Tóm Lược
Chữ Nôm trong 嗣 德 聖 制 字 學 解 義 歌 Tự Ðức Thánh chế tự học giải nghĩa ca là một giai đoạn chữ Nôm cuối cùng được sử dụng, nó ghi dấu một thời kì chữ Nôm phát triển đã đến độ ổn định và tương đối hoàn thiện về nhiều mặt. Không những thế, đây còn là một cuốn tự điển Hán Nôm dày dặn về vốn từ (cả Hán lẫn Nôm) trong tập hợp những tự điển song ngữ Hán Nôm dạy chữ Hán của người Việt. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, vấn đề cụ thể về chữ Nôm, số lượng và tính điển hình của chữ Nôm ... trong cuốn sách này như thế nào? Ðể tìm câu trả lời, chúng tôi đã bước đầu tiến hành nghiên cứu các vấn đề sau:
1. Vấn đề văn bản và tình hình Hán, chữ Nôm trong Tự Ðức Thánh chế tự học giải nghĩa ca.
2. Qua việc giải mã toàn bộ chữ Nôm trong văn bản: phiên âm, phân tích cấu tạo, thống kê, phân loại... tổng kết được những số liệu tương đối đầy đủ, chính xác về số lượng chữ Nôm cũng như tần xuất sử dụng để thấy được giá trị, tầm vóc của cuốn sách trong loại hình sách tự điển song ngữ Hán Nôm dạy chữ Hán.
3. Bước đầu nhận định về chữ Nôm và tính điển hình của chữ Nôm trong Tự Ðức Thánh chế tự học giải nghĩa ca trong tiến trình diễn biến, phát triển và chuẩn hóa chữ Nôm ở thời Nguyễn. Như vậy, nghiên cứu Tự Ðức Thánh chế tự học giải nghĩa ca (trước hết là về văn tự học) vừa để nghiên cứu chữ Nôm của một tác phẩm, một tác giả, một giai đoạn... tạo tiền đề để nghiên cứu về tiếng Việt đương thời (bởi chữ Nôm ghi tiếng Việt), về sự hoàn thiện của chữ Nôm thế kỉ XIX - cũng là giai đoạn cuối của chặng đường hình thành - phát triển - ổn định và hoàn thiện, về mục đích chuẩn hóa, phổ biến tiến tới phổ cập chữ Nôm của triều đình nhà Nguyễn và nhu cầu sử dụng chữ Nôm như là một văn tự quan phương chính thức của dân tộc nhằm thay thế cho địa vị thống trị của chữ Hán cũng như văn hóa Hán từ đó về trước... Ðó là một vấn đề có ý nghĩa và cần thiết.
Hà Đăng Việt
Đại học Khoa học Huế