NAM XƯƠNG LIỆT NỮ VŨ THỊ TÂN TRUYỆN VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM


 

Hà Văn Minh - Phùng Diệu Linh

(Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm

Huế, 1-2 tháng 6 năm 2006

 

Nam Xương liệt nữ Vũ thị tân truyện (Tân truyện) là tác phẩm truyện Nôm được Nguyễn Hoà Hương chuyển thể từ Nam Xương nữ tử truyện trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Đây là môt truyện Nôm có giá trị nhưng chưa được công bố, giới thiệu đồng thời cũng chưa được giới nghiên cứu quan tâm. Khảo sát văn bản, tìm hiểu tác giả, tác phẩm Nam Xưng liệt nữ Vũ thị tân truyện vì thế là một việc làm cần thiết và ít nhiều có đóng góp cho công cuộc bảo tồn vốn di sản Hán Nôm nước nhà.

 

1. Tác giả và văn bản

 

1.1. Tác giả

 

Hiện nay, chưa có một công trình nào khoa cứu về tác giả Nguyễn Hoà Hương, chúng tôi chỉ tìm thấy thông tin về ông ở 2 tài liệu:1, Tên tự tên hiệu các tác giả Hán Nôm Việt Nam [1] ,... Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu [2] . Tuy nhiên ở cả hai tài liệu này, lượng thông tin thu được cũng rất ít ỏi, có thể tóm gọn trong vài nét sau:

 

Nguyễn Hoà Hương hiệu là Mai Đình, còn có hiệu khác là Hưng Trai. Hiện nay chưa rõ năm sinh, năm mất, quê quán, thân thế cũng như sự nghiệp của ông, chỉ biết ông sống vào thế kỉ XIX. Ông để lại các tác phẩm: Bút Hưng Trai khuê huấn ca, (1861) và Nam Xương liệt nữ Vũ thị tân truyện (?)

 

Theo thông tin trên thì Nguyễn Hoà Hương sống vào triều Nguyễn, đây là thời kì mà hoạt động văn học khá chú trọng việc ghi chép danh sách những người đỗ đạt Từ khoa thi đầu tiên năm Nhâm Ngọ Minh Mệnh (1822) đến khoa thi hương cuối cùng năm Bảo Đại (1919) đều được ghi chép cẩn thận. Sách Đăng khoa triều Nguyễn gồm: Đăng khoa lục hợp biên (Lê Nguyên Trung), Tục khắc Đăng khoa lục hợp biên (Cúc Hiên Lê Đình Diện), Quốc triều hưng khoa lục (Cao Xuân Dục). Tuy nhiên, theo kết quả tổng kết của tác giả Ngô Đức Thọ trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075- 1919 [3] thì tất cả các khoa thi đều không có tên Nguyễn Hoà Hương . Như vậy, Nguyễn Hoà Hương có thể không đỗ đạt.

 

Mặc dù vậy, qua tìm hiểu bản Nôm Nam Xương liệt nữ Vũ thị tân truyện ta nhận thấy: trong tác phẩm điển tích, điển cố được sử dụng nhiều, cách vận dụng lại linh hoạt, khéo léo; ngôn ngữ thơ nhiều đoạn đạt đến độ uyển chuyển, sâu sắc và tinh tế. Điều này cho thấy tác giả phải là một người có học vấn, kiến thức thi thư khá uyên bác và đặc biệt là có tài thơ văn.

 

Hơn nữa, ngoài Nam Xương liệt nữ Vũ thị tân truyện, như đã nói ở trên, Nguyễn Hoà Hương còn để lại tập Bút Hương Trai khuê huấn ca soạn năm Tân Dậu Tự Đức 14 (1861). Bút Hương Trai khuê huấn ca gồm hai phần: Phần 1: gồm 5 bài thơ Nôm khuyên dạy con cái về cách cư xử trong gia đình, từ bỏ thói tham lam, kiêu nịnh, ghen tuông; Phần 2: gồm 28 đoạn thơ Nôm 6/8 diễn ca tích Nam Hải Quan Âm Đức Phật (Đức Phật bà truyện). Điều này càng khẳng định Nguyễn Hoà Hương không chỉ là người yêu thích thơ ca mà còn có những đóng góp cho sự nghiệp văn học nước nhà. Hai tác phẩm của Nguyễn Hoà Hương hiện đều được xếp trong kho sách Hán Nôm, thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm, thế nhưng tên tuổi tác giả này chưa từng được nhắc tới trong bất kì một công trình nghiên cứu, kho cứu nào nếu không muốn nói cái tên Nguyễn Hoà Hương hoàn toàn bị lãng quên. Như vậy, việc tìm hiểu, công bố, khảo cứu về sự nghiệp sáng tác của tác giả Mai Đình là rất cần thiết đối với giới nghiên cứu, đó là việc làm thiết yếu nhằm bổ sung tên tuổi Nguyễn Hoà Hương và những sáng tác có giá trị của ông vào danh sách các tác giả, tác phẩm văn học trung đại.

 

[1] Tên tự tên hiệu các tác giả Hán Nôm Việt Nam, Trung tâm KHXH&NVQG, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Trịnh Khắc Mạnh (cb), Nxb KHXH, H, 2002, Mục 4.61 tr 246.

[2] Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, Nxb KHXH, H, 1993, Tập I, mục 296, Tập II, mục 2305.

[3] Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, H, 1993