Hoàng Việt lịch đại chính yếu 皇越歷代政要
136, Thiệu Trị ngũ niên Ất Tỵ thu [1845]
紹治五年乙巳秋 . 49 Images; 25 x 15
Mô tả/description : “Mép sách có đề Đại Thành đường tàng bản. Chưa rõ dòng in này có nghĩa là bản sách này chép từ một bản in của nhà tàng bản Đại Thành đuờng, hay là một bản sách chuẩn bị để làm bản khắc in của nhà sách ấy. Hoàng Việt lịch đại mục lục, Tuân chiếu Hoàng Việt lịch đại chính yếu quyển. Thiệu Trị ngũ niên Ất Tị (1845) thu cẩn sao.
Tự Chế binh dĩ hạ chí Cẩn pháp độ thị nhất tiết thuyết Đinh Lý Trần. Tự Quan chế dĩ hạ chí Ngục tụng thị nhất tiết thuyết Lê chi pháp độ. Sách gồm có 2 phần:
Phần một: Chế binh, Lý tài, Cần chính, Dưỡng dân, Thưởng phạt, Tín thời lệnh, Cố dân tâm, Cường quốc thế, Lệ sĩ phong, Tinh tiết nghĩa, Chế điền lý, Tường hộ khẩu, Đôn giáo hóa, Cẩn pháp độ, gồm 14 mục, đều ghi thể chế của các đời Đinh - Lý - Trần.
Phần hai: Quan chế, Binh chế, Biên phòng, Văn giáo, Khoa cử, Sĩ phong, Hộ khẩu, Dưỡng dân, Dân tâm, Lực dịch, Đinh suất, Điền chính, Phong tục, Quốc thế, Nhĩ đạo 弭盜, Thưởng phạt, Lý tài, Phú thuế, Gia tô 加租, Quân thần, Cầu tài, Biện tài, Nhân tài, Dụng nhân, Thuyên tuyển, Pháp tổ, Nạp gián, Khứ sàm, Cần chính, Kính thiên, Khuyến nông, Thể thần, Ngục tụng, gồm 34 mục chỉ chuyên ghi về thể chế triều Lê. Các mục, chẳng hạn Binh chế: Đinh Tiên hoàng lập quân lữ rất tường tất, nhưng cổng ngõ canh phòng không cẩn mật. Binh chế đời Lý Thần Tông có định chế, nhưng phá địch mà quy công cho Phật, thì chẳng khác gì giải tán tướng sĩ, sao còn phải chọn tướng để đi đánh giặc? Quân thủy bộ đời Trần Nhân Tông tập luyện tốt thế, nhưng không có đối sách để ngụ binh, mà còn phải hỏi kế lão nhân (ở hội nghị Diên Hồng)? Há phải là phép dụng binh mà trù định mưu kế chăng?
Từ tờ 18 về sau là Hoàng triều Minh Mệnh chính yếu [皇朝明命政要]. Q.1 gồm 22 mục: Kính thiên, Pháp tổ, Cầu hiền, Thẩm quan, Cần chính, Ái dân, Mục thân, Thể thần, Trọng nông, Sùng kiệm, Sùng văn, Phấn vũ, Lễ nhạc, Giáo hoá, Chế binh, Thận chế, Phủ biên, Nhu viễn, Quảng ngôn lộ, Cố phong thủ, Thận phú tài, Thẩm pháp độ, gồm 22 mục bàn riêng về đời Minh Mệnh. Ví dụ, mục Quảng ngôn lộ: Chúng thần trộm xét: Ngôn lộ rộng mở thì trị, từ xưa đế vương đã đặt ra sự cổ vũ cho những người dám can gián, nêu gương biểu dương những người tiến thiện (tiến cử kế sách ý kiến hay). Đúng là thời trí trị nhất mực. Từ Tam đại về sau thì như Hán Văn đế nạp ngôn, Đường Văn hoàng nạp gián, tuy việc nghe đức vẫn có chỗ hổ thẹn với đời xưa, nhưng đủ để làm gương cho đời sau vậy.”