tiết rời nhau không phản ánh ngữ âm của từ trong tiếng nói. Theo Du Ponceau, mỗi âm tiết là một từ, và mỗi chữ ghi một âm tiết. Ông cho rằng người ta không nói bằng âm tiết, mà nói bằng câu (sentences), hay “một cụm phát âm” (masses of vocal sounds), và đơn vị là từ, gồm một hay nhiều âm tiết. Phần từ vựng (tr. 145-184, và 10 trang chữ Hán Nôm) kèm theo Luận án chứng tỏ ông đã nắm bắt được 333 từ Đàng Trong.